Hữu Thắng - Khát vọng, hoài bão của “người đàn ông thép”

Quỳnh Trang |

Nổi tiếng là người cứng cỏi nhưng cái tình của Hữu Thắng với xứ Nghệ lúc nào cũng rất mềm. Mảnh đất cằn đã làm nên tên tuổi cho anh với trái bóng tròn, và trong tâm khảm, Thắng “Mạch” luôn ấp ủ giấc mơ hướng về quê hương.

Tình đồng đội và người anh lớn

Như bao cậu bé xứ Nghệ, tuổi thơ Hữu Thắng cũng chẳng có gì ngoài đôi chân trần, trái banh tự chế và những bữa đói ăn. Cái nghèo biến thành ý chí, nó hun đúc cho anh một giấc mơ đi đá bóng để đổi đời.

Bước chân vào SLNA ở thời điểm bóng đá Việt vẫn chưa lên chuyên nghiệp, đời sống xung quanh đầy cám dỗ và tệ nạn, không nhiều cầu thủ giữ được mình như Hữu Thắng. Đá bóng ở Sông Lam là một cái nghề mà nếu thành đạt thì vô cùng danh giá.

Anh sẽ có tiếng tăm, có quan hệ, và quan trọng nhất là có tiền. Dù ít hay nhiều, tiền cũng đủ khiến anh nở mày nở mặt và "sống gấp" để bù lại thời khốn khó.

Hữu Thắng có một người đồng đội, người bạn thân là Phan Thanh Tuấn. Nói về tài năng, Tuấn 10 phần thì Thắng chỉ 6, 7 phần. Nhưng cái làm nên số phận của họ không phải là vị trí tiền vệ hay hậu vệ mà là ý thức giữ mình.

Thanh Tuấn cũng lên tuyển như Hữu Thắng nhưng tiền vệ hào hoa họ Phan từng được rất nhiều đồng nghiệp xếp "chung mâm" với Hồng Sơn (Thể Công), Minh Hiếu (Công an Hà Nội)… ngập vào thú chơi trác táng còn hơn cả tình yêu bóng đá.

Khi Hữu Thắng với cái gáy vuông đậm chất Sông Lam trở thành một biểu tượng ở hàng hậu vệ tuyển Việt Nam thì Thanh Tuấn lủi thủi trở về, chôn vùi mái tóc bồng bềnh của mình trong những cuộc vui.

Ông Phan Thanh Tôn - bố của Tuấn - mỗi lần nhắc đến Hữu Thắng lại ngậm ngùi. Ông bảo cùng là bạn với nhau mà đứa thì ăn nên làm nổi, đứa lại bệ rạc, bê tha và đánh mất hết. Hữu Thắng thỉnh thoảng vẫn đến nhà thăm ông, thăm bạn, rất muốn giúp Tuấn làm một cái nghề gì đó nhưng bản thân Tuấn không tự đứng lên thì chẳng ai có thể cầm tay xốc dậy.

Với học trò hay lứa đàn em cũng vậy. Hữu Thắng hơn ai hết, hiểu cái đặc thù tính cách của cầu thủ Sông Lam. Khi nghèo khổ, họ cắn răng để vươn lên nhưng khi đã đạt đến một mốc thành công nào đó, họ rất dễ thoả mãn và tàn lụi.

Hồng Việt, năm 16 tuổi rưỡi từng là cái chân trái "dị" nhất lò xứ Nghệ và là niềm hy vọng lớn khi anh đủ tuổi SEA Games. Nhưng Việt trót sinh nhầm nhà, những thói hư tật xấu tiêm nhiễm vào anh mà không cần bước chân ra khỏi cổng. Sự nghiệp của Việt tưởng như khép lại vĩnh viễn vì dính án heroin. Khi ấy, Hữu Thắng đã giang tay cứu cậu học trò dại dột.

Không phải cứu một, mà là rất nhiều lần. Con nghiện cai rồi lại tái là chuyện bình thường, giống như Việt tưởng như chơi được bóng rồi lại bỏ. Nhưng rốt cuộc, sự kiên nhẫn của Hữu Thắng cũng đơm hoa, khi mái ấm gia đình nhỏ thôi thúc Hồng Việt tu thân.

Sợi dây bao dung và độ lượng ấy còn được Hữu Thắng chìa ra với nhiều đàn em, đàn cháu khác. Dĩ nhiên, không phải lúc nào anh cũng thở phào nhẹ nhõm. Như Trương Đắc Khánh, đã có thời lên tuyển U23 nhưng mất tích vì chấn thương và nợ nần.

Như Văn Quyến, từng được xây dựng thành tượng đài ở Sông Lam, rồi cũng phiêu bạt tứ phương và giải nghệ trong lặng lẽ. Nhưng kết cục có thế nào, cũng không ai có thể oán thán về cái tình của anh Thắng, chú Thắng, dù chỉ một lời…

Hữu Thắng - Khát vọng, hoài bão của “người đàn ông thép” - Ảnh 1.

Hữu Thắng trong thời kỳ dẫn dắt SLNA. Ảnh: H.A

Hẹn một ngày về

Nghệ An là mảnh đất màu mỡ của bóng đá nhưng điều kiện kinh tế khó khăn và cơ chế thì thua thiệt so với nhiều địa phương khác. Đào tạo trẻ chững lại, đội lớn SLNA cũng thiệt thòi. Hữu Thắng chia tay sân Vinh, một lần dứt áo dẫu không nuối tiếc (vì đã đưa đội nhà vô địch V.League 2011) nhưng vẫn rất ngậm ngùi.

Đấy là cái ngậm ngùi của người con xứ Nghệ không cam phận làm một thứ bóng đá giật gấu vá vai, quẩn quanh trụ hạng. Từng trên đỉnh vinh quang và dưới vực tủi hờn, Hữu Thắng hiểu bóng đá và quê hương đã cho mình những gì và mình cần đền đáp những gì.

Rời Sông Lam, ngay lập tức Hữu Thắng nhận được những lời đề nghị hấp dẫn từ nhiều đội bóng có tiềm lực khác. Bình Dương, Thanh Hoá sẵn sàng chi tiền tỉ, phá vỡ tất cả những kỷ lục "lót tay" cho một HLV nội để mời Hữu Thắng về. Nhưng anh khước từ tất cả. Lời khước từ rất đơn giản, ngắn gọn mà đanh thép: "SLNA là lựa chọn số một của tôi".

Đúng như mong muốn lập thân, Hữu Thắng không ngồi ghế CLB nào khác mà tiếp quản đội tuyển Việt Nam. Một thử thách và cũng là thời cơ tầm cỡ để anh thể hiện năng lực của mình và những tri thức tích luỹ được sau một quá trình dài học hỏi ở trời Âu.

Hữu Thắng nắm đội tuyển, cũng có nghĩa là cơ hội sẽ được trao cho các cầu thủ xứ Nghệ nhiều hơn. Tuyển Việt Nam dự AFF Cup 2016, khi chốt danh sách cuối cùng 23 người thì 13 người là đồng hương của Hữu Thắng.

Không thể tránh khỏi thị phi, điều tiếng với cán cân lực lượng rành rành như vậy. Nhưng Hữu Thắng, đúng như tính cách mạnh mẽ, quyết đoán bấy nay, tuyên bố: "Tất cả các cầu thủ được lựa chọn đều dựa trên tiêu chí phù hợp với lối chơi mà tôi xây dựng. Và tôi chịu trách nhiệm hoàn toàn về quyết định của mình".

Với Hữu Thắng cầm quân, công thức SLNA và phần còn lại không phải không có hạn chế. Thực tế, thất bại trước Malaysia ở trận lượt về bị quy trách nhiệm cho sự bảo thủ trong cách dùng người của Hữu Thắng, khi sai lầm cá nhân của Nguyên Mạnh, Đình Đồng khiến mọi kế hoạch bị phá sản.

Và có những vấn đề tồn tại khi ông thầy này chọn người theo hướng tin cẩn, thế nên không thể khai thác hết sức mạnh của cả tập thể.

Tuy nhiên, nhìn lại cả hành trình thì chí ít, nó cũng cho thấy những chuyển biến tích cực hơn so với thời của HLV Miura và 2 đời thầy nội trước đó. Tuyển Việt Nam chiến thắng đều hơn, lối đá có đường nét, bài bản hơn và đặc biệt tinh thần thi đấu thì luôn rực lửa. Cái lửa ấy là lửa Sông Lam, từ Hữu Thắng truyền qua cầu thủ một cách tuyệt đối, vô điều kiện.

Nếu không có những sai lầm như "ma làm", ĐT Việt Nam đã có thể có mặt ở chung kết AFF Cup 2016 và nhiều thứ đã khác. Có thể, "hơi thở Sông Lam" sẽ được tái sinh. Giá trị của một cái nôi bóng đá đang dần tụt hậu cũng sẽ được gây dựng lại.

Vì họ có một người con dũng cảm, dám xung phong ngồi lên... ghế điện trên đội tuyển đúng giai đoạn nước sôi lửa bỏng, đúng giai đoạn nhiều người bi quan mà nhận xét rằng bóng đá Việt Nam đã rơi xuống đáy. Đấy cũng là cách người con ấy tri ân nguồn cội của mình.

Ai rồi cũng có thời. Hữu Thắng chưa thành công với ĐTVN tại AFF Cup 2016 nhưng đó mới là giải đấu lớn đầu tiên. SEA Games 2017 này sẽ là một câu chuyện khác, ở đó chính HLV Hữu Thắng cũng như bóng đá Việt Nam sẽ chấp nhận "đánh bạc".

Thành hay bại phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Và khi hoàn thành sứ mệnh của mình, rồi cũng phải đến ngày Hữu Thắng sẽ để lại tay lái đội tuyển cho một ông thầy khác. Chỗ bất biến của Hữu Thắng là ở Sông Lam, nơi người ta đã mặc định dựng anh lên như một tượng đài, một niềm hy vọng, một nỗi khắc khoải ngóng trông về.

Hữu Thắng thôi dẫn dắt SLNA đã gần 2 năm nhưng đồ đạc trong căn phòng của anh tại đại bản doanh CLB vẫn còn nguyên vẹn. Chiếc bàn đầy kỷ niệm chương và danh hiệu, tấm ảnh người đàn ông cương nghị bế cậu con trai đeo vòng nguyệt quế. Và tủ lạnh vẫn có cam Vinh...


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại