Chiều 18/7, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Tô Lâm đã công bố Quyết định và trao Huân chương Sao vàng - phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước tặng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Đây là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước và Nhân dân đối với những công lao, đóng góp to lớn, đặc biệt xuất sắc của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc ta.
Trả lời phỏng vấn phóng viên VOV, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Huân chương Sao Vàng dành cho những cá nhân và tập thể có thành tích đặc biệt xuất sắc. Trong lĩnh vực nào, về mặt lý luận hay thực tiễn, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng có những cống hiến đặc biệt xuất sắc. Điều này đã được toàn Đảng, toàn dân ta ghi nhận.
PV: Bộ Chính trị vừa quyết định trao Huân chương Sao Vàng tặng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thưa ông, ý nghĩa của Huân chương Sao Vàng là gì?
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc: Huân chương Sao Vàng là phần thưởng cao quý nhất của Nhà nước CHXHCN Việt Nam. Huân chương này có từ thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Huân chương Sao Vàng dành để trao tặng cho những cá nhân, tập thể có thành tích đặc biệt xuất sắc đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của Nhà nước và của đất nước; là người có nhiều cống hiến cho hoạt động mà mình phụ trách.
Ý nghĩa của Huân chương Sao Vàng là ghi nhận công lao, đóng góp của cá nhân cho đất nước. Đồng thời, khẳng định vai trò, vị trí của cá nhân đó trong quá trình đấu tranh cách mạng của Đảng, của đất nước, của dân tộc.
Trong hệ thống huân chương, cao nhất là Huân chương Sao Vàng, sau đó là Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập…
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một nhà lãnh đạo, một chính khách nổi tiếng không chỉ ở trong nước mà còn được biết đến và kính trọng ở nước ngoài. Trong 3 nhiệm kỳ qua, đặc biệt từ Khoá XI (năm 2011), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có những công hiến lớn đối với công cuộc phát triển đất nước, đặc biệt là trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập quốc tế, thực hiện chiến lược về bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Đặc biệt, Tổng Bí thư có cống hiến lớn về mặt lý luận, với công trình dày công nghiên cứu và có phát hiện mới là tác phẩm: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”. Đây chính là sự tổng kết quá trình đổi mới gắn liền với con đường XHCN mà Bác Hồ đã lựa chọn. Ngoài tác phẩm lý luận lớn này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng có nhiều cống hiến trên các lĩnh vực lý luận chuyên ngành. Trong đó, đồng chí là một nhà lý luận chuyên sâu với chuyên ngành xây dựng Đảng. Tổng Bí thư đã có những tác phẩm về xây dựng Đảng có ý nghĩa, tổng kết về công tác xây dựng Đảng của Đảng ta trong thời kỳ đổi mới. Đáng chú ý nhất là xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức và tổ chức cán bộ.
Tổng Bí thư còn có tác phẩm viết về Nhà nước pháp quyền, đó là cuốn “Quốc hội trong tiến trình đổi mới đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam” mới ra mắt cách đây vài ngày; tác phẩm về đại đoàn kết toàn dân tộc; xây dựng nền văn hoá tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc…
Trong lĩnh vực nào, về mặt lý luận hay thực tiễn, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng có những cống hiến đặc biệt xuất sắc. Điều này đã được toàn Đảng, toàn dân ta ghi nhận.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một nhà lãnh đạo “2 trong 1”, vừa là một nhà lãnh đạo lỗi lạc, vừa là nhà một nhà lý luận, nhà khoa học. Đồng chí đã kết hợp nhuần nhuyễn giữa vai trò của một chính khách, của một nhà lãnh đạo với một nhà khoa học, một nhà lý luận.
PV: Trong công cuộc phòng chống tham nhũng quyết liệt hiện nay, ông có thể nói gì về vai trò của người đứng đầu Đảng - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng?
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc: Trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có dấu ấn và cống hiến nổi bật của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Công tác phòng, chống tham nhũng tiêu cực của Đảng đã được Bác Hồ khởi xướng từ sau Cách mạng Tháng 8, nhằm loại bỏ những tiêu cực. Bức thư của Bác gửi cho UBND các cấp ngày 17/10/1945, đã chỉ ra những “căn bệnh” của cán bộ khi nắm chức vụ, quyền hạn. Những tiêu cực này phải kiên quyết chống. Bác đã chỉ ra 6 “căn bệnh” trong công tác chống tham nhũng đang được thực hiện đến ngày nay.
Trong suốt quá trình lãnh đạo, Đảng ta luôn luôn đề cao, chú ý chống tham nhũng, tiêu cực từ trong thời kỳ chiến tranh, đến thống nhất đất nước và đặc biệt trong thời kỳ đổi mới. Đặc biệt, tiêu cực trong thời kỳ kinh tế thị trường phải được mạnh dạn nhìn nhận.
Bên cạnh đó, tác động của diễn biến hoà bình, của đạo đức lối sống từ nước ngoài xâm nhập khiến cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực trở nên cấp thiết. Khi đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với vai trò người đứng đầu, nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng, đã khởi xướng cuộc đấu tranh trên quy mô lớn và đã mang lại nhiều kết quả từ khoá XI đến nay.
Năm 2011, ở Đại hội XI, để đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất của Đảng, Tổng Bí thư đã trực tiếp đảm nhận cương vị Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Trải qua những nhiệm kỳ vừa qua, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng. Đây là cuộc chiến khó khăn, phức tạp và lâu dài. Đây là cuộc chiến không ngừng nghỉ và với sự chỉ đạo quyết liệt của Tổng Bí thư và của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhiều vụ án đã được xử lý. Từ đó, đã có tác dụng ngăn chặn, đẩy lùi, cảnh báo, cảnh tỉnh những người có ý định hay có vi phạm về các quy định phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Thông qua cuộc đấu tranh này cũng nhằm đẩy mạnh giáo dục trong Đảng và tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, làm cho Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh và củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, với sự lãnh đạo của Đảng cầm quyền.
Trong lịch sử Đảng ta cũng sẽ ghi nhận những thành công của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực.
PV: Thưa ông, với những cống hiến cho đất nước, với tài năng và đạo đức cách mạng như vậy, có thể xem Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh?
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc: Khi nhắc đến người học trò xuất sắc của Bác Hồ, thì thứ nhất phải xác định mục tiêu, con đường đấu tranh cách mạng mà đồng chí đó kiên định. Trong đó, phải kiên định quan điểm, tư tưởng của Hồ Chí Minh. Ngay khi thành lập Đảng năm 1930, Hồ Chí Minh đã kiên định con đường, lý tưởng, mục tiêu đấu tranh và đã được toàn Đảng, toàn dân noi theo. Ai là học trò xuất sắc phải cân nhắc điều này.
Thứ hai, Hồ Chí Minh là lãnh tụ kiệt xuất của Đảng và cũng là một nhà lý luận nổi tiếng, được khẳng định với tư tưởng Hồ Chí Minh. Học trò xuất sắc của Bác Hồ cũng phải thấu hiểu và có trình độ trí tuệ, trình độ lý luận cao. Đặc biệt là thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh.
Thứ ba, khi nói đến Hồ Chí Minh là nói đến tấm gương sáng ngời về sự trung thành vô hạn với Đảng, với đất nước và với dân tộc. Bác cũng là tấm gương sáng về đạo đức cách mạng. Khi là học trò xuất sắc của Bác Hồ phải có được phẩm chất cao quý này của Hồ Chí Minh, đặc biệt về đạo đức cách mạng và chống chủ nghĩa cá nhân.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đều hội tụ đầy đủ cả 3 khía cạnh này, đặc biệt là đạo đức, là sự cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư như Bác Hồ đã dạy. Tổng Bí thư thể hiện rõ nhất phẩm chất, đạo đức cao quý đó theo tấm gương của Bác Hồ.
Bên cạnh đó, phong cách Hồ Chí Minh, là sự gắn liền với thực tiễn, gắn liền với những quyết định, những mục tiêu, chiến lược chung của Đảng với những vấn đề của cuộc sống, của nhân dân. Cùng với đó là sự kiêm tốn, giản dị, biết lắng nghe, biết vận dụng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và những đồng chí được gọi là học trò xuất sắc của Bác phải thể hiện được phong cách làm việc như vậy. Phong cách của một nhà lãnh đạo tận trung với đất nước, phụng sự cách mạng và phục vụ đất nước.
Trước đây, các nhà lãnh đạo lớp trước cũng được coi là những người học trò xuất sắc của Bác Hồ. Với tinh thần như vậy, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhất là trong vai trò lãnh đạo, trong sự nghiệp đổi mới hiện nay.
PV: Vâng, xin trân trọng cảm ơn ông!
Một trong những tiêu chí để xét tặng Huân chương Sao Vàng là người có quá trình công tác liên tục từ kháng chiến chống Mỹ (từ 1954 đến ngày 30 tháng 4 năm 1975) và thời kỳ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc (từ ngày 30 tháng 4 năm 1975 đến nay), có công lao to lớn, đặc biệt xuất sắc trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, không phạm khuyết điểm lớn, đã đảm nhiệm một trong các trọng trách: Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, 2 nhiệm kỳ.
Huân chương Sao Vàng được tặng cho những người có công lao to lớn, có công trình, tác phẩm đặc biệt xuất sắc, có tác động sâu rộng, tạo ra sự chuyển biến tích cực thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước, được nhà nước thừa nhận, tôn vinh.
Đến nay Việt Nam đã tặng và truy tặng Huân chương Sao Vàng cho trên 141 tập thể, cá nhân trong nước và tặng 28 cá nhân nước ngoài. Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng là người đầu tiên được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng (năm 1958).