Hứng chịu lệnh trừng phạt từ phương Tây, Nga đang bán năng lượng cho ai?

Mai Trang |

Kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Mỹ, EU và đồng minh đã áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt nhằm vào Moscow. Các lệnh trừng phạt đối với lĩnh vực năng lượng đã khiến Nga phải tìm những khách hàng tiềm năng mới thay thế cho thị trường châu Âu.

Nga đang tìm những khách hàng tiềm năng mới thay thế cho thị trường châu Âu. Ảnh: CFR

Nga đang tìm những khách hàng tiềm năng mới thay thế cho thị trường châu Âu. Ảnh: CFR

Mỹ và EU không phải thị trường duy nhất của Nga

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ban hành lệnh cấm nhập khẩu các sản phẩm dầu mỏ, khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) và các sản phẩm than của Nga kể từ tháng 3. EU sẽ ngừng nhập khẩu phần lớn dầu thô của Nga từ tháng 12 năm nay và sẽ ngừng nhập khẩu các sản phẩm dầu tinh chế 2 tháng sau đó.

Theo dữ liệu từ công ty phân tích KPLER, nhìn chung, xuất khẩu dầu thô Nga thông qua tàu chở hàng có xu hướng giảm trong tháng 5,6 và 7, trong đó Trung Quốc, Ấn Độ và Italy là những điểm đến hàng đầu của dầu thô Nga. Trong nửa đầu tháng 9, các lô hàng dầu thô Nga giảm 314.000 thùng/ngày so với tháng trước đó, khiến xuất khẩu dầu thô qua đường biển của Moscow ở mức thấp nhất kể từ khi nước này phát động chiến dịch quân sự , theo công ty S&P Global Insights.

Tuy nhiên, dầu mỏ không phải là nguồn năng lượng duy nhất Nga sản xuất, cũng như Mỹ và EU không phải là thị trường nhập khẩu duy nhất cho những sản phẩm đó. Nga vẫn xuất khẩu tương đối ổn định các lô hàng dầu mỏ với các khách hàng như Trung Quốc và Ấn Độ. Bên cạnh đó, Nga vẫn có LNG, than đá và năng lượng hạt nhân để giúp nền kinh tế phát triển.

Để thu hút các khách hàng như Ấn Độ và Indonesia đối với các sản phẩm dầu mỏ, Nga đã giảm giá khá mạnh, trung bình 30 USD/thùng. Một số nhà phân tích cho rằng, dù mức chiết khấu đối với dầu thô Nga đang giảm nhưng chúng sẽ tiếp tục duy trì, giúp các nước nghèo có thể dễ dàng nhập dầu thô của Moscow hơn.

Các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ đang chứng tỏ là những đối tác tiềm năng của ngành công nghiệp nhiên liệu Nga. Trong đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng gấp đôi lượng dầu nhập khẩu của Nga trong năm nay và đang cạnh tranh để trở thành trung tâm vận chuyển LNG của Nga vào châu Âu sau sự cố hư hỏng đối với đường ống Dòng chảy phương Bắc. Theo Reuters, từ tháng 4 đến tháng 7 năm nay, Trung Quốc đã mua dầu thô của Nga nhiều hơn 17% so với cùng kỳ năm 2021.

Các nước EU đang khá chật vật trong việc từ bỏ nguồn nhiên liệu từ Nga, không chỉ riêng dầu mỏ. Trước khi triển khai chiến dịch quân sự ở nước láng giềng, Nga cung cấp khoảng 40% khí đốt tự nhiên cho châu Âu. Ngay cả khi châu Âu cố gắng “quay lưng” với khí đốt Nga và chuyển sang nguồn cung từ Na Uy, LNG của Moscow vẫn đang tìm đường vào thị trường châu Âu thông qua tàu chở hàng.

Theo Bloomberg, các nước châu Âu vẫn đang nhập khẩu lượng LNG kỷ lục của Nga. Từ tháng 1 đến tháng 9 năm nay, Pháp đã mua thêm khoảng 6% LNG của Nga, bằng con số trong cả năm 2021. Tây Ban Nha đã phá kỷ lục nhập LNG của Nga trong năm nay.

Nga chuyển hướng bán năng lượng cho châu Á

Bên cạnh đó, Nga cũng chuyển dòng năng lượng sang châu Á. Nga đang trở thành nhà cung cấp khí đốt lớn nhất của Trung Quốc. Vào tháng 7 năm nay, nhập khẩu năng lượng Nga của Trung Quốc đã tăng 7% so với năm 2019. Trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 7, Trung Quốc mua thêm 50% LNG và 6% than từ Nga so với cùng kỳ năm 2021.

Ấn Độ cũng trở thành một khách hàng lớn đối với năng lượng của Nga, đặc biệt là dầu mỏ, mặc dù trong những năm trước, nước này hiếm khi nhập khẩu dầu thô của Moscow. Giá dầu thô của Nga ở mức thấp đã khiến lượng mua của Ấn Độ lên tới đỉnh điểm là 950.000 thùng/ngày vào tháng 6, nhưng khi giá dầu tăng trở lại con số này giảm xuống khoảng 477.000 thùng/ngày vào tháng 9.

Hiện Ấn Độ đã vươn lên trở thành khách hàng lớn thứ hai của dầu thô Nga sau Trung Quốc. Dầu mỏ của Nga chiếm 12% tổng lượng dầu nhập khẩu của Ấn Độ, so với mức chưa tới 1% vào thời điểm trước khi xảy ra xung đột ở Ukraine.

Dù mua khối lượng dầu kỷ lục từ Nga, nhưng theo Bộ Dầu mỏ Ấn Độ, nguồn hàng mua từ Nga vẫn chỉ chiếm con số nhỏ so với tổng mức tiêu thụ của Ấn Độ.

Vào tháng 8, lệnh cấm nhập khẩu than đá Nga vào EU đã có hiệu lực. Biện pháp trừng phạt này khiến việc xuất khẩu than của Nga trở nên khó khăn vì hầu hết các tổ chức tài chính và công ty bảo hiểm liên quan đến vận chuyển toàn cầu đều có trụ trở tại EU, Anh và Thụy Sĩ.

Dù Nga là một trong những nước xuất khẩu than lớn của thế giới, với khoảng 17% thị phần, nhưng xuất khẩu than chỉ chiếm khoảng 1% nền kinh tế Nga, bởi vậy lệnh cấm nhập khẩu than Nga của EU không tạo ra sự sụt giảm đáng kể cho kinh tế Moscow. Ấn Độ và Trung Quốc cũng đang nhập khẩu một lượng lớn than của Nga với giá cao.

Theo một báo cáo từ Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí sạch (CREA), từ tháng 2 đến tháng 9, Nga thu được khoảng 158 tỷ euro từ việc bán nhiên liệu hóa thạch. Trong đó, một nửa đến từ các hoạt động mua của EU, chiếm khoảng 85 tỷ euro. Vào cuối tháng 9, con số này đã vượt 100 tỷ euro dù xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch của Nga trong tháng 9 đã giảm. Trên toàn cầu, doanh thu của Nga từ nhiên liệu hóa thạch đã giảm 300 triệu euro mỗi ngày trong tháng 9 so với tháng 2 và tháng 3 năm nay, theo CREA.

Ngoài ra, Nga cũng là nước dẫn đầu thị trường về năng lượng hạt nhân. Đến nay, phương Tây không trừng phạt công nghệ hạt nhân và nhiên liệu hạt nhân của Nga, dù Ukraine luôn kêu gọi điều này.

Theo báo cáo của chuyên gia tại Hội đồng Đại Tây Dương, Nga tiếp tục đầu tư mạnh vào công nghệ hạt nhân và các cơ sở hạt nhân ở nhiều quốc gia phụ thuộc vào công nghệ và sự hợp tác của Nga để hoạt động, ngay cả khi họ không nhập khẩu trực tiếp nhiên liệu hạt nhân của Nga./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại