Huyền thoại Biệt Động Sài Gòn: "Chị Năm khai đi chị Năm. Nó giết chị mất"

Huy Hậu ghi |

"Chân vừa chạm đất, tôi liền quệt chân phải bén lửa vào chân trái. Giờ thì đích thị cả 2 chân tôi đều cháy, cháy như đuốc. Đám lính đứng gần hoảng loạn, dáo dát chạy" - nữ biệt động Nguyễn Thị Mai nhớ lại giây phút bị tra tấn dã man năm 1971.

Ba trắc đập đầu, điện kép núm vú, lươn chui cửa mình, mẻ chai rạch thịt, xăng tẩm đốt sống người… những ngón nghề của bọn đồ tể tưởng chừng đã hạ gục “con thoi sắt” Nguyễn Thị Mai. Thế nhưng, vượt qua cuộc tra tấn tàn bạo trở về, chị vẫn cầm súng chiến đấu. Và cuối cùng, một cái kết đẹp đã đến với nữ Biệt Động Sài Gòn anh hùng. Đất nước và tình yêu!

***

Huyền thoại Biệt Động Sài Gòn: Chị Năm khai đi chị Năm. Nó giết chị mất - Ảnh 2.

Quá nửa đêm, chúng ném tôi về xà-lim, vết thương vùng kín khiến tôi đau đớn. Mấy chị cùng buồng giam thấy vậy liền đả đảo, đòi đưa tôi vào trạm xá. Đến nơi thì bác sĩ đã lắc đầu.

Ông tiêm thuốc cho tôi 3 cữ/ngày, tiêm xong thì ngồi tỉ mẩn rút mẻ chai ra khỏi người. Đến ngày thứ 7, nửa đêm, tôi chờ tên lính gác ngủ say liền dùng tay tuốt chiếc còng sắt. Chiếc còng tuốt ra bao nhiêu thì da chân tôi cũng theo vậy lột ra bấy nhiêu, máu đỏ cả ra giường.

Tuốt hơn 15 phút thì chiếc còng sắt cũng bị phá, tôi liền mặc áo lẻn ra khỏi trạm xá. Cứ thế, tôi chạy về nhà chú Mười Đạo. Có xe ngựa thì tôi quá giang xe ngựa, có xích lô thì tôi quá giang xích lô, không có, tôi lại chạy bộ.

Huyền thoại Biệt Động Sài Gòn: Chị Năm khai đi chị Năm. Nó giết chị mất - Ảnh 3.

Cô Mai luôn nhớ về ký ức hào hùng của ngày giải phóng miền Nam

Đến nhà chú Mười Đạo, tôi xin vợ chú ít tiền rồi thóc, đón xe về Củ Chi. Vừa tới căn cứ, anh em nhìn thấy chiếc quần ướt đẫm máu của tôi đã khóc thét. Họ đặt tôi lên võng, vác về chiến khu. Tôi nằm trên võng, chập chờn thiếp đi.

Ngày hôm sau, tỉnh dậy thì tôi đã ở trạm xá. Đồng đội vào thăm, ai cũng khóc. Đợt đó, bác sĩ thông báo tôi mất hoàn toàn khả năng làm mẹ, tôi chỉ cười. Đơn vị toan chuyển tôi ra Bắc điều trị nhưng tình hình chiến tranh nguy cấp nên tôi từ chối.

Ở trạm xá hơn 3 tháng, năm 1967, Trung ương ra chỉ thị chặn đứng âm mưu tấn công miền Trung của giặc, tôi cùng anh Năm Minh, anh Lê Vinh, đội 90C lại trực tiếp đứng ra nhận nhiệm vụ. Chúng tôi thuê một căn nhà gần khu xe lửa Hoà Hưng. Sáng, tôi đi xe lên Củ Chi mua củi rồi nhét kíp nổ vào trong, vận chuyển về thành phố.

Anh Năm Minh thì xin chân cắt cỏ trong căn cứ địch. Cứ mỗi ca làm, anh lại đào một cái lỗ nhỏ dưới chân hàng rào để ban đêm tôi đặt kíp nổ. Anh Năm Minh, Lê Vinh lần lượt vận chuyển kíp nổ vào trong căn cứ, lẻn cài khắp các đầu máy, kho thóc.

Qua 28 ngày thì tất cả đã sẵn sàng. Anh Năm Minh ra tín hiệu cho cả đội rút quân. Hơn 1 tiếng sau thì 200 kíp đồng loạt nổ, rền vang cả trời Sài Gòn. Tôi, anh Năm Minh, Lê Vinh và toàn đội 90C vui mừng. Đợt đó, chúng tôi đốt sạch 17 đầu máy tàu hoả, 2 kho thóc, chặn đứng hoàn toàn âm mưu đánh vào miền Trung của kẻ thù.

Huyền thoại Biệt Động Sài Gòn: Chị Năm khai đi chị Năm. Nó giết chị mất - Ảnh 5.
Huyền thoại Biệt Động Sài Gòn: Chị Năm khai đi chị Năm. Nó giết chị mất - Ảnh 6.

Ảnh: NVCC.

Huyền thoại Biệt Động Sài Gòn: Chị Năm khai đi chị Năm. Nó giết chị mất - Ảnh 7.

Tháng 6/1968, chúng tôi tiếp tục tiến công phá Ra-đa Phú Lâm. Đợt đó, tiểu đoàn 8 Sư 9 chúng tôi vừa đặt chân tới Tân Tạo thì lọt hẳn vào vòng vây kẻ thù. Tân Tạo bốn bề là đồng, không một giồng đất tránh đạn, xe thiết thép và trực thăng địch bay ù ù trên đỉnh đầu. Anh em bộ đội ai cũng nhìn nhau, nghĩ mình chuyến này khó sống.

Chúng tôi thi nhau đào hầm công sự, lũy tác chiến tại chỗ. Mỗi đợt, chúng tôi chia tiểu đội thành từng tốp nhỏ 12 người, thay phiên nhau tiến công mở đường. Cứ từng tốp 12 người chạy lên xung phong, 12 người chẳng còn ai quay lại. Chúng tôi gần như chết cả.

Huyền thoại Biệt Động Sài Gòn: Chị Năm khai đi chị Năm. Nó giết chị mất - Ảnh 8.

Kẻ thù bắn súng xuống Tân Tạo như rải trấu, đạn bay chằng chịt trên trời, dưới đất, trước mặt, đủ cả. Cái chết dần thành điều tất yếu. Chẳng ai còn đủ nước mắt để khóc thương cho đồng đội mình nữa.

Đầu giờ chiều, địch lại lia đạn như mưa xuống luỹ. Chúng tôi nằm bẹp nấp trong hầm. Một chiến sĩ trong tốp tiến công ào chạy về, đến cửa hầm tôi thì ngã quỵ. Cậu trai trẻ, chưa ngoài 20, khuôn mặt đẫm máu, tái xanh trong sợ hãi. 

Cậu nhìn tôi, khóc: "Chắc đợt này em chết", bên dưới, bụng cậu đã đầy máu. Tôi vội xé miếng khăn bó quanh, không còn biết phải nói gì để an ủi cậu. Suốt buổi chiều, tôi vừa bắn súng, vừa bảo vệ cậu. Đến cuối buổi thì cậu mất.

Qua hết chiều thì địch giáp lá cà. Chúng tôi quyết định còn bao nhiêu người, bao nhiêu kíp nổ thì đặt quanh miệng hầm để 2 bên chết hết. Xe kẻ thù tiến vào, một chiến sĩ đứng lên chọi kíp nổ rồi bị bắn hạ. Chiếc xe khác tiến vào, chiến sĩ khác lại đứng lên chọi kíp nổ rồi bị bắn hạ. 

Chống chọi thêm vài giờ thì địch rút. Tôi rũ rượi bò ra khỏi miệng hầm, gào thét: "Còn ai sống không? Còn ai không?", chỉ còn vài cánh tay lác đác giơ lên trên xác người: "Tôi", "Em",… chưa tới 10 người. Mưa đổ như trút.

Huyền thoại Biệt Động Sài Gòn: Chị Năm khai đi chị Năm. Nó giết chị mất - Ảnh 9.

Chúng tôi bước qua xác đồng đội, moi bùn đắp thành mồ. Cả buổi chiều, mưa trên cao không dứt. Chúng tôi, những người may mắn sống sót, ngồi bên những nấm mồ vài phút rồi lại cầm súng, tiến thẳng về Sài Gòn.

Huyền thoại Biệt Động Sài Gòn: Chị Năm khai đi chị Năm. Nó giết chị mất - Ảnh 10.

Ảnh: NVCC.

Huyền thoại Biệt Động Sài Gòn: Chị Năm khai đi chị Năm. Nó giết chị mất - Ảnh 11.

Đến năm 1969, trận địa càng thêm ác liệt. Thời bấy giờ, kẻ thù lê "máy chém" đi tàn sát biệt động khắp Sài Gòn. Chúng tôi buộc phải lui về biên giới Campuchia ẩn nấp.

Tôi nhận nhiệm vụ dẫn đoàn quân hơn 12 anh tân binh mới toanh. Chúng tôi ngày đêm chia nhau vác nhu yếu phẩm, súng đạn… để vượt rừng. Trong đoàn, có anh trai tên Mười Kiều, lớn tuổi nhất, được tôi giao nhiệm vụ khuân canh mỡ lợn để nấu ăn suốt dọc đường. Lúc tới bìa rừng biên giới, Kiều chẳng may trượt chân, đổ cả canh mỡ lợn lên lưng.

Sợ tôi rầy la, cậu đã rào trước: "Chị Mai ơi chị Mai, chị đừng có phê bình tui nha chị". Tôi vừa nhìn bộ đồ đầy mỡ, liền ôm bụng cười. Thế mà từ đó, Kiều thương tôi tự lúc nào không hay.

Huyền thoại Biệt Động Sài Gòn: Chị Năm khai đi chị Năm. Nó giết chị mất - Ảnh 12.

Tới biên giới, chúng tôi chia nhau đóng lều sinh hoạt. Một hôm, Kiều nằng nặc rủ tôi đi chơi: "Chị Mai ơi chị Mai, đi chợ chơi với tui".

"Mày điên à, xa lắc xa lơ chơi gì ở đó", tôi từ chối.

"Tui mượn xe đạp, tui chở chị đi, chị lo gì" - Kiều nài nỉ. Nghe xong, tui cũng ậm ừ đồng ý. Trên đường đi, tôi với Kiều nói chuyện lặt vặt ở quê, chuyện trời trăng mây gió trong chiến trường.

"Tui muốn có vợ, chị!" - Kiều thẹn thùng.

"Mệt quá! Mới lên, chết chóc tới nơi, chiến tranh chưa xong mà lấy vợ?", tui chửi. Càng chửi bao nhiêu, Kiều lại càng tủm tỉm cười bấy nhiêu.

"Không. Tui định vậy. Mà lấy vợ thì tui sẽ lấy con gái miền Trung". "Vậy để tao về giới thiệu cho con Lan!" - tôi cười mỉm.

"Không! Tui hổng thích con Lan"

"Tui thích chị. Mai mốt Mai làm vợ tui nghen…". Nghe tới đây, tôi bất ngờ im lặng.

Thế mà vài hôm sau, Kiều lên xin ban Cán bộ hỏi cưới tôi thật. Bữa đó, nghe xong, ai cũng cười: "Mày có biết con Mai hông? Nó hổng còn khả năng sinh sản đâu…". Vậy mà Kiều vẫn nằng nặc đòi cưới tôi. Mấy anh chị trong ban Cán bộ buộc Kiều ký đơn cam kết nhất nhất sống đời với tôi, anh đồng ý liền.

