Carlos Slim Helú là người tỷ phú giàu có và có sức ảnh hưởng lớn nhất nhất tại Mexico và khu vực Mỹ Latin. Tầm ảnh hưởng của tỷ phú này lớn đến nỗi tại Mexico, mọi thứ, theo một cách nào đó, đều liên quan tới ông. Từ việc mua ôtô, mua nhà, hay điện thoại di động, thậm chí chỉ là một tách cà phê thôi thì cũng đồng nghĩa với việc bạn đang góp phần vào sự phát triển của đế chế Slim hùng mạnh.
Người dân xứ sở này thường hay nói đùa rằng: "Liệu chúng ta có thể sống một ngày mà không có Slim?". Và câu trả lời, có lẽ là: "Không!". Carlos Slim Helú đã xây dựng nên tập đoàn có giá trị lên tới 64 tỷ USD, từ bưu chính, bất động sản, tài chính ngân hàng, kinh doanh nước giải khát... Không những thế, tỷ phú này còn nhiều lần soán ngôi của "ông vua phần mềm" Bill Gates và trở thành người giàu có nhất thế giới trong giai đoạn 2010 - 2013. Năm 2011 tổng tài sản của ông đạt mức kỷ lục 74 tỷ USD. Có thời điểm ông kiếm được 23 tỷ USD chỉ trong vòng 14 tháng.
Điều đặc biệt, Carlos Slim Helú không chỉ được giới trẻ mà cả các tầng lớp người dân khác ở Mexico nhìn nhận là thần tượng của họ. Vậy rốt cuộc, người đàn ông này có gì đặc biệt mà được mọi người yêu quý và kính trọng đến như vậy?
Là thần đồng có "máu kinh doanh" từ khi còn nhỏ
Carlos Slim Helú sinh ngày 28 tháng 1 năm 1940, trong một gia đình có gốc từ châu Á. Cuối thế kỷ thứ 19, cha ông, một người Libăng đã di cư đến đất Mexico làm ăn và sinh sống. Như phần lớn người dân di cư khác, gia đình ông sinh sống bằng nghề buôn bán nhỏ. Cũng bởi vậy, ngay từ bé ông đã tỏ ra rất chú ý tới kinh doanh.
Mới đến tuổi đi học, Carlos Slim Helú đã thích mặc cả, đổi chác và mua bán để kiếm tiền. Ở tuổi lên 5, ông đã bán lại cho các anh trai những món đồ để dành chưa ăn, chưa dùng đến. Không những thế, ông còn mua bán lại đồ chơi, đồ dùng với nhiều người bạn cùng tuổi và trên tuổi mình để kiếm lời, từ đó có được những món tiền riêng nho nhỏ.
Năm 12 tuổi, Carlos đã tự mở một tài khoản trong nhà băng và mua trái phiếu. Năm 13 tuổi, ông đã sở hữu những cổ phiếu đầu tiên. Điều này khiến bố ông rất tự hào và hào hứng dạy ông cách ứng xử với đồng tiền. Cũng từ ngày ấy, ông đã ghi sổ sách từng ngày kiếm được bao nhiêu và tiêu bao nhiêu.
Năm 15 tuổi, Carlos đã tự kiếm được 5.523 peso và dám bỏ ra một khoản để mua được 44 cổ phiếu của ngân hàng Banamex - ngân hàng lớn nhất của Mexico lúc đó. Ba năm sau, cậu nhóc Carlos khi đó đã trở thành một cổ đông của ngân hàng, và đến năm 17 tuổi đã có thể kiếm được 200 peso/tuần nhờ làm việc cho công ty do cha để lại. Ông vẫn tiếp tục đầu tư trong suốt thời cấp 3 và đã tham dự cuộc họp hội đồng quản trị lần đầu tiên của mình tại một công ty khai khoáng ngay khi còn là một thiếu niên.
Bố mẹ của ông cũng đã tích lũy được một số tài sản thông qua các hoạt động bán lẻ và buôn bán bất động sản. Đây chính là nhưng viên gạch đầu tiên để chàng trai Carlos Slim Helú xây dựng đế chế sau này.
Ông trùm mát tay, đầu tư chỗ nào sinh lời chỗ đó
Tốt nghiệp đại học với tấm bằng kỹ sư dân dụng, tuy nhiên, với năng khiếu bẩm sinh cùng lợi thế lớn lên trong một gia đình kinh doanh, Carlos tiếp tục đi theo nghiệp kinh doanh buôn bán. Khi mới 25 tuổi, ông đã có thương hiệu riêng. Một trong những công ty đầu tiên của Carlos là Grupo Carso - nắm đa số cổ phần của các khu mua sắm, nhà hàng, bất động sản, công nghiệp hóa chất, thuốc lá, ngành viễn thông, Internet... gần như tất cả mọi thứ!
Thế nhưng, Carlos có một giấc mơ lớn hơn thế. Ông quyết định lao vào buôn bán cổ phiếu, trước khi bắt đầu mua bán các doanh nghiệp. Sự nhạy bén và quả cảm đã đem về cho ông một phi vụ kinh doanh béo bở hiếm thấy, nổi bật là thương vụ mua lại Công ty điện thoại và viễn thông quốc doanh Telmex trong năm 1992, khi chính phủ Mexico tiến hành tư nhân hóa hàng loạt các công ty do nhà nước điều hành. Thương vụ này có ý nghĩa quyết định đến đế chế sau này của Carlos Slim Helú.
Theo đó, Carlos Slim đã mua Telmex với giá 1,8 tỷ USD và biến cái công ty làm ăn thua lỗ này thành một “con gà đẻ trứng vàng”. Chính nhờ Telmex mà ông mới trở thành một trong những tỷ phú giàu nhất thế giới. Không những thế, Carlos Slim Helu còn mua đứt tập đoàn điện thoại di động Bell South tại Sao Paolo (Brazil) với giá chỉ có 625 triệu USD và đang nắm cổ phần chi phối tập đoàn viễn thông lớn nhất Brazil là Embratel Participa.
Đế chế của Carlos Slim Helú ngày càng trở nên hùng mạnh một phần do ông có biệt tài định giá các doanh nghiệp. Doanh nhân này thường nhắm vào các doanh nghiệp có tương lai nhưng sắp bị phá sản và mua lại các doanh nghiệp đó, bỏ tiền tu bổ và khiến cho chúng phát triển vượt bậc thành những công ty hùng mạnh. Đó là chưa kể ông còn dùng vị thế độc quyền của mình để đánh bại nhiều đối thủ cạnh tranh, trong và ngoài nước.
Với sự nhạy bén trong kinh doanh, tỷ phú này đầu tư vào đâu là ở đó lợi nhuận sinh sôi, kinh doanh cái gì cũng thắng lớn. Bởi vậy, cứ mỗi khi nhắc đến cái tên Carlos Slim Helú, người ta sẽ lập tức liên tưởng đến hình ảnh của vua Midas - người mà khi sờ vào bất cứ thứ gì thì thứ ấy đều hoá thành vàng trong thần thoại Hy Lạp. Họ kháo nhau rằng: "Carlos Slim Helu động vào cái gì thì cái đó thành vàng ròng."
Năm 2010, Carlos Slim từng khiến cả thế giới ngỡ ngàng khi bất ngờ vượt mặt Bill Gates - người đã giữ vị trí giàu nhất thế giới trong vòng 14 năm liên tiếp. Ông cũng là người đã gây dựng được một khối tài sản 69 tỷ USD trong vòng 5 thập kỷ.
Ở hiện tại, dù đã qua thời kì hoàng kim nhưng mức độ ảnh hưởng của tỷ phú này vẫn không hề thuyên giảm. Tờ Telegraph nhận định: "Mức độ phủ sóng của Slim lớn tới mức một người Mexico thức dậy trên tấm ga trải giường mua từ cửa hàng của ông, ăn sáng với bánh mỳ mua từ tiệm bánh của ông và ngay cả chiếc xe cũng được công ty của Slim bảo hiểm". Bởi vậy, không khó hiểu khi Mexico còn được gọi là "Slimlandia" (lãnh địa Slim).
Sống giản dị và có nhiều đóng góp cho xã hội
Tuy rất giàu có nhưng tỷ phú Carlos Slim Helú không hề hãnh tiến và khoe khoang sự giàu có của mình. Ông có lối sống khá giản dị và không bao giờ vung tay quá trán cho bất kỳ thứ gì.
Ông vẫn khoác trên mình bộ complet rẻ tiền và những thứ xa xỉ nhất mà ông có là bộ sưu tập các bức tượng đáng giá nhất của nhà điêu khắc Auguste Rodin. Có lần ở Venice, ông mặc cả hàng giờ đồng hồ chỉ để được giảm giá 10% cho chiếc cà vạt.
Phòng làm việc của ông được bố trí không khác gì của một nhân viên bình thường nhất. Tỷ phú này cũng không mua du thuyền, không máy bay riêng mà hằng ngày vẫn tự lái chiếc xe Mercedes Benz cũ tới văn phòng mặc dù luôn có một đoàn xe vệ sĩ theo sau.
Đặc biệt, giàu có là thế nhưng ngôi nhà ông ở cũng rất bình thường, không hề hào nhoáng như những biệt thự đắt đỏ của các tỷ phú Mỹ. Nếu chỉ nhìn bên ngoài sẽ khó có thể nghĩ rằng ông ấy là một tỷ phú. Mùa hè năm 2011, Carlos Slim Helú đã mua một ngôi nhà thuộc diện đắt thứ tư ở New York với giá 44 triệu USD. Ngôi nhà 7 tầng, có vị trí mặt tiền hết sức đắc địa, nằm giao nhau giữa đại lộ 5 với đường số 82 ở Manhattan, New York. Tuy nhiên, theo người phát ngôn của ông thì nhà tỷ phú muốn đầu tư hơn là để ở.
Không chỉ có lối sống giản dị, Carlos Slim Helú còn có những đóng góp rất lớn cho Nhà nước và xã hội Mexico. Đó không chỉ là số tiền thuế rất lớn nộp ngân sách cũng như hàng chục nghìn việc làm tại một đất nước có tỉ lệ thất nghiệp khá cao này. Carlos Slim Helú còn thành lập ra khá nhiều các quĩ tài trợ và quĩ từ thiện để phục vụ xã hội.
Trong năm 2003, hai quỹ học bổng của ông đã cấp 20.000 suất cho sinh viên. Quỹ hỗ trợ trẻ em mang tên ông đã giúp trên 5.000 trẻ em phạm pháp có cơ hội trở lại cuộc sống của những đứa trẻ bình thường. Hơn 11.000 ca mổ trẻ em đã nhận được sự hỗ trợ kinh phí từ quỹ từ thiện của Carlos Slim Helu. Ông đã chi tới 50 triệu USD để tu sửa lại 34 toà nhà cổ tại trung tâm tài chính xưa kia của thành phố, nơi được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới.
Năm 2007, ông xây dựng Viện Y tế Carlos Slim (ICSS) và bí mật tặng 50 triệu USD cho Quỹ Động vật Hoang dã Thế giới để khôi phục sáu loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng ở Mexico, bao gồm bướm hoàng gia.
Trước những đóng góp, việc làm thiện nguyện của Carlos Slim Helú, giới chức trách và người dân Mexico luôn rất biết ơn và trân trọng cái tài và cái đức của tỷ phú này.
(Tổng hợp)