Hy hữu những tình huống kích hoạt cảnh báo khẩn cấp của nước Mỹ

Hoàng Sơn |

Để kiểm tra hệ thống cảnh báo không dây, trong ngày 20-9-2018 tới, Cơ quan Quản lý tình trạng khẩn cấp liên bang của Mỹ (FEMA) sẽ gửi tin nhắn thử nghiệm tới tất cả các máy điện thoại di động ở Mỹ.

Với tựa đề “Cảnh báo từ Tổng thống Mỹ”, tin nhắn sẽ có nhạc chuông lớn và tiếng rung đặc biệt. Theo thông báo của FEMA, những cảnh báo như thế này chỉ được đưa ra trong các tình huống khẩn cấp cấp quốc gia và đích thân Tổng thống Mỹ là người duy nhất có quyền quyết định xem khi nào sẽ sử dụng tới hình thức cảnh báo qua tin nhắn này.

Không một người nào sử dụng điện thoại di động tại Mỹ có thể từ chối dịch vụ này.

Kể từ khi hệ thống cảnh báo không dây về các tình huống khẩn cấp được đưa vào hoạt động năm 2012, đã có hơn 36 nghìn cảnh báo được đưa ra về các vụ trẻ em mất tích, thời tiết cực đoan và các thảm họa thiên nhiên.

Tuy nhiên, chưa có cảnh báo nào được đưa ra trực tiếp từ Tổng thống Mỹ, trong khi chủ nhân của các số thuê bao cũng có thể từ chối dịch vụ cảnh báo như với trẻ em mất tích hay thảm họa thiên nhiên.

Nhưng những thách thức mà nước Mỹ phải đối mặt, nhất là trong bối cảnh khủng bố bất ngờ xuất hiện, khiến Washington phải tính đến phương cách làm sao có thể phản ứng nhanh nhất trên quy mô toàn quốc nhằm giảm tối đa thiệt hại với người dân.

Chính vì thế, ngay từ năm 2016, Tổng thống Mỹ lúc đó là ông Barack Obama đã ký đạo luật yêu cầu FEMA xây dựng hệ thống cho phép người đứng đầu Nhà Trắng có thể gửi cảnh báo tới các máy điện thoại di động ở Mỹ trong trường hợp xảy ra những tình huống khẩn cấp.

Trong lần thử nghiệm vào ngày 20-9-2018 này, tất cả người dùng điện thoại di động ở Mỹ sẽ đồng thời nhận được tin nhắn với nội dung: “Đây là kiểm tra của Hệ thống cảnh báo khẩn cấp không dây quốc gia. Không cần thực hiện hành động nào”.

Hai phút sau, Hệ thống cảnh báo khẩn cấp (EAS) cũng sẽ phát sóng một tin nhắn thử nghiệm tương tự trên các dịch vụ truyền hình, radio và video hướng dẫn.

Với hệ thống trên của FEMA, Nhà Trắng tin tưởng người dân Mỹ sẽ sớm nhận được cảnh báo như nguy cơ tấn công khủng bố hay các trường hợp khẩn cấp khác để kịp thời có hành động ứng phó. Tuy nhiên, quá khứ cho thấy không phải lúc nào hệ thống cảnh báo của Mỹ cũng trong tình trạng sẵn sàng và hoạt động hiệu quả.

Mới hồi tháng 1-2018, người dân bang Hawaii hoảng loạn khi nhận được thông báo cho biết đang có tên lửa đạn đạo bay về hướng đảo này. Họ được cảnh báo nên tìm chỗ trú ẩn càng sớm càng tốt và đây không phải là báo động diễn tập.

Phải 38 phút sau khi thông báo trên được phát đi, người ta mới xác nhận đây chỉ là cảnh báo nhầm. Thống đốc David Ige đã phải lên tiếng xin lỗi người dân và cho biết vụ việc xảy ra là do lỗi của một trong những nhân viên “đã nhấn nhầm nút”.

Trong quá khứ, ngày 20-2-1971, sai sót trong thử nghiệm hệ thống cảnh báo đã khiến người dân cả nước Mỹ nghĩ rằng họ chuẩn bị hứng chịu một cuộc tấn công hạt nhân thực sự từ Liên Xô. Khi trung tâm cảnh báo nhận ra sai sót, họ tìm cách dừng toàn bộ hệ thống phát sóng nhưng thử tới 6 lần mà vẫn thất bại.

Sau này, các cuộc điều tra cho thấy một nhân viên điều hành hệ thống cảnh báo đã nhầm lẫn khi đặt băng vào máy truyền tin.

Không biết hệ thống cảnh báo không dây của FEMA sắp tới có hoạt động hoàn hảo như tính toán hay lại gây ra “cơn bão” lo lắng, hoảng loạn với người dân Mỹ?

Link gốc bài viết tại đây.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại