Vào tối hôm qua, ngày 23/8, Zhu Xueying, nữ vận động viên thể dục dụng cụ môn bạt lò xo (Tramponline), người giành được huy chương vàng tại Thế vận hội Olympic Tokyo 2020, đã đăng lên mạng xã hội Weibo hình ảnh về tấm huy chương vàng của mình. Nhưng cô không khoe, mà là than khóc.
Cụ thể, nữ vận động viên này đã gửi ba bức ảnh về tấm huy chương vàng của mình. Ở bức ảnh đầu tiên, ở góc trên bên trái của tấm huy chương vàng có có một vết đen. Bức ảnh thứ hai cho thấy cô đang chạm tay vào vị trí vết đen đó. Và bức ảnh ba cho thấy vết đen đã to ra gấp đôi.
"Huy chương vàng... cũng có thể bị bong da?", Zhu Xueying viết bình luận bên dưới loạt ảnh.
Ban đầu Zhu Xueying chỉ tưởng nó là vết bẩn nên lấy tay chà mạnh...
... ai dè lớp mạ bong ra càng to hơn.
Ở phía dưới, nữ vận động viên này cũng chia sẻ thêm trong phần bình luận. Cô nói: "Đây thực sự không phải là tôi cố tình. Lúc đầu tôi tưởng rằng nó là vết bẩn nên lấy tay xoa đi, nhưng không thấy gì thay đổi. Sau đó tôi dùng sức nhiều hơn... và sau đó...".
Ngay lập tức, bài viết này đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng mạng, với gần 15.000 bình luận. Nhiều người lên tiếng chê bai chất lượng sản xuất của tấm huy chương vàng, người khác lại cho rằng đây là vấn đề của ban tổ chức Thế vận hội.
"Dừng lại! Đừng bóc nữa. Bên trong đó có thể là socola đấy!"
"Đây có phải là minh chứng cho chất lượng và sự khéo léo nổi tiếng của người Nhật Bản?"
"Chất lượng kém hơn cả đồ giả tôi mua trên mạng."
"Lớp mạ vàng quá kém, hay đây là bí quyết làm đồ thủ công của người Nhật?"
"Đúng là đồ... Made in Japan!"
"Tôi cười chết mất. Mang ra tiệm vàng mạ lại đi."
Zhu Xueying (phải) trên bục nhận huy chương vàng ở Olympic Tokyo 2020.
Theo ban tổ chức Olympic, mỗi chiếc huy chương vàng của Thế vận hội Olympic Tokyo 2020 có trọng lượng khoảng 556 gam, chứa 550 gam bạc và 6 gam vàng. Nếu chỉ dựa theo giá nguyên vật liệu ở Trung Quốc thì một huy chương vàng này hiện có giá khoảng 5.000 nhân dân tệ, tương đương 771 USD.
Điều đáng nói là toàn bộ huy chương của Thế vận hội Olympic Tokyo 2020 đều được làm từ rác thải điện tử tái chế, bao gồm cả điện thoại di động đã qua sử dụng. Đây là cách làm lần đầu tiên được áp dụng trong lịch sử Olympic.
Tham khảo iFeng