Tập đoàn Trung Quốc Huawei Technologies ngày 17/11 cho biết sẽ bán toàn bộ mảng kinh doanh smartphone Honor cho một liên doanh tại Trung Quốc, động thái nhằm giúp Honor duy trì tiếp cận với các linh kiện quan trọng trong bối cảnh Huawei bị Mỹ cấm vận, theo Nikkei Asia.
Cụ thể, nhà sản xuất smartphone lớn nhất Trung Quốc sẽ bán Honor cho một liên doanh mới thành lập có tên Shenzhen Zhixin New Information Technology với hơn 30 công ty, bao gồm các đại lý của thương hiệu Honor, một số công ty được chính quyền Thâm Quyến đầu tư và nền tảng thương mại điện tử Sunning.com Group.
Nhóm này cũng bao gồm China Telling Telecom, nhà phân phối smartphone Huawei, Samsung và Apple.
Sau khi thương vụ hoàn tất, Huawei sẽ "không nắm giữ bất kỳ cổ phần hay có liên quan gì tới bộ máy quản lý cũng như việc ra quyết định tại Honor". Theo nguồn thạo tin của Reuters, thương vụ này có giá khoảng 100 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 15,2 tỷ USD.
Với thương vụ này, Honor trở thành thương hiệu đầu tiên của Huawei bị bán đi kể từ sau các lệnh cấm vận mới nhất của Mỹ nhằm vào công ty Trung Quốc có hiệu lực vào ngày 15/9. Các lệnh cấm này ngăn Huawei tiếp cận với các nhà cung cấp quan trọng trên toàn cầu.
Huawei cũng thừa nhận đang đối mặt với nhiều khó khăn do bị ngăn cản tiếp cận với các linh kiện kỹ thuật cần thiết để sản xuất smartphone. Với việc tách Honor thành một thực thể độc lập, Huawei hy vọng thương hiệu này có thể tiếp cận với các linh kiện quan trọng để duy trì hoạt động.
Trong thông cáo chung, liên doanh Shenzhen Zhixin New Information Technology khẳng định: "Thương vụ này mang lại nhiều lợi ích cho cả ngành công nghiệp.
Tất cả các cổ đông mới của Honor sẽ hỗ trợ toàn diện để phát triển thương hiệu này, tận dụng các lợi thế về nguồn lực, thương hiệu, sản xuất, kênh bán hàng, dịch vụ và giúp Honor cạnh tranh hiệu quả hơn trên thị trường".
Hiện tại, cả Huawei lẫn liên doanh trên đều không tiết lộ chi tiết thương vụ. Tuy nhiên, theo nguồn tin thân cận, khoảng 7.000 nhân viên của Honor sẽ được chuyển sang công ty mới.
Theo hãng nghiên cứu Counterpoint, năm 2019, Honor bán được gần 70 triệu smartphone với thị trường chính là Trung Quốc, chiếm gần 28,7% doanh số smartphone của Huawei. Năm 2018, doanh số của Honor đạt 78 triệu chiếc, chiếm 37,9% tổng doanh số của Huawei.
Flora Tang, nhà phân tích của Counterpoint Research, cho biết doanh số smartphone của Huawei bắt đầu giảm vào nửa sau của năm 2019 khi công ty này gặp khó khăn trong việc nhập linh kiện sản xuất.
"Nếu thương vụ thành công và Honor trở thành một nhà sản xuất smartphone độc lập thuộc một thực thể mới hoàn toàn, chúng ta có thể lạc quan về triển vọng ngắn hạn của thương hiệu này tại thị trường Trung Quốc", Tang nhận xét.
Tuy nhiên, Tang nhận định không mấy lạc quan về triển vọng dài hạn của Honor. "Không có sự hỗ trợ về nghiên cứu và phát triển, chuỗi cung ứng và đặc biệt là chíp di động Kirin của Huawei, Honor sẽ phải xây dựng lại lợi thế cạnh tranh và sự khác biệt trên thị trường cạnh tranh khốc liệt tại Trung Quốc", Tang nhận định.
Một số nhà phân tích cũng đặt câu hỏi về hoạt động của Honor khi về tay chủ mới.
"Tôi nghi ngờ khả năng tiếp tục phát triển của Honor khi rời ra Huawei. Honor đang hoạt động rất tốt vì có sự hỗ trợ toàn diện từ Huawei. Nếu không còn là một phần của Huawei, không chắc thương hiệu này có được sự hỗ trợ tương tự từ chủ mới", Jeff Pu, nhà phân tích thị trường smartphone tại GF Securities, cho biết.
"Trong khi đó, các nhà sản xuất smartphone đối thủ như Samsung, Oppo, Xiaomi và Vivo, đều đang tìm mọi cách để giành thị phần từ Huawei và Honor. Thương hiệu này sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh khác hẳn so với trước đây".
Honor ra đời vào năm 2011 và bắt đầu hoạt động với tư cách thương hiệu con độc lập của Huawei vào năm 2013. Thương hiệu này bán các dòng smartphone tầm trung, chủ yếu tập trung vào đối tượng khách hàng trẻ và các kênh bán hàng trực tuyến.
Doanh số của Honor giúp Huawei vượt qua Apple trở thành nhà sản xuất smartphone thứ hai thế giới, sau Samsung. Quý 2/2020, Huawei giành vị trí số 1 từ Samsung. Tuy nhiên, khi các lệnh cấm vận của Mỹ có hiệu lực, Apple, Samsung, Xiaomi, Oppo và Vivo đồng loạt nhắm tới giành thị phần trên toàn cầu của Huawei.
Sang quý 3, Huawei trở về vị trí nhà sản xuất lớn thứ hai thế giới. Giờ đây, câu hỏi đặt ra là Huawei sẽ duy trì vị trí này được bao lâu.