Hôm nay (2/10), người dân Hungary đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu ý dân với câu hỏi “Có hay không chấp nhận tiếp nhận số người tị nạn bất hợp pháp mà EU yêu cầu”. Với câu hỏi kiểu này, dự đoán đa số sẽ nó “Không”.
Và mặc dù kết quả cuộc trưng cầu này không có sức mạnh ràng buộc kiểu Brexit ở Anh, song nếu thực sự câu trả lời là “Không”, chắc chắn chính phủ Hungary sẽ có lý do để phản đối quyết liệt hơn nữa chính sách phân bổ quota tiếp nhận người nhập cư tại các quốc gia thành viên.
Vào khoảng hơn 9h giờ Hungary, Thủ tướng nước này Victor Orban đã bỏ phiếu chống kế hoạch phân bổ người tỵ nạn theo quota mà EU yêu cầu.
Phát biểu trước báo chí sau khi bỏ phiếu tại một trường tiểu học ở Budapest, ông nói : “Chúng tôi tự hào vì Hungary là nước đầu tiên trưng cầu ý dân về vấn đề này, và đáng tiếc là nước duy nhất.”
Càng gần đến ngày trưng cầu, chính phủ Hungary càng bày tỏ sự thách thức mạnh mẽ đối với EU, đặc biệt khi họ gần như chắc chắn về một “Đa số nói Không” với câu hỏi bị chỉ trích nặng nề được đặt ra trong cuộc bỏ phiếu ngày hôm nay.
Với việc đưa cụm từ “bất hợp pháp” vào câu hỏi, chính phủ Hungary dường như đang “đặt bẫy” bởi ít có người dân nước nào lại đồng ý tiếp nhận những đối tượng không hợp pháp vào lãnh thổ quốc gia mình.
Ngay trước cuộc trưng cầu, Thủ tướng Hungary một lần nữa kêu gọi người dân bày tỏ sự phản đối đối với chính sách phân bổ quota người nhập cư của EU.
Lập luận của ông Orban: “Người nhập cư phải được đưa tới các quốc gia láng giềng của các vùng xung đột và các nước châu Âu như Hungary sẵn sàng tăng viện trợ cho các nước đó. Ông Orban cũng tuyên bố nếu hàng nghìn người Ukraine phải chạy trốn vì chiến tranh và tràn sang Hungary thì Budapest sẽ dang rộng vòng tay chào đón.”
Theo nhà báo Nguyễn Hoàng Linh, Chủ biên trang tin Nhịp cầu thế giới tại Hungary, Chính phủ Hungary chắc chắn sẽ cứng rắn hơn với EU, nhưng về nguy cơ tiến tới một cuộc trưng cầu về việc đi hay ở khỏi EU như tại Anh, thì chưa có tiền lệ.
Nhà báo Nguyễn Hoàng Linh phân tích: “Thực chất từ khi Brexit, ngay ở Hung, một số chính khách cũng đặt câu hỏi có nên theo gương của Anh hay không. Về mặt luật pháp, thì Hungary không thể tiến hành trưng cầu ý dân với câu hỏi về việc đi hay ở trong EU.
Chính phủ cánh hữu từ năm 2000 đến nay đã bị EU chỉ trích nhiều lần, nhưng chưa hề có tiền lệ về mặt pháp lý là tiến hành trưng cầu về việc ra khỏi EU.”
Được biết, trước cuộc trưng cầu ý dân, chính phủ Hungary đã chi mạnh tay tới 12,6 triệu euros cho hơn 800 khẩu hiệu truyền thông với thông điệp phản đối người nhập cư và yêu cầu của EU, tạo ra tâm lý lo sợ cho người dân Hungary trước những nguy cơ an ninh và bất ổn mà làn sóng nhập cư có thể gây ra.
Chính phủ Hungary gắn các vụ khủng bố tại Paris, Brussels với làn sóng nhập cư khiến người dân lo sợ, dù trên thực tế, con số EU yêu cầu Hungary tiếp nhận chỉ là khoảng hơn 1.000 người tị nạn.
Các chính trị gia châu Âu còn đang e ngại rằng, nếu Chính phủ của ông Orban giành thắng lợi lớn trong cuộc bỏ phiếu, khả năng Hungary yêu cầu điều chỉnh Hiệp ước Lisbon có thể sẽ xảy ra và khi đó sự rạn nứt trong EU sẽ càng khó hàn gắn.
Hiện tại, điều dư luận quan tâm nhất là con số cử tri đi bỏ phiếu có vượt mức 50%hay không, để cuộc trưng cầu có hiệu lực./.