Huyền thoại Biệt Động Sài Gòn: Chị Năm khai đi chị Năm. Nó giết chị mất - Ảnh 13.

Tờ giấy kết hôn vẫn được bà giữ nguyên vẹn. NVCC.

Đấy, chuyện tình của chúng tôi chỉ bấy nhiêu thôi. Sang năm 1971, chúng tôi lại nhận lệnh chiến đấu. Kiều lên đường đóng quân ở Tây Ninh, còn tôi thì Vàm Cỏ Đông. Ngày đưa chàng đi, thấy quai dép lốp của chàng bị sút, tôi còn nói: "Đường xa, lấy dép tui đi. Đưa đôi dép ràng dây chuối tui mang, mai mốt ra chợ tui mua đôi khác…", rồi 2 đứa chia tay. Tôi chẳng ngờ chuyến đó, chúng tôi cách biệt.

Thời gian sau, tôi bị bắt. Thằng Chùng bị tra khảo, nó chịu không nổi nên khai tôi ra. Biết tính tôi lì nên lần này bọn đồ tể ra tay tàn bạo hơn nhiều lần. Mỗi ngày, chúng túm đầu tôi ngửa lên rồi đổ cả ấm xà phòng 5 lít vô bụng. Chờ cái bụng trương phình lên thì bọn nó liền nhảy lên nhún nhảy. Quả bụng tôi giờ như quả bóng nước, vỡ tan. Tôi ngất ngư, giãy chết.

Thời gian tra khảo càng rút ngắn, chúng càng tàn nhẫn. Một trưa, chúng lùa tôi ra cột cờ. Bọn đồ tể quấn bao nilon bó cẳng chân tôi lại như cục chả giò, từ từ đổ xăng vào giữa, rồi trói tôi vào dây kéo lên cột cờ. Tôi lơ lững, máu túa ra từ những vết thương. Bên dưới, địch vây vòng, đông như xem xiếc.

Huyền thoại Biệt Động Sài Gòn: Chị Năm khai đi chị Năm. Nó giết chị mất - Ảnh 14.

"Chúng quấn nilon bó cẳng chân tôi lại như cục chả giò, từ từ đổ xăng vào giữa, rồi trói tôi vào dây, kéo lên cột cờ" - bà Mai nhớ lại.

"Mày khai không?", "Lần này để tao xem mày chịu được bao lâu?" - tên đại uý gườm. "Chị Năm khai đi chị Năm. Nó giết chị mất." - thằng Chùng chêm vào.

"Thằng chó, mày im đi… Tao không phải chị mày, thằng chó"  - tôi nói chưa hết câu thì bọn đồ tể đã cầm đuốc, châm lửa vào chân phải, phừng phừng cháy. Lớp nilon nổ tanh tách, từ từ nhỏ giọt kéo theo da dẻ tôi chảy xệ xuống đất.

"Mày khai không?" - bọn địch vẫn tiếp tục gầm thét. Dưới đất, chúng đã chuẩn bị thêm 2 can xăng to hơn thân mình tôi. "Bả lì lắm, nó không khai đâu" - thằng Chùng nói vào. Nilon cháy, bén lên cẳng chân, đốt sạch sành sạch cơ thể tôi, khét lẹt.

Tôi đau đớn, nghĩ trước sau gì cũng chết. Mà chết một mình cũng chết, chết nhiều người cũng chết, thế thì tôi sẽ ôm 2 can xăng, thiêu rụi bọn chúng để cùng chết. Tôi mỉm cười. "Thôi, mở chân tôi đi rồi tôi khai", tôi nói nhẹ, mở đôi mắt đầy lửa ra nhìn.

Lũ đồ tế khoái chí, vội cắt sợi thừng thả tôi ra. Chân vừa chạm đất, tôi liền quệt chân phải bén lửa vào chân trái. Giờ thì đích thị cả hai chân tôi đều cháy, cháy như đuốc. Rực rỡ. Đám lính đứng gần hoảng loảng, dáo dát chạy như vừa mới cởi trói cho một con sư tử. "Bả điên thật rồi… Bả điên thật rồi".

Chúng vơ lấy 2 can xăng, rưới vào tôi. Tôi vẫn mở mắt trừng trừng, đứng im, nghĩ ngọn lửa phực to hơn để tất cả chết chung. Nhưng hoá ra 2 can xăng chỉ là đống nước lã chúng đem ra để hù doạ tôi. Lửa dập. Tôi chỉ còn thở đừ đừ.

Huyền thoại Biệt Động Sài Gòn: Chị Năm khai đi chị Năm. Nó giết chị mất - Ảnh 15.

Giấy chứng nhận lần bị tù. NVCC.

Huyền thoại Biệt Động Sài Gòn: Chị Năm khai đi chị Năm. Nó giết chị mất - Ảnh 16.

Chống nạn trở về. Ảnh: NVCC.

Ở một thời gian, chúng đành đày tôi xuống nhà giam Thủ Đức. Hơn năm, án mù, tôi lại được thả ra. Hôm ra tù, hai chân tôi vẫn là hai que củi, tôi phải chống thêm cây, trèo rừng về đơn vị.

Đến nơi, mọi người vừa thấy đã ôm tôi khóc, khóc mấy ngày mấy đêm không dứt. Kiều đứng giữa, anh sờ từng vết sẹo, từng vết bỏng trên da, mếu máo.

"Tôi về rồi! Kiều còn muốn lấy tôi làm vợ nữa không?" - tôi cười.

Kiều vừa khóc vừa gật gật đầu: "Có! Có! Tôi sẽ lấy Mai làm vợ".

Huyền thoại Biệt Động Sài Gòn: Chị Năm khai đi chị Năm. Nó giết chị mất - Ảnh 17.

Qua đầu năm 1973, chúng tôi mua ít mắm muối, dưa cà, rượu nếp rồi ngồi quây quần thành vòng tròn trong căn cứ. Cán bộ trưởng đọc xong bản cam kết: "Năm Mai, Mười Kiều từ nay là vợ chồng", hai đứa đã ôm nhau nức nở.

Năm sau nữa, tôi sinh con. Thằng cu vừa tròn 6 tháng tuổi thì tôi gửi lại cho má, cùng Kiều xách súng, lên đường, tiếp tục đi đánh giặc.

Huyền thoại Biệt Động Sài Gòn: Chị Năm khai đi chị Năm. Nó giết chị mất - Ảnh 18.

Ông Mười Kiều đã trở thành món quà tình yêu vô giá với bà Năm Mai.

Thời bình, sau khi sinh con thứ 2, Nguyễn Thị Mai tiếp tục nhận công tác huấn luyện tân binh ở Bộ Chỉ huy Quân sự Thành phố. Riêng Mười Kiều thì vẫn còn trong quân ngũ.

Được một thời gian thì Mai lui về nuôi con. Nhiều lần Thành đội cấp nhà mặt tiền đường lớn nhưng Mai một mực từ chối. Cô nhận một ngôi nhà nhỏ trong khu vực chợ Bà Hoa, quận Tân Bình, TP.HCM để sinh sống. Thời kỳ xây dựng kinh tế, Mai bươn chải đủ nghề, từ nuôi heo, gánh nước, nấu bún bò, dệt vải,… rồi đến nay thì bán bánh rò, xôi ngọt đặc trưng của Quảng Nam.

Người đàn bà gần 80, cả cuộc đời dâng cho cách mạng, cuối đời đã an viên bên Mười Kiều, con cháu đều huề. Đôi tay cầm súng, giờ lại cầm dĩa xôi, cái bánh.

Nhưng cô luôn mỉm cười tâm niệm: "Đến tuổi già, còn đi đứng được, còn cười nói được, nghĩa là còn tất cả" - nữ biệt động Sài Gòn Nguyễn Thị Mai - người được mệnh danh là "con thoi sắt" thời chiến chia sẻ như vậy, khi chúng tôi trở lại thăm bà nhân kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-1944/22-12-2019).

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại