"Hướng đi" của Nga được xác định theo vị trí địa lý

Thanh Bình |

Tờ Deutsche Wirtschafts Nachrichten (DWN) của Đức mới đây đã đưa ra nhận định về chính sách của Nga dựa theo vị trí địa lý.

Cụ thể, theo DWN, để hiểu được lợi ích an ninh của Nga là gì, chúng ta cần nhìn vào bản đồ. Kết quả rõ ràng là việc tiếp cận Biển Đen, cũng như trật tự ở Cận Đông và Trung Đông rất quan trọng đối với một "cường quốc đất liền" như Nga. Đồng thời, vị trí địa lý của đất nước giải thích sự phụ thuộc vào xuất khẩu dầu khí.

"Năm 1812, chỉ huy người Pháp Napoleon Bonaparte đã cố gắng chinh phục nước Nga, và trong những năm 40 của thế kỷ 20, Adolf Hitler cũng làm vậy. Các cuộc tấn công bắt nguồn từ đồng bằng Trung Âu, nơi được coi là "gót chân Achilles" của đế chế Nga, bởi vì không có dãy núi bảo vệ như ở vùng Kavkaz. Nhưng cả hai cuộc xâm lược đều thất bại trong những vùng đất rộng lớn của Nga", Deutsche Wirtschafts Nachrichten viết.

Theo Deutsche Wirtschafts Nachrichten, "những vết thương" mà người Nga phải chịu trong Thế chiến thứ hai đã giúp hiểu được lợi ích an ninh của họ. Các quốc gia vệ tinh của Liên Xô ở Đông Âu không chỉ là những người anh em trong liên minh, mà còn là một "tấm khiên" trong trường hợp bị tấn công từ phương Tây. Moscow từ bỏ quyền kiểm soát các quốc gia trong Hiệp ước Warsaw chỉ sau khi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đảm bảo sẽ không mở rộng về phía Đông.

Tuy nhiên, Hoa Kỳ muốn trở thành siêu cường duy nhất trên thế giới, vì vậy họ đã thất hứa. Và nếu liên minh của Mỹ chấp nhận Ukraine vào hàng ngũ, đồng thời chiếm cảng ở Sevastopol, điều này sẽ hạn chế nghiêm trọng khả năng địa chính trị của Nga.

Trong khi đó, ấn phẩm nhận định, nhìn lướt qua bản đồ có thể thấy khả năng hải quân Nga rất hạn chế. Để đi từ Sevastopol (nằm trên bán đảo Crimea phía bắc Biển Đen) đến biển Địa Trung Hải, các tàu Nga cần phải đi qua eo biển Bosphorus, do thành viên NATO là Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát.

Theo các chuyên gia, điều này rất quan trọng đối với Moscow để duy trì trật tự ở Cận Đông và Trung Đông, nếu không, sự mất ổn định có thể lan sang các nước cộng hòa Kavkaz và Trung Á, phơi bày sườn phía nam dễ bị tổn thương của đất nước.

Ngoài ra, các cảng Saint Petersburg ở biển Baltic và Vladivostok ở biển Nhật Bản chia sẻ số phận giống như Sevastopol. Để đi từ biển Baltic đến Đại Tây Dương, các tàu Nga cần phải đi qua eo biển Skagerrak, nghĩa là vùng biển do NATO kiểm soát. Về phía Nhật Bản với tư cách là đồng minh của Hoa Kỳ, có thể chặn quyền vào cảng Vladivostok bất cứ lúc nào.

"Về vấn đề này, có vẻ như Nga vẫn là một cường quốc nắm quyền lực trên mặt đất, chứ không phải trên đường biển. Và đế chế Mỹ, giống như người Anh trước đây, họ tập trung phát triển hải quân. Hơn nữa, người kiểm soát trên biển sẽ có ảnh hưởng trên toàn thế giới", Deutsche Wirtschafts Nachrichten nhận định.

"Những tiếp cận với biển cũng kích thích phát triển thương mại và công nghiệp", Deutsche Wirtschafts Nachrichten cho biết thêm.

Mặc dù các lĩnh vực nghiên cứu ở Nga rất phát triển, nhưng nước này vẫn phải "phụ thuộc" nhiều vào xuất khẩu khí đốt. "Nếu không thể hoàn thành việc xây dựng đường ống "Dòng chảy phương Bắc 2" (Nord Stream 2) điều này sẽ làm suy yếu đáng kể vị thế của Điện Kremlin", Deutsche Wirtschafts Nachrichten kết luận.

Mới đây, Hạ viện Mỹ vừa thông qua dự thảo ngân sách quốc phòng cho năm 2021, trong đó có điều khoản mở rộng các biện pháp trừng phạt đối với "Dòng chảy phương Bắc 2". Việc đưa các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với dự án vào dự thảo ngân sách quốc phòng nhằm tăng tốc quá trình thi hành các biện pháp trừng phạt.

Theo dự luật mới, những biện pháp trừng phạt đối với dự án "Dòng chảy phương Bắc 2" sẽ được siết chặt hơn nhằm vào cả các doanh nghiệp tạo điều kiện thuận lợi cho việc bán hoặc cho thuê các tàu đặt ống để thi công đường ống dẫn khí. Trước đó, Mỹ đã ban bố lệnh trừng phạt nhằm vào các công ty tham gia hoạt động đặt ống và các công ty bảo hiểm liên quan đến dự án "Dòng chảy phương Bắc 2".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại