Huyện miền núi nghèo xây tượng đài hơn 48 tỷ đồng: Ý tưởng đã có từ nhiều nhiệm kỳ trước

PV |

Theo Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, hầu hết nguồn vốn xây dựng tượng đài do UBND tỉnh hỗ trợ, huyện chỉ đối ứng một ít từ nguồn xã hội hóa.

Ông Lê Văn Đẩu, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định thông tin trên báo Nông nghiệp Việt Nam, ý tưởng xây dựng tượng đài khởi nghĩa Vĩnh Thạnh đã có từ nhiều nhiệm kỳ trước và đến nhiệm kỳ thứ 17 này UBND tỉnh mới cho chủ trương xây dựng.

Theo Chủ tịch Đẩu, hầu hết nguồn vốn xây dựng tượng đài do UBND tỉnh hỗ trợ, huyện chỉ đối ứng một ít từ nguồn xã hội hóa, chứ không lấy vốn sự nghiệp hay vốn các chương trình mục tiêu quốc gia như nguồn của Chương trình 30a hoặc từ Chương trình 135 ra làm.

Vị này chia sẻ, việc xây dựng tượng đài khởi nghĩa nhằm lưu lại lịch sử đấu tranh oanh liệt của quân và dân Vĩnh Thạnh. Nhìn vào đó, các thế hệ trẻ có thể ở địa phương có thể ôn lại truyền thống đấu tranh anh dũng của cha ông.

Theo ghi nhận của PV Tiền phong, trước khi làm tượng đài, địa phương đã họp rất nhiều lần, mời các già làng, trưởng bản của đồng bào Ba Na ở Vĩnh Thạnh đến, lấy ý kiến về vấn đề phong tục tập quán.

Trong bản phác thảo tượng đài đầu tiên có một số chi tiết sai so với đồng bào Ba Na ở địa phương, nên Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Nguyễn Thanh Tùng đã ra đến Hà Nội kiểm tra phác thảo. Ông Tùng sau đó chỉ đạo huyện Vĩnh Thạnh mời các già làng trưởng bản về tham gia hội thảo bàn về nội dung của tượng đài.

"Tại hội thảo, nhiều mẫu váy, khố và động tác đứng bắn cung được các “người mẫu” sắm vai diễn tại chỗ, để các già làng trưởng bản xem và bàn bạc sửa đổi cho phù hợp. Sau khi tất cả các già làng trưởng bản thống nhất, hình ảnh ấy được chụp lại để gửi ra Hà Nội để điều chỉnh phác thảo", Tiền phong thuật lại.

Chia sẻ trên Dân trí, nghệ nhân Yang Danh (người đồng bào Ba Na), Chi hội trưởng Chi hội các dân tộc thiểu số, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bình Định nói, nhiều chi tiết điêu khắc của tượng đài không phải của người Ba Na.

Nghệ nhân này dẫn chứng, trong khởi nghĩa, người Ba Na cầm giáo, mác chứ không phải búa, rìu; Người Ba Na mặc váy hở chứ không phải váy kín như ở vùng đồng bằng; Hoa văn cũng không phải của người Ba Na; Dáng đứng bắn ná "nỏ" cũng không phải của người Ba Na mà là dáng đứng bắn súng.

Về ý kiến cho rằng làm tượng đài có kinh phí tới hơn 48 tỷ đồng là quá lớn với một huyện nghèo, nghệ nhân Yang Danh trả lời PV Dân trí: "Người Ba Na chúng tôi không phản đối nhưng chưa hài lòng với những họa tiết trên tượng đài. Còn nhà nước, tỉnh, huyện có kinh phí thì xây dựng lớn, bà con đồng bào không rõ…".

Theo Dân Việt, lãnh đạo Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng huyện Vĩnh Thạnh cho hay, ban đầu dự tính công trình tượng đài khởi nghĩa tiêu tốn 48 tỷ đồng, nhưng thực tế phê duyệt chính thức triển khai thi công là 40 tỷ đồng, trong đó phần tượng 30 tỷ đồng, phần hạ tầng 10 tỷ đồng.

Trước đó, theo báo Bình Định online, công trình tượng đài khởi nghĩa Vĩnh Thạnh được xây dựng trên diện tích khuôn viên hơn 3.000 m2. Tổng mức đầu tư xây dựng tượng đài là hơn 48 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ 70% và huyện Vĩnh Thạnh huy động từ các nguồn vốn xã hội hóa khác.

Phần tượng đài có chiều cao 20m, phần thân tượng đài cao 15,5 m, phần bục cao 4,5 m, sử dụng chất liệu đá nguyên khối. phần chính của tượng đài là hình ảnh điêu khắc phác họa tình quân dân hai làng Tơlok, Tơlek tự vũ trang đứng lên chống lại chế độ Mỹ - Diệm, tái hiện cuộc khởi nghĩa Vĩnh Thạnh cách đây hơn 60 năm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại