Ngày 15/1, thông qua một tờ báo, vận động viên Phạm Như Phương của đội tuyển thể dục dụng cụ Việt Nam thông báo quyết định giải nghệ.
Cô gái này bày tỏ sự không hài lòng khi bị gạch tên khỏi đội tuyển quốc gia, bị trả về đơn vị chủ quản là Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể dục Thể thao Hà Nội (nằm trong Khu liên hợp thể thao Mỹ Đình). Đồng thời, cô tố huấn luyện viên (HLV) quản lý trực tiếp ở đơn vị chủ quản, ăn chặn tiền thưởng.
Trước thông tin này, Cục Thể dục Thể thao (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) làm việc với các đơn vị liên quan để rà soát, xem xét vụ việc và xử lý nếu có vi phạm.
" Tôi có văn bản chỉ đạo, cử Trưởng phòng Thể thao thành tích cao 1, Bộ môn Thể dục và Liên đoàn Thể dục Việt Nam đến Khu liên hợp Quốc gia làm rõ sự việc liên quan. Tôi nhận thông tin truyền đạt miệng là ban huấn luyện của đội không thu tiền, đây chỉ là việc cá nhân của HLV. Vì vậy, HLV phải làm giải trình để nêu rõ việc có thu hay không, thu để làm gì ", ông Đặng Hà Việt - Cục trưởng Cục Thể dục Thể thao chia sẻ với VTC News.
Về việc vận động viên không có tên trong danh sách triệu tập năm 2024, ông Đặng Hà Việt cho biết: " Vận động viên không tập đội tuyển quốc gia lần này là do đơn vị Hà Nội không cử lên. Quy trình là trước khi tập huấn, Cục sẽ gửi văn bản về tất cả địa phương. Địa phương có ý kiến và không cử lên vận động viên lên đội tuyển.
Còn năm ngoái, vận động viên nghỉ, không có mặt khi trung tâm điểm danh. Huấn luyện viên không báo cáo về việc bạn ấy xin đi nghỉ hay không. Vì vậy, theo quy trình, vận động viên không đi tập luyện thì không được tập trung nữa ".
Trước đó, trong bài phỏng vấn, vận động viên Phạm Như Phương cho biết mọi chuyện xuất phát từ chuyến đi Mỹ để thăm người thân, bạn bè vào tháng 12 năm ngoái. Cô có gửi đơn cam kết, thông báo đến hai huấn luyện phụ trách trực tiếp của mình về chuyến đi và được đồng ý nên mới đi.
Tuy nhiên, khi trở về nước, cô nhận thông tin bị gạch tên khỏi danh sách tập trung đội tuyển quốc gia năm 2024 bởi hai huấn luyện viên quên gửi bản cam kết. Cô thất vọng với án phạt này nên tuyên bố giải nghệ ở tuổi 20.
Ngoài ra, vận động viên sinh năm 2003 tố 2 huấn luyện viên phụ trách trực tiếp ăn chặn tiền thưởng. Từ năm 2017, với mỗi tấm huy chương giành được, cô phải trích 10% tiền thưởng cho huấn luyện viên để nộp cho bộ môn. Bên cạnh đó, tiền thưởng nóng cũng phải chia chác để cảm ơn các phòng ban.
Phạm Như Phương là vận động viên tài năng hàng đầu của đội tuyển thể dục dụng cụ quốc gia. Ở SEA Games 31, cô gái này mang về 2 huy chương bạc và 2 huy chương đồng cho đoàn thể thao Việt Nam. Cô là vận động viên chủ lực của đoàn Hà Nội, giành nhiều thành tích ở các giải trong nước.