Chung quanh sự lên ngôi, hưng thịnh rồi diệt vong của mỗi triều đại phong kiến phương Đông xưa đều được phủ một lớp sương mù hư ảo về mồ mả. Chuyện ấy cũng chưa thể khẳng định nhưng chắc chắn là có bàn tay can thiệp của con người nhằm mục đích chuẩn bị cho sự ra đời hay củng cố thêm tính vững chắc hoặc độ lâu dài của một vương triều. Về bản chất đó là mối quan hệ vương quyền và thần quyền. Những huyền thoại kia cũng chỉ là một lực lượng của thần quyền làm công cụ cho vương quyền mà thôi.
Đền Đô thờ tám vua triều Lý.
Trước tiên xin kể một chuyện có thật được sử sách ghi lại. Đó là sự kiện về vị quan "khai quốc công thần" triều Gia Long là Nguyễn Văn Thành bị xử tội chết. Ông là người có công lớn giúp nhà Nguyễn dựng cơ đồ rồi trở thành "thông gia" với vua Gia Long. Nhưng một tai họa kinh hoàng ập đến.
Nguyễn Văn Thuyên con trai ông cũng là con rể Gia Long văn hay chữ tốt từng đỗ hương cống có làm bài thơ tặng bạn. Hai câu cuối nói về ý con người cùng đất nước sơn hà gặp phen hội ngộ sẽ là dịp giúp nhau xoay chuyển thời thế này. Ý thơ đầy khẩu khí của kẻ đội trời đạp đất. Thế nhưng liền bị triều đình khép vào tội "có ý phản tặc". Cả hai cha con Văn Thành bị chết oan! Chết vì một vài câu thơ thì xưa vẫn có nhưng ở đây sâu xa còn một lý do khác...
Sau khi lên làm vua, Gia Long sai quần thần rồi tự mình đi tìm "huyệt đạo đế vương" để cho con cháu sau này bền vững nối ngôi. Lần ấy Gia Long tìm được mảnh đất phong thủy rất đẹp, bèn gieo quẻ rồi cho đào sâu xuống thì bắt gặp thấp thoáng 5 sắc óng ánh. Theo kinh nghiệm đất nào có "ngũ sắc" thuộc hàng "đại quý". Vua mừng lắm.
Trong lúc Vua vui như vậy, cũng là số trời mà Văn Thành thốt lên, có lẽ cũng là để chia sẻ với người từng kề vai vào sinh ra tử, là thần cũng đã tìm được nơi đất tốt như thế để táng gửi hài cốt thân mẫu... Chỉ một lời nói ấy đã hại cả gia tộc Văn Thành.
Vốn đa nghi, tàn nhẫn và độc ác, Gia Long nghĩ ngay đến chuyện thế là Văn Thành có ý làm vua nên mới tìm "huyệt đạo"... Thì ra cái cớ là câu thơ kia để Văn Thành chết chỉ là bề ngoài!
Không chỉ Gia Long mà các vua triều Nguyễn sau này đều rất tin phong thủy huyệt mộ nên đều sai người rồi tự mình đi chọn. Vua Minh Mạng phải mất 14 năm mới tìm được chỗ ưng ý. Điều ấy đã thành truyền thống...
Ngược trở về lịch sử tiên tổ nhà Nguyễn, tương truyền, Nguyễn Kim chết, thi hài được đưa về táng ở núi Triệu Tường (Hà Trung - Thanh Hóa). Khi đặt quan tài xuống huyệt thì trời nổi cơn sấm sét, mưa gió ầm ầm, miệng huyệt cứ từ từ khép lại. Mọi người kinh hãi bỏ chạy. Khi trời quang mây tạnh, thì nơi đặt quan tài cũ đã thành cả một triền núi đá trùng điệp, cây tốt cỏ tươi... Từ đó núi có tên mới là Thiên Tôn.
Cho nên sau này mỗi dịp tế bái Triệu tổ, các vua nhà Nguyễn chỉ làm lễ bái vọng ("vọng" có nghĩa nhìn xa), đứng dưới chân núi mà bái "vọng" lên. Huyền thoại đã đi vào rồi hằn đậm trong tâm trí mỗi vua nhà Nguyễn sau này để rồi trở thành một tập quán, một nguyên tắc.
Dưới góc nhìn phong thủy hiện đại thì quần thể di tích vua Gia Long là đẹp nhất trong số các Lăng triều Nguyễn. Đây là một kiến trúc phong thủy điển hình: có tả Thanh Long, có hữu Bạch Hổ, có minh đường là một hồ nước lớn. Lại có cả một ngọn núi nhỏ làm triều án...
Thế là chỉ một sở thích, một ý chỉ của vương quyền mà có thể làm tổn hại bao sinh linh. Mặc dù những sinh linh đó vô tội, thậm chí người bị kết tội chết từng là cánh tay phải của bậc đế vương!
Khu di tích Vua Gia Long rất "chuẩn" phong thủy!
Huyền thoại về phong thủy cho rằng Thanh Hóa là đất "phát vương", trong đó gia thế chúa Trịnh truyền được tới 12 đời là nhờ "phúc" từ cụ Hưng tổ Phúc ấm vương Trịnh Liễu (Sóc Sơn - Vĩnh Lộc ngày nay). Cụ Liễu làm ruộng, hiền hậu, phúc đức được một vị thần chỉ nơi đất phát vương nghiệp (núi Hùng Lĩnh, huyện Vĩnh Lộc). Nghe lời ông đem hài cốt cha táng ở đấy.
Vị thần chỉ tiếp núi Lệ Sơn và vùng Mã Thắm nói đất này "quý địa" phát tài tới cả trăm năm... Tính theo gia phả thì Trịnh Kiểm là cháu bốn đời cụ Trịnh Liễu. Đúng như lời thần nhân, vương nghiệp họ Trịnh phát lên từ huyệt địa núi Hùng Lĩnh. Về sau nhà chúa Trịnh phong vị thần mách cụ Trịnh Liễu làm Tống Thiên Thần vương...
Vẫn theo huyền thoại có nhà sư giỏi địa lý mách cụ Lê Khoáng (thân phụ Lê Lợi) vùng đất thiêng có long mạch hình "quốc ấn" (dấu hiệu cao nhất của vương quyền) có "tả Thanh Long" là núi Thái Thất và núi Chí Linh (huyện Lang Chánh nay) "hữu Bạch Hổ" là dòng nước uốn, "minh đường" là xứ Long Sơn rộng rãi... Cụ Lê Khoáng đem táng hài cốt cha mình vào huyệt đạo như chỉ dẫn. Về sau Lê Lợi được nhờ cái "phúc" ấy!
Theo dã sử thì huyền thoại lưu truyền trước cả thời điểm Lê Lợi kháng chiến, như là một sự "chuẩn bị" cho Lê Lợi lên ngôi Thái tổ mở ra một thời đại thịnh trị. Trong thời kháng chiến lại có thêm rất nhiều huyền thoại mới như là sự tiếp nối, như là sự khẳng định Lê Lợi xứng đáng làm vua. Ví như giai thoại Nguyễn Trãi cho viết chữ bằng "mực mật ong" vào các lá cây 6 chữ: "Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần". Kiến cứ thế ăn mật để lộ ra những chữ của Trời "phán"...
Sự chuẩn bị cho nhà Trần nắm quyền thì có hẳn một chùm truyện ly kỳ, nổi bật là "Trần triều tổ mộ ký" (Truyện mộ tổ nhà Trần) được nhiều sách cổ in như "Công dư tiệp ký", "Đại Nam dư địa chí ước biên"...Vốn xuất thân nghề chài lưới, lại có gốc gác nơi ở cũng rất bình thường (Tức Mặc) mà làm nên nghiệp đế, nhà Trần phải nhờ thần quyền tâm linh "chuẩn bị cơ sở" về tư tưởng. Huyền thoại phải làm nhiệm vụ này.
Truyện kể để trả ơn một người họ Trần cứu mạng, ông thầy địa lý Tàu liền biếu ngôi huyệt phát đế (ở Nhật Cảo, Thái Đường, huyện Hưng Nhân) mà mình công phu tìm được. Đó "huyệt đạo" có thế "Thổ tang phúc tàng kim" (đất giấu vàng) trông ra "minh đường" là ngã ba sông nước mênh mang, cờ gươm hai bên tả hữu, phía sau tựa vào hình voi phục. Quả nhiên Trần Cảnh chỉ từ chỗ làm chức "Hỏa đầu" (chức quan sai bảo) trong cung Lý Chiêu Hoàng mà được làm chồng Công chúa rồi được nhường ngôi.
Lý giải sự "phế" (xuống dốc) của thời mạt Trần, huyền thoại phong thủy cũng can dự rất đậm. Chả là con cháu thầy địa lý Tàu kia thấy không được nhà Trần kính trọng như trước, nhớ lời cụ Tổ dặn mở "sấm thư" rồi gửi sang Đại Việt. Nhà Trần ngây thơ làm theo: "Huyệt mộ Thái Đường hết thịnh, cần khơi thông thuỷ đạo" cho đào mở một đường thủy đạo (dòng sông). Không ngờ đó là kế hiểm của thầy địa lý để lại, đường thuỷ đạo làm đứt long mạch. Nhà Trần dần dần suy tàn...
Ngược thời gian về với triều Lý vẻ vang tồn tại hơn 2 thế kỷ (215 năm, từ 1009 - 1225). Bản "Thiên đô chiếu" (1010) của Lý Thái tổ thực sự là áng văn bất hủ cũng nhắc tới hình thế phong thủy tiêu biểu của đất Thăng Long. Sự chuẩn bị cho một người có gốc ở đất Cổ Pháp (Bắc Ninh), xuất thân bình dân mà lên ngôi Hoàng đế cũng rất cần thần quyền "giúp đỡ".
Truyện kể thân phụ Ngài nghèo khó, đi làm thuê ở chùa Tiêu Sơn rồi phải lòng một tiểu nữ. Nhà chùa bèn đuổi họ đi. Hai vợ chồng dìu dắt nhau đến nơi rừng Báng, ngồi nghỉ dưới gốc cây. Người chồng xuống giếng uống nước, chẳng may sảy chân chết đuối. Người vợ bụng mang dạ chửa đi tìm thì thấy giếng đã tự lấp quá nửa... Nàng đành vào chùa Ứng Tâm gần đó xin tá túc...
Theo phong thủy xưa, huyệt mộ không lấp mà tự đầy, tức được "thiên tạo", con cháu không phát vương thì cũng được danh vọng quý. Điều này đã "ứng" với dòng dõi họ Nguyễn (Nguyễn Kim) và trước đó là thân phụ Lý Thái Tổ. Trường hợp này còn gọi "mộ kết", nếu đào lên thấy đất ở đó óng ánh "ngũ sắc" thì phải "hoàn nguyên" ngay. Nếu cứ đào sẽ bị "đứt" long mạch... Hoặc ngôi mộ nào được mối/kiến đùn lên hoặc tự cao lên... cũng có thể được coi là "thiên tạo". Dần dần tín ngưỡng ấy trở thành phong tục "Sống vì mồ vì mả/ Ai sống bằng cả bát cơm". Hằng năm đi chạp mộ cũng là cách "tôn tạo" mồ mả cha ông cao ráo sạch sẽ. Hạt nhân của phong tục này là khát vọng nhân bản con người muốn vươn lên tới đỉnh cao của danh vọng, giàu có, vương giả.