Anh chấm dứt 20 năm hợp tác với Huawei
Ngày 14/7, Chính phủ Anh chỉ thị cho các nhà cung cấp viễn thông nước này không mua thiết bị mạng viễn thông di động thế hệ thứ 5 ( 5G ) từ tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc kể từ đầu năm tới. Chỉ thị cũng yêu cầu loại bỏ toàn bộ các thiết bị của Huawei vào năm 2027.
Phát biểu trước Quốc hội sau khi Thủ tướng Anh Boris Johnson chủ trì các cuộc họp nội các và Hội đồng An ninh Quốc gia, Bộ trưởng phụ trách Kỹ thuật số, Văn hóa, Truyền thông và Thể thao Oliver Dowden nêu rõ: "Từ cuối năm nay, các nhà cung cấp viễn thông không được phép mua bất kỳ thiết bị 5G nào từ Huawei" và mạng 5G của Anh sẽ "không còn mối liên quan nào với Huawei" vào cuối năm 2027.
Mối "lương duyên" kéo dài 20 năm giữa Anh và Huawei đã đi đến hồi kết? (Nguồn: Reuters)
Bộ trưởng Dowden nhấn mạnh đây là một quyết định "không dễ dàng" do điều này khiến việc triển khai mạng 5G bị chậm 2-3 năm và chi phí sẽ bị đội lên 2 tỷ bảng (2,5 tỷ USD). Tuy nhiên, theo ông, đó là một bước đi "đúng đắn cho các mạng viễn thông của Anh, cho an ninh quốc gia và cho nền kinh tế", trong ngắn hạn và tương lai lâu dài. Bộ trưởng Dowden khẳng định London sẵn sàng làm việc với 4 đối đối tác còn lại trong nhóm Liên minh tình báo Five Eyes (gồm Mỹ, Canada, Australia và New Zealand) về các phương án thay thế phù hợp.
Mặc dù không quá bất ngờ, đây có thể coi là một cú sốc thực sự đối với Huawei – tập đoàn đã có 20 năm hoạt động tại thị trường Anh và là cú sốc với cả chính phủ Trung Quốc. Ở chiều ngược lại, việc Anh chính thức tham gia liên minh chống Huawei có thể được coi là một thắng lợi ngoại giao quan trọng của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Huawei "vắng bóng" tại các nước thuộc nhóm Five Eyes?
Với quyết định mới này, Anh đã trở thành quốc gia thứ 3 thuộc nhóm Five Eyes cấm cửa Huawei tham gia vào mạng lưới 5G của mình, sau Mỹ và Australia.
Chính phủ New Zealand ngay lập tức cho biết, sẽ không có động thái tương tự. Trong phát biểu đưa ra hôm 15/7, ông Andrew Little, Bộ trưởng phụ trách cơ quan an ninh truyền thông khẳng định, "New Zealand không cấm bất kỳ nhà cung cấp viễn thông nào".
Bộ trưởng phụ trách cơ quan an ninh truyền thông New Zealand Andrew Little khẳng định không cấm cửa Huawei (Nguồn: Reuters)
Tuy nhiên, mặc dù không bị cấm về mặt lý thuyết, Huawei trên thực tế vẫn chưa đạt được các tiêu chuẩn mà phía New Zealand đề ra. Do đó, công ty này sẽ khó có thể tham gia cung cấp thiết bị viễn thông cho mạng 5G tại New Zealand trong tương lai gần, đặc biệt là trong bối cảnh Mỹ tiếp tục gia tăng sức ép lên các nước đồng minh. Trước đó, chính phủ New Zealand từng bác bỏ kế hoạch chỉ sử dụng công nghệ Huawei của hãng viễn thông Spark vì "rủi ro an ninh mạng lớn", dù vẫn phủ nhận đây là lệnh cấm hoàn toàn đối với Huawei.
Canada - 1 quốc gia khác thuộc Liên minh tình báo Five Eyes giờ đây đang phải hứng chịu sức ép ngày càng gia tăng về việc loại bỏ thiết bị của Huawei. Ông Charles Burton – cựu cố vấn tại Đại sứ quán Canada ở Bắc Kinh (Trung quốc) và hiện là chuyên gia cao cấp tại Viện Macdonald Laurier nhận định: "Tình hình hiện giờ sẽ rất khó để chính phủ Canada có thể đồng ý việc lắp đặt thiết bị 5G của Huawei".
Theo ông Burton, chính quyền Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã dự định chấp thuận cho Huawei tham gia vào việc phát triển mạng lưới 5G tại nước này, và vẫn đang chịu sức ép từ các nhóm vận động hành lang của Trung Quốc. Tuy nhiên, động thái mới đây của Anh khiến Canada "rất khó có thể quyết định khác hẳn so với các đối tác trong Liên minh chia sẻ thông tin tình báo Five Eyes". Do đó, ông Burton tin rằng, "Chính phủ Canada sẽ cần phải đưa ra một quyết định chống lại Huawei, và có thể sẽ sớm thực hiện điều này".
Các cuộc khảo sát gần đây cũng cho thấy, đa số người dân Canada có quan điểm phản đối sự tham gia của Huawei vào việc phát triển mạng lưới 5G tại nước này. Kết quả khảo sát được Viện nghiên cứu Angus Reid công bố hôm 13/5 cho thấy, trong số 1.518 người được hỏi, có tới 78% tin rằng, chính phủ Canada nên cấm cửa Huawei, tăng đáng kể so với tỷ lệ 69% trong một cuộc khảo sát tương tự hồi tháng 11 năm ngoái. Một cuộc khảo sát thực hiện 2 tuần sau đó của công ty tư vấn Research Co cũng cho thấy tỷ lệ người phản đối Huawei ở mức 75%.
Người dân Canada phản đối sự tham gia của Huawei vào mạng lưới 5G (Nguồn: Angus Reid)
Ông Mario Canseco – Chủ tịch Research Co nhận định: "Trong 4 vòng của cuộc khảo sát trên toàn quốc, hầu hết người dân Canada đều không chào đón sự tham gia của Huawei vào mạng lưới 5G của đất nước". COVID-19 và trận chiến pháp lý kéo dài liên quan đến việc Canada bắt giữ Giám đốc tài chính Mạnh Vãn Chu của Huawei khiến cho quan điểm này càng trở nên cứng rắn hơn.
Hiệu ứng domino tại châu Âu?
Việc Anh loại bỏ Huawei cũng giáng một đòn nặng nề vào chiến lược phát triển của Huawei tại thị trường châu Âu - nơi đóng vai trò hết sức quan trọng đối với hãng công nghệ viễn thông Trung Quốc. Các số liệu do Huawei công bố vào tháng 3/2020 cho thấy trong số 91 hợp đồng phát triển mạng 5G mà hãng ký kết được trên thế giới, có tới 47 hợp đồng đến từ châu Âu.
Thế nhưng, thái độ của các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) đối với Huawei lại đang có phần dè dặt và không thống nhất. Hôm 6/7, Chính phủ Pháp công khai tuyên bố dù không cấm toàn diện việc sử dụng các thiết bị của Huawei trong phát triển mạng 5G, nhưng lại khuyến cáo các tập đoàn viễn thông Pháp không nên sử dụng. Hãng tin Reuters ngày 9/7 dẫn nguồn thạo tin tiết lộ TIM, tập đoàn viễn thông lớn nhất Italy sẽ loại bỏ Huawei khỏi danh sách các nhà thầu thiết bị then chốt trong kế hoạch phát triển mạng 5G của tập đoàn này ở Italy và Brazil. Tuy nhiên, thái độ của Chính phủ Italy lại không rõ ràng như vậy. Còn tại Bỉ, báo De Standaard ngày 14/7 đưa tin Bộ trưởng Viễn thông nước này gần đây nói rằng Bỉ sẽ không gạt Huawei ra ngoài lề.
Hiệu ứng domino có thể xuất hiện tại châu Âu sau động thái cấm Huawei của Anh (Nguồn: Getty Images)
Mọi sự chú ý hiện đang đổ dồn về Đức - thị trường viễn thông lớn nhất khu vực. Tính đến thời điểm hiện tại, Đức vẫn chưa đóng cửa với Huawei và dự kiến sẽ quyết định các nguyên tắc về phát triển mạng 5G vào tháng 9 tới. Tập đoàn viễn thông Deutsche Telekom, với 31,9% cổ phần thuộc sở hữu chính phủ Đức hiện cũng đang sử dụng một lượng đáng kể thiết bị của Huawei.
Deutsche Telekom hiện vẫn phản đối bất cứ lệnh cấm toàn diện đối với một nhà cung cấp cá biệt nào, động thái được nhìn nhận như sự ủng hộ đối với Huawei. Hôm 7/7, hãng cho biết đang theo đuổi chiến lược đa dạng hóa nhà cung cấp và mua thiết bị từ nhiều nhà sản xuất khác nhau, từ Cisco, Juniper, Nokia, Ericsson cho tới Huawei. Deutsche Telekom không công bố cụ thể tỷ lệ thiết bị mua từ Huawei mà chỉ cho biết, 30% số thiết bị của hãng đến từ Mỹ, 25% đến từ châu Âu và Trung Quốc, trong khi 45% còn lại đến từ các nhà cung cấp nội địa nhỏ và các nước châu Á khác.
Tuy nhiên, hãng cũng cho biết đang giảm dần sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp Trung Quốc trong mạng lưới cốt lõi truyền thông di động. Theo đó, lượng thiết bị mà Deutsche Telekom mua từ Huawei đã liên tục giảm dần trong 3 năm qua.
Hiện chính quyền Thủ tướng Đức Angela Merkel vẫn bác bỏ việc áp đặt một lệnh cấm với Huawei, do lo ngại các động thái đáp trả từ phía Trung Quốc nhằm vào hàng xuất khẩu Đức. Tuy nhiên, quan điểm này đang vấp phải sự phản đối ngày càng gia tăng từ chính giới Đức, bao gồm cả những thành viên trong đảng Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) cầm quyền. Giới chức tình báo Đức cũng từng chỉ ra rằng, các thiết bị của Huawei là không đáng tin cậy và tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Trong bối cảnh đó, một "hiệu ứng domino" tại châu Âu sau khi London quyết định loại bỏ Huawei được cho điều là hoàn toàn có thể xảy ra. Mức độ của hiệu ứng này lớn đến đâu sẽ phụ thuộc rất nhiều vào sức ép từ phía Mỹ, các động thái đáp trả của Trung Quốc và đặc biệt là quyết định cuối cùng của Đức - đầu tàu lớn nhất châu Âu.