Sự kiện này khiến cho tờ Express (Anh) liên tưởng so sánh với "Vụ ám sát Thái tử Áo-Hung Franz Ferdinand (1914) - khởi nguồn của Chiến tranh thế giới thứ nhất.
Sau khi sát hại Đại sứ Nga, tay súng vốn là một cảnh sát đã bị bị cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ tiêu diệt ngay sau đó.
Tờ Los Angeles Times (Mỹ) cho biết, sau khi bắn chết ông Andrei Karlov, sát thủ đã chỉ tay lên trời và hô vang: "Chúng tôi chết ở Aleppo, còn ông đang ở đây!" và tiếp tục nổ súng bắn chỉ thiên.
"Các người sẽ không được an toàn cho đến khi thành phố của chúng tôi được an toàn! Đừng quên Syria và Aleppo! Những kẻ liên quan trong vấn đề này đều phải bị trừng phạt!", tay súng dẫn một câu nói của trùm khủng bố Osama bin Laden.
Theo bài báo, tay súng và cảnh sát đã bắn tất cả 15-20 viên đạn, ngoài vị Đại sứ, có ít nhất ba nhân viên tại hiện trường bị thương.
Hung thủ được xác định là Mevlut Mert Altıntaş, một cảnh sát thuộc lực lượng chống bạo động của Ankara.
Theo Reuters (Anh), cựu thị trưởng Ankara, ông Mehmet Kiliclar cho biết động cơ giết đại sứ Nga của Altıntaş có liên quan nhiều hơn với Phong trào Gülen, chứ không phải là Syria.
Một quan chức an ninh cấp cao của Thổ Nhĩ Kỳ nói "có những dấu hiệu rất rõ" rằng Altıntaş là một thành viên trong mạng lưới của giáo sĩ Fethullah Gulen, nhân vật bị Ankara cáo buộc là đứng sau âm mưu đảo chính hòng lật đổ Tổng thống Recep Tayyip Erdogan hôm 15/7.
Altıntaş cũng bị nghi ngờ là có tham dự vụ đảo chính.
Phong trào Gülen là phong trào Hồi giáo xuyên quốc gia do giáo sĩ Gülen, hiện sống lưu vong tại Mỹ, thành lập và lan tỏa ở Thổ Nhĩ Kỳ vào thập niên 1980.