Huyền thoại Trần Hùng: Một thế hệ được hun đúc từ linh thiêng đất trời

Mộc Miên (Ảnh: Duy Bùi) |

Những con người của thời đại cựu danh thủ Trần Hùng không thể đào tạo là được, mà có lẽ chỉ được hun đúc bởi thời thế.

Lời giới thiệu:

Ngược dòng lịch sử, chúng tôi xin được khắc họa lại chân dung của một "Thanh niên Hà Nội". Người không trực tiếp cầm súng trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, nhưng buộc người ta phải nhớ tới ông như một huyền thoại "dội bom" của một thời sấm rền đất Bắc.

Ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu mến thưởng kẹo, còn người dân thì thưởng ông nước mắm. Giờ đây, người đàn ông đó đã là tỷ phú, nhưng viên kẹo của Bác, chai nước mắm của dân và một đôi giày cũ vẫn là những phần thưởng đáng lắm, đáng nhất của một đời con người

Link phần 1: Viên kẹo của Bác, chai nước mắm của dân và huyền sử "dội bom" thời sấm rền đất Bắc

Một thế hệ được hun đúc từ linh thiêng đất trời

Như đã đề cập, Trần Hùng quá mạnh với bất cứ hàng thủ nào. Nhưng Thanh Niên Hà Nội và Xi Măng Hải Phòng vốn không phải những đội bóng mạnh, nên Hùng Xồm phát huy hiệu quả săn bàn cao nhất là ở ĐTQG miền Bắc, khi ông chung màu áo với những đồng đội đẳng cấp khác như Từ Như Hiển, Trần Duy Long, Lê Thế Thọ, Trần Văn Khánh…

Cựu danh thủ đất Cảng nói: "Đỉnh cao của tôi là giai đoạn 1963-1968. Ở giai đoạn ấy, hiếm có trận nào mà tôi không ghi bàn cả".

Vậy là đỉnh cao của Trần Hùng cũng là giai đoạn đỉnh điểm của cuộc Chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất (1965-1968), cuộc chiến mà người Mỹ gọi bằng cái tên rất kêu là Chiến dịch Sấm Rền (Operation Rolling Thunder).

Trần Hùng nhớ lại: "Thế hệ chúng tôi, người ta háo hức nhập ngũ. Những người có năng khiếu thể thao như chúng tôi thì đi theo nghiệp thể thao. Lúc ấy ai cũng như ai, háo hức lắm. Ở Trung tâm huấn luyện quốc gia, chúng tôi vẫn thường bảo nhau, phải làm mọi cách để thay đổi bóng đá Việt Nam. Bóng đá Việt Nam thời chiến thì lại càng phải trở nên mạnh mẽ".

Nhưng thế hệ ông Hùng thay đổi bằng cách nào trong hoàn cảnh đó? Người viết sẽ đề cập ở phần sau. Nhưng tinh thần thi đấu ở cái thời sấm rền đất Bắc ấy thì xem ra, bóng đá ngày nay cũng không sánh được.

"Bom Mỹ cũng không phá được các trận đấu của chúng tôi. Không thi đấu được ở Hàng Đẫy thì chúng tôi về các sân huyện như Hoài Đức, người dân vẫn đến kín sân để cổ vũ. Một bầu không khí tôi không thể quên được. Khi có báo động máy bay địch, trận đấu dừng lại, tất cả cùng xuống hầm".

Bom đạn từ những con Chồn Hoang F-105 hay Bóng Ma F-4 không phá được ngay cả một trận đấu bóng đá. Trái lại, cái thời sấm rền miền Bắc ấy lại tạo ra một đội tuyển Việt Nam thực sự mạnh với những con người như Trần Hùng.

Cái thế hệ ấy, sinh ra từ chọn lọc theo quy luật tất yếu hay cũng có thể nói, linh thiêng đất trời của thế thời đã hun đúc nên họ, chứ chẳng thể nào đào tạo nổi đâu…

Huyền thoại Trần Hùng: Một thế hệ được hun đúc từ linh thiêng đất trời - Ảnh 2.

Một thuở ở GANEFO

Đội tuyển Việt Nam khi đó mạnh thực sự và đã vươn tầm châu lục. GANEFO - giải đấu thể thao của các nước mới trỗi dậy (The Games of the New Emerging Forces), quy tụ các đội bóng đến từ Đông Âu, Á, Phi và Mỹ Latin là thước đo thực thụ cho một tuyển Việt Nam.

GANEFO 1963 ở Indonesia, Việt Nam đánh bại Tuyển Sinh Viên Chile 4-2, ĐT Lào 9-1 ở vòng bảng. Thắng Tuyển Sinh viên Argentina 6-1 ở tứ kết để lọt vào bán kết và chỉ thua đội tuyển rất mạnh là CHDCND Triều Tiên 0-2. Ở hai giải GANEFO tiếp theo, sự tiến bộ của tuyển Việt Nam cùng phong độ xuất sắc của Trần Hùng đã giúp Việt Nam giành 2 HCĐ liên tiếp.

Đó là GANEFO 1965 ở Triều Tiên. Việt Nam cầm hòa ĐT Trung Quốc 3-3, đánh bại những đối thủ châu Phi như Guinea và chỉ chịu thua trước chủ nhà Triều Tiên với tỷ số tối thiểu 0-1. Mà đội hình Triều Tiên thời điểm đó chính là những người năm sau tham dự VCK World Cup 1966 ở Anh, giải đấu mà họ đã gây sốc khi đánh bại Italia để lọt vào tứ kết.

Sau trận đấu đó ở sân Moranbong tại Bình Nhưỡng ngày 2/8/1965, HLV Triều Tiên là ông Rye Hyun Myung đã nói: "Ở Đông Nam Á và châu Á, đội đáng sợ nhất sẽ là Việt Nam".

Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam khi đó là ông Phan Ngươn Đang hỏi lại: "Ngài quý Việt Nam nên nói vậy phải không? Và ngài đánh giá trên cơ sở nào?" thì vị truyền thưởng từng đưa Triều Tiên lọt vào tứ kết World Cup trả lời:

"Tuổi trung bình của chúng tôi là 28, trong khi các anh mới 23. Bóng đá phải là những con người như các anh". Và khi ông Phan Ngươn Đang hỏi Rye Hyun Myung về cầu thủ Việt Nam ông ấn tượng nhất thì vị HLV này nói "số 9", số áo của Trần Hùng.

GANEFO năm 1966 ở Phnom Penh, Campuchia, ĐT Việt Nam tiếp tục đoạt HCĐ. Tấm HCĐ ở tầm châu lục này của Trần Hùng cùng đồng đội không còn làm cho giới chuyên môn bất ngờ nữa. Những người trong cuộc cũng không bất ngờ, nhưng đó lại là kỳ GANEFO đáng nhớ nhất của những người tham dự.

Ông Trần Hùng kể: "Rất đông kiều bào người Việt sinh sống tại Campuchia khi đó đã đến sân vận động để cổ vũ cho đội tuyển bóng đá Việt Nam cùng các VĐV khác. Có những cụ già nói với tôi rằng, họ đã vượt gần 300 km đến Phnom Penh chỉ để được ngắm Quốc kỳ của Việt Nam và ca vang Quốc ca, để hòa chung không khí chiến thắng".

Những cụ già nhớ Quốc kỳ, thèm Quốc ca. Còn những cô thiếu nữ gốc Việt sinh ra và lớn lên ở Campuchia thì nhớ gì? Họ hỏi gì Trần Hùng - chân sút lừng danh của đội Thanh Niên Hà Nội đang làm nghĩa vụ quốc gia ở Campuchia? Ông Hùng Xồm nhớ lại:

"Nhiều cô thiếu nữ vây lấy chúng tôi, họ hỏi về những con phố cổ ở Hà Nội, hỏi Hồ Gươm thế nào, có đẹp và thơ mộng như lời kể của ông bà, cha mẹ họ hay không. Tôi đi mua sắm còn không mất tiền, các cô ấy còn mua cho tôi một bộ quần áo rất đẹp. Về Hà Nội ai cũng khen là mốt, tôi mặc mãi bộ quần áo đó, như một kỷ niệm đẹp".

Huyền thoại Trần Hùng: Một thế hệ được hun đúc từ linh thiêng đất trời - Ảnh 3.

Viên kẹo của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Cuối năm 1966, Trần Hùng cùng đồng đội trong tuyển bóng đá Việt Nam và những VĐV đạt thành tích cao vinh dự được bác Hồ đón tiếp tại Phủ Chủ tịch. Chàng tiền đạo quê Hải Phòng của Thanh Niên Hà Nội dĩ nhiên không bao giờ quên được thời khắc gặp Người.

Không quên, vì đó là vinh dự và cũng vì ông quá bất ngờ về Bác. Trước đó, những người như ông Hùng vẫn thường được nghe kể rằng, Hồ Chủ Tịch không phải đấng tối cao xa lạ, mà rất cởi mở, gần gũi. Nhưng Bác cởi mở và gần gũi như thế nào? Chỉ khi gặp Người họ mới biết.

Ông Trần Hùng kể: "Dẫn đầu đoàn thể thao vào với Bác Hồ là Trưởng đoàn Ngô Luân, khi đó là Bí thư Đảng đoàn của Tổng cục Thể dục Thể thao. Ai cũng hồi hộp mong được gặp Bác Hồ. Người đón chúng tôi đầu tiên là Thủ tướng Phạm Văn Đồng".

Và rồi Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất hiện: "Bác hôm ấy mặc bộ quần áo nâu giản dị, đi dép cao su. Sau khi chào Bác, ông Ngô Luân bắt đầu báo cáo cho Bác thành tích vang dội của các VĐV Việt Nam ở GANEFO. Khi ông Luân đang báo cáo thì bất ngờ Bác mỉm cười thân thiện, xua tay: "Thôi, thôi, có mỗi mấy cái HCV mà chú cứ khoe mãi. Đâu, ai giành được HCV thì lên đây ngồi với Bác".

Bác vừa dứt lời thì tất cả đều ùa lên với bác. Dân bóng đá chúng tôi chỉ HCĐ nhưng nhanh chân hơn, thành thử những VĐV đạt HCV như xạ thủ Trần Oanh hay VĐV bơi lội Vũ Thị Sen còn đứng vòng ngoài".

Sau khi đã ổn định chỗ ngồi, Chủ tịch Hồ Chí Minh mời tất cả VĐV ăn bánh, kẹo. Người còn vui vẻ phát cho mỗi người một viên kẹo, khiến cho một chân sút như Trần Hùng cũng phải "cảm thấy mình như nhỏ lại thời niên thiếu".

Một câu chuyện khác mà Trân Hùng nhớ về sự thân thiện và dí dỏm của Cụ Hồ: "Sau khi chụp ảnh với bác, các VĐV ai cũng muốn có một tấm để làm kỷ niệm. Bác Hồ cười và chỉ vào anh thợ ảnh: đây nhé các cô, các chú, ai muốn có ảnh thì cứ tìm ông này, rồi đóng tiền cho ông ấy, chứ đừng hỏi Bác nhé.

Rời Phủ Chủ tịch, chúng tôi lại thêm một lần hiểu Bác, một con người giản dị đến mức nào. Ai cũng thầm nhủ, sẽ còn phải tập luyện và nỗ lực hơn nữa để đạt thành tích tốt hơn. Vì nhân dân trong cuộc chiến chống Mỹ còn khó khăn hơn nhiều, như lời Bác nói. Tôi ra về mà vẫn còn viên kẹo của Bác, nó như một phần thưởng của Người cho tôi".

Lấy Pele làm mục tiêu, tập mọi nơi như Puskas

Một thời sấm rền đất Bắc. Nhưng đã có một đội tuyển Việt Nam như vậy với những con người như Trần Hùng. Bây giờ thì chúng ta cùng tìm hiểu, tại sao trong bối cảnh khó khăn về kinh tế và khắc nghiệt về lịch sử như vậy, bóng đá Việt Nam lại có thể sản sinh ra những cầu thủ tài năng, quyết vươn tầm châu lục và họ đã làm được?

Đầu tiên như đã đề cập, Trần Hùng là con nhà nòi, mới 8 tuổi đã được cha – cựu cầu thủ Cotokin từng vô địch Đông Dương tập luyện cơ bản. Lớn lên nữa, ông Hùng lại may mắn gặp được những ông thầy nổi tiếng như Nguyễn Lan rồi chuyên gia Liên Xô kèm cặp nên đã phát huy được tối đa mọi tố chất của mình.

Trần Hùng cho biết: "Sở dĩ chúng tôi phát triển được cũng nhờ vào công lao của HLV Liên Xô, ông Akimov. Trước hết là về mặt thể lực, những bài tập thể lực của ông ấy nâng tầm vóc của chúng tôi lên cấp độ châu Á.

Gánh tạ đứng lên ngồi xuống, chúng tôi làm tới 175 lần. Vứt tạ xuống chạy 10 lần 60m, vào gánh tạ như thế rồi lại chạy 10 lần 100m. Ở giáo án tập sức mạnh, chúng tôi phải buộc tạ vào người, kéo nó chạy trên đường piste.

Ở môn chạy sức bền, chúng tôi chạy mỗi ngày 10.000m là bình thường. Mỗi buổi tập, tôi sút tới xấp xỉ 1.000 lần. Nhưng ở Trung tâm huấn luyện quốc gia, chúng tôi đâu chỉ có tập luyện. Chúng tôi còn phải đi đào hào, đào hầm để tránh máy bay. Nói chung cái thời ấy nó thế, nhưng ai cũng ra sức luyện rèn, xem như nhiệm vụ cho tổ quốc".

Huyền thoại Trần Hùng: Một thế hệ được hun đúc từ linh thiêng đất trời - Ảnh 4.

Pele là tấm gương để cựu danh thủ Trần Hùng hướng tới.

Nhưng phải tập luyện đến mức nào? Trần Hùng cùng thời với Pele và Vua bóng đá Brazil như một cái mốc cho ông hướng đến: "Tôi luôn tự hỏi, làm thế nào mà Pele giỏi như thế? Tôi và ông ấy cùng thời, tuổi tác gần nhau, chiều cao cân nặng cũng gần nhau thì tại sao người ta làm được mà mình lại không?".

Đó là một tư duy học hỏi cần thiết của một ngôi sao muốn chuyển mình. Ham học hỏi, nên trong những chuyến du đấu nước ngoài, ông Hùng cũng rất ý thức tìm những cuốn tài liệu bóng đá hay thông tin về bóng đá để trau dồi kiến thức. Hùng Xồm chia sẻ:

"Ferenc Puskas nói, sở dĩ con người ta sinh ra đôi tay khéo hơn chân, vì đôi tay được dùng sờ mó nhiều hơn. Muốn chân khéo như tay thì phải dùng nhiều đến đôi chân nên khi ngồi đọc báo, ông ấy cũng dùng chân vê bóng. Tôi học ông Puskas ở điểm ấy và khi ngồi bất cứ nơi đâu, tôi cũng dùng chân vê nếu có bóng. Trước đó khi đi trên đường, nhìn thấy viên sỏi, tôi cũng đá nó vào mục tiêu nào đó".

Năng khiếu bẩm sinh, khổ luyện từ nhỏ, ý thức học hỏi đã tạo ra một đội tuyển Việt Nam với những Trần Hùng vươn tầm châu lục, về chuyên môn cũng như tâm lý, không ngán bất cứ đối thủ quốc tế nào. Thế nên, khi chứng kiến các ĐT Việt Nam bao thế hệ gần đây thua Thái Lan, ông Từ Như Hiển - tức Hiển "Coóc" mới nhiều lần phải thốt lên với các lão tướng cùng thời rằng: "Chỉ cần tôi và Hùng Xồm thôi là có thể phá nát cái hàng thủ Thái Lan này".

Trần Hùng thì điềm tĩnh hơn, ông nói: "Nói như ông Hiển thì thế hệ bây giờ cho chúng tôi tự phụ kiêu căng. Nhưng tư tưởng của chúng tôi ngày xưa coi Thái Lan như Lào. Thời nay cũng thế, hàng thủ của Thái Lan vẫn còn quá nhiều lỏng lẻo, họ vẫn chưa vươn tầm châu lục được đâu. Thời chúng tôi, có thể thua bất cứ đội bóng quốc tế nào, nhưng có thể thua chuyên môn, chứ không cóng về tâm lý. Thi đấu dưới làn đạn chúng tôi còn chẳng sợ, thì còn sợ gì nữa".

Và nhìn bóng đá ngày nay, với những khán đài trống vắng vì người hâm mộ quay lưng ở giải VĐQG, ông Trần Hùng lại nhớ về một thời quá vãng, cái thời khó khăn chồng chất nhưng khán đài dường như không bao giờ có ghế trống:

"Khán giả cuồng nhiệt, đông lắm, họ kéo đến xem chúng tôi thi đấu, trận nào cũng như trận nào. Phần thưởng cũng lớn lắm, có người mang đến tận sân những chai nước mắm biếu chúng tôi. Thời ấy khó khăn, nước mắm cũng rất quý. Tôi xúc động lắm mỗi khi nhớ lại những hình ảnh đó" .

Nói về "ngày xưa", khi kết thúc một tình tiết chuyện nào đó, ông Trần Hùng hay có thói quen kết thúc bằng câu: "Cái thời ấy nó vậy". Đúng là cái thời ấy bóng đá Việt Nam mạnh vì họ tập thật, đá thật, đá nhiệt vì khán giả và vì cả tổ quốc. Họ đá dưới những tiếng sấm rền, để tận hiến, để thỏa mãn đam mê, chẳng cần gì cả. Phần thưởng quý giá có khi chỉ là chai nước mắm…

Một cuộc đời phiêu bạt

Năm 1979, Trần Hùng giải nghệ ở tuổi 37. Ông được tạo điều kiện đi học HLV nhưng Trần Hùng đã từ chối, dù tình yêu bóng đá vẫn còn cháy bỏng. Ông cho biết: "Cả đời bố tôi đi đá bóng, lừng lẫy là thế nhưng giải nghệ chẳng có gì ngoài đôi giày cũ. Tôi cũng thế, lúc ấy tôi cũng chỉ còn đôi giày cũ. Cái thời ấy nó vậy. Tôi còn vợ con, tôi không thể theo bóng đá được nữa".

Thế là Hùng Xồm khét tiếng giải nghệ, ông biến mất hút khỏi đời sống bóng đá. Ông đi buôn, ông quyết chí làm giàu vì ước nguyện của vợ ông - một người phụ nữ gốc Hà thành. Trần Hùng thổ lộ: "Khi tôi giải nghệ ở Hải Phòng, chỉ với đôi giày, nhà nghèo, vợ tôi hoang mang lắm. Bà ấy là người Hà Nội, bà ấy nói ước muốn được trở lại sống ở Hà Nội. Tôi thương bà ấy nên quyết tâm thực hiện ước nguyện đó".

Ban đầu ông Hùng buôn đồ điện tử từ các tàu hàng viễn dương ở bến cảng Hải Phòng, rồi buôn bán sắt vụn, buôn len… đủ cả. Nhưng công việc buôn bán ở đất Cảng không bao giờ dễ dàng. Trần Hùng nhớ lại:

"Tôi thường xuyên bị bọn đầu gấu, anh chị tổ chức cướp hàng. Có những chuyến hàng bị cướp trắng, nghĩ đến vợ con, tôi tủi thân tôi khóc. Nhưng rồi tôi tìm cách chống lại chúng, tôi không phải là kẻ dễ dàng gục ngã. Bóng đá, bóng đá và tinh thần chiến đấu của nó đã cho tôi thứ bản lĩnh đó".

Tới năm 1995, sau 16 năm cần mẫn làm ăn trên đất Cảng, vợ chồng ông Trần Hùng đã có đủ số tiền để trở về Hà Nội. Ông mua một căn nhà ở Hàng Bạc, xây khách sạn mang tên Sport, sau đó là những khách sạn Sport ở Huế và Phú Yên.

Thế là từ ấy, người ta bắt đầu nói về Trần Hùng như một doanh nhân trong lĩnh vực kinh doanh khách sạn. Năm 2007, ông Trần Hùng lại bán khách sạn ở Hà Nội, vào TP HCM. Tại đây, ông cùng các con gầy dựng nên hệ thống khách sạn 3 sao Asean Ruby ở những con phố trung tâm như Lê Lai, Thi Sách và Bùi Thị Xuân.

Bóng đá thời chiến và kinh doanh thời bình, ông Trần Hùng đều thành công vang dội. Và ở cái tuổi 75, vì công việc và vì con cháu, Trần Hùng vẫn chưa thể thôi cuộc sống phiêu bạt nơi đất khách, mà ông cho rằng: "cứ phiêu bạt nay đây mai đó, cái số phận của tôi nó là như vậy. Ở đây, giờ đây cuộc sống đầy đủ rồi, nhưng tôi vẫn nhớ miền bắc lắm. Nhất là mùa thu, mùa thu nào tôi cũng ra miền bắc. Tôi nhớ lắm!".

Đó là Trần Hùng, Vua "dội bom" thời chiến ở miền Bắc, nay là ông trùm khách sạn ở phương Nam. Nhưng danh tiếng xưa hay tiền bạc nay không còn quá quan trọng với Trần Hùng nữa. Giống cha mình, thứ quan trọng mà ông nâng niu như báu vật, vẫn là đôi giày đá bóng cũ, đôi giày đã theo ông đi vào huyền thoại, suốt một thời sấm rền đất Bắc…

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại