Hungary chặn EU ra tuyên bố chung về cuộc bầu cử ở Venezuela

Vũ Thanh |

Các nước EU muốn thông qua một tuyên bố chung nêu lên mối quan ngại về kết quả bầu cử ở Venezuela, nhưng bị ngăn cản bởi lập trường của Hungary.

Hungary chặn EU ra tuyên bố chung về cuộc bầu cử ở Venezuela- Ảnh 1.

Đại diện cấp cao của EU về chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell phát biểu họp báo tại Brussels, Bỉ. Ảnh: THX/TTXVN

Theo tờ Politico của Mỹ ngày 31/7, EU đã không thể thống nhất lập trường về cuộc bầu cử gây tranh cãi ở Venezuela sau khi Hungary phủ quyết một tuyên bố bày tỏ quan ngại về những "sai sót và bất thường" trong cuộc bỏ phiếu và kêu gọi "tăng cường tính minh bạch".

Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro đã tuyên bố là người chiến thắng sau cuộc bầu cử diễn ra vào ngày 28/7, với khoảng 51% số phiếu bầu so với 44%của đối thủ cạnh tranh Edmundo González Urrutia.

Các nước EU muốn thông qua một tuyên bố chung nêu lên mối quan ngại về kết quả vào đầu tuần này nhưng bị ngăn cản bởi lập trường của Budapest, hai quan chức EU liên quan đến các thảo luận tiết lộ với Politico.

Người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell sau đó đã công bố thông cáo - trong đó nói rằng "các báo cáo đáng tin cậy từ các nhà quan sát trong nước và quốc tế chỉ ra rằng cuộc bầu cử đã bị ảnh hưởng bởi nhiều sai sót và bất thường" - dưới tên của chính ông.

Nhận thấy Hungary có khả năng sẽ vẫn không nhượng bộ, ông Borrell đã đưa ra một tuyên bố tiếp theo mang tên mình vào ngay 30/7 thay vì tìm kiếm sự ủng hộ từ 27 quốc gia thành viên EU.

Tuyên bố thứ hai của ông Borrell nêu rõ: "Dữ liệu mà phe đối lập [Venezuela] công bố cho công chúng đưa ra kết quả hoàn toàn khác so với kết quả mà chính quyền nước này công bố. Cho đến khi hồ sơ bỏ phiếu được công khai và xác minh, kết quả bầu cử đã công bố sẽ không được công nhận".

Quyền phủ quyết của Hungary nhấn mạnh một sai sót cơ bản trong chính sách đối ngoại của EU, theo đó các quyết định - bao gồm cả các lệnh trừng phạt tiềm tàng trong tương lai đối với Venezuela - phải được nhất trí giữa 27 quốc gia thành viên của khối.

Điều này đã khiến một số quốc gia, chẳng hạn như Đức, ủng hộ việc đưa ra các quyết định về chính sách đối ngoại theo đa số đủ điều kiện.

Chính phủ Hungary hiện chưa đưa ra bình luận về động cơ phủ quyết của mình.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại