Trong lịch sử Trung Quốc, Âu Dã Tử là một huyền thoại rèn kiếm lừng danh, sống vào thời Xuân Thu (771 TCN-476 TCN).
Theo Baidu, vào năm ông ra đời, chiến tranh và xung đột diễn ra liên miên. Đây là thời kỳ nổi tiếng với những cuộc xung đột, chinh phạt quân sự nhằm tranh giành quyền lực, do đó, vũ khí thời kỳ này có xu hướng được kiện toàn với độ bền và độ sát thương rất cao.
Khi còn là một cậu bé, Âu Dã Tử đã sớm làm quen với nghề luyện kim từ chú của mình và bắt đầu tự rèn kiếm đồng, cuốc sắt, rìu sắt và các công cụ sản xuất khác. Trời phú cho ông trí tuệ phi thường, nhờ đó ông sớm phát hiện ra sự khác biệt về tính chất của đồng và sắt.
Trong cuộc đời rèn kiếm của Âu Dã Tử, nổi bật lên 2 câu chuyện khi ông rèn 2 thanh kiếm là Long Tuyền Kiếm và Trạm Lư Kiếm. Nếu Long Tuyền Kiếm đưa ông trở thành người khởi xướng nghề rèn kiếm ở Trung Quốc và cũng là người tạo ra vũ khí lạnh đầu tiên ở nước này thì Trạm Lư Kiếm lại khiến cả gia đình ông lên núi "ở ẩn" suốt 3 năm mới rèn xong.
Bí quyết nào đưa tên tuổi của ông lừng danh khắp cõi? Hãy cùng theo dõi câu chuyện về 2 thanh kiếm này.
1. Long Tuyền Kiếm
Long Tuyền Kiếm hay còn gọi là Long Nguyên Kiếm, có nguồn gốc từ thời Xuân Thu Chiến Quốc, cách đây hơn 2.600 năm, là thanh kiếm nổi tiếng ở Trung Quốc cổ đại và là thanh kiếm của sự chính trực và thuần khiết. Truyền thuyết kể rằng nó được rèn bởi Âu Dã Tử và Can Tương.
Theo Baidu, thanh kiếm này ban đầu có tên "Thất Tinh Long Nguyên Kiếm". Và cái tên này gắn với quá trình rèn kiếm của Âu Dã Tử và Can Tương.
Tương truyền, hai người đã "khoét núi" để dẫn dòng suối trong núi đến 7 hồ nước, cạnh lò rèn kiếm được bao quanh bởi 7 ngôi sao Bắc Đầu ở phía trên. Sau khi kiếm được hoàn thành, nhìn xuống thân kiếm giống như có một con rồng đang leo lên một ngọn núi cao và nhìn xuống vực thẳm, thanh tao và sâu thẳm.
Tuy nhiên, để tránh nhắc đến Lý Nguyên - hoàng đế nhà Đường, "Thất Tinh Long Nguyên Kiếm" được đổi tên thành Long Tuyền Kiếm.
Trong hàng ngàn năm sau, kỹ năng rèn kiếm Âu Dã Tử không ngừng được truyền lại. Ở thành phố Long Tuyền (thuộc tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc), khắp nơi đều có thể nhìn thấy hậu duệ của Âu Dạ Tử. Để tưởng nhớ ông, con cháu đã khắc bảy ngôi sao (Thất Tinh) lên những thanh kiếm mà họ rèn.
Năm 2006, "Kỹ thuật rèn kiếm Long Tuyền" đã được Hội đồng Nhà nước Trung Quốc phê duyệt đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, Baidu thông tin.
Theo Mạng lưới Di sản Văn hóa Phi vật thể Trung Quốc, Long Tuyền Kiếm có 4 đặc điểm vô song: “Lưỡi sắc bén, ánh lên nét sắc lạnh, độ cứng tinh tế, và trang trí tinh xảo”.
Về kỹ thuật rèn, Long Tuyền Kiếm được ca ngợi là có nguyên liệu với tỷ lệ chuẩn xác (ba cân sắt thô và nửa cân thép), nhiệt độ rèn được kiểm soát hợp lý, phương pháp làm nguội cũng độc đáo, mài giũa cũng rất đặc biệt.
2. Trạm Lư Kiếm
Cuốn "Việt tuyệt thư" do nhà văn thời Hán Viên Khang biên soạn có đoạn, Việt vương Doãn Thường đã lệnh cho Âu Dã Tử rèn 5 thanh bảo kiếm là Trạm Lư, Cự Khuyết, Thắng Tà, Ngư Trường và Thuần Quân. Trong đó Trạm Lư là một trong những bảo kiếm trứ danh của Âu Dã Tử, được mệnh danh là "Tuyệt thế bảo kiếm". Nó được rèn đầu tiên trong 5 thanh kiếm báu của kiệt nhân này.
Vào năm 496 TCN, sau khi nhận lệnh của vua Doãn Thường, Âu Dã Tử đưa cả nhà đi khắp chốn núi sông nổi tiếng ở Phúc Kiến và Chiết Giang để tìm kiếm nơi thích hợp để rèn kiếm.
Khi tìm thấy ngọn núi có độ cao 1.230 mét vô cùng yên tĩnh, cây cối tốt tươi, giàu khoáng chất và suối trong vắt, rất thích hợp cho việc rèn kiếm, Âu Dã Tử quyết định dựng nhà ở, xây lò nung và bắt đầu công việc tạo nên thanh kiếm báu lừng danh.
Sau ba năm làm việc chăm chỉ, thanh kiếm của Trạm Lư cuối cùng đã được rèn với độ sắc bén vô song. Trạm Lư của Âu Dã Tử là một thanh kiếm có một không hai trên đời. Lưỡi kiếm vô cùng sắc bén, được mô tả là có thể cắt sắt như cắt đất sét. Vua Việt rất hài lòng.
Người ta nói đây là thanh kiếm của bá vương, nghĩa là ai thắng được Trạm Lư thì có thể thống trị thế giới.
Về sau khi Âu Dạ Tử qua đời, người ta dù có tốn bao nhiêu tiền cũng không thể tìm được thanh kiếm sắc bén như vậy nữa.
Tham khảo: Sohu, Baidu