Đây là lần đầu tiên, vợ chồng Hứa Minh Đạt – Lâm Vỹ Dạ ngồi chung ghế nóng trong một sân chơi dành cho các em nhỏ - "Tiếu lâm tứ trụ nhí".
Nhưng do đặc thù thí sinh là trẻ con nên vợ chồng anh gặp không ít những chuyện dở khóc dở cười ở hậu trường chương trình.
Kịch bản cũng là vấn đề lớn, bị hạn chế rất nhiều
Lý do vì sao vợ chồng anh lại nhận lời ngồi ghế nóng chương trình "Tiếu lâm tứ trụ nhí"?
Lâu nay tôi thường đi diễn với anh Hoài Linh còn bà xã Lâm Vỹ Dạ trong nhóm hài Trường Giang. Hai vợ chồng gần như không có dịp làm chung nên cô ấy chủ động nhận lời chương trình này.
Hơn nữa, format của chương trình là chọn những cặp vợ chồng đã có con và cuộc sống vui vẻ hạnh phúc. Họ chọn vợ chồng tôi, vợ chồng Gia Bảo – Thanh Hiền, Hoàng Mèo – Đại Ngọc Trâm và cặp bạn thân 20 năm Lê Nam và Minh Trọng.
Trong khi gameshow đang bị nhiều người ném đá, "Tiếu lâm tứ trụ nhí" là phiên bản không nhận được nhiều lời khen... cá nhân anh nghĩ như thế nào?
Vợ chồng nghệ sĩ Hứa Minh Đạt - Lâm Vỹ Dạ lần đầu tiên ngồi ghế nóng cùng nhau.
Đương nhiên chất lượng của chương trình không thể so sánh với "Tiếu lâm tứ trụ" người lớn chơi được.
Thí sinh của chương trình này là trẻ con, riêng việc tập luyện đã rất vất vả. Các em còn phải đi học, huấn luyện viên phải sắp xếp sao cho ổn thỏa để các em không ảnh hưởng việc học hành.
Hơn nữa, người lớn có thể tập sáng đêm nhưng con nít 9 giờ, 9 rưỡi là phải để các em về nghỉ. Rồi huấn luyện viên hướng dẫn từng ly từng tí, có khi làm mẫu cả chục lần các em chưa làm được, nhiều khi chính mình cũng nổi quạu.
Kịch bản cũng là vấn đề lớn, bị hạn chế rất nhiều. Làm sao để tiết mục đảm bảo sự trong sáng, phù hợp với lứa tuổi, không quá sức mà vẫn đẩy mạnh năng khiếu của các em.
Chương trình là sân chơi để các em thể hiện năng khiếu diễn xuất, ca múa hát của mình, kịch chỉ mang tính chất lồng ghép thôi. Huấn luyện viên vừa phải viết kịch bản, đo ni đóng giày với thế mạnh của từng em rồi chỉ dạy các từng tí nên rất mệt.
Từ góc nhìn người trong cuộc, khi gameshow đang bị "dòm ngó" nhiều như hiện nay, "Tiếu lâm tứ trụ nhí" có đưa ra những điều cấm kỵ để đảm bảo sự "sạch sẽ" trong mắt công chúng không thưa anh?
Có chứ, một danh sách dài như tờ sớ vậy. Chúng tôi phải thuộc lòng danh sách dài điều cấm kỵ, như chương trình cấm không cho giả gái, không được dững những cảnh nhạy cảm, những câu nói phản cảm như "bà nội này, cha nội này" vì sợ các bé làm hư khán giả nhí khi xem.
Diễn viên Hứa Minh Đạt.
Thậm chí cảnh ma cũng không được dựng vì sợ ảnh hưởng tới tâm lý các em nhỏ, sợ các em bị ám ảnh. Chính vì thế, huấn luyện viên phải trau chuốt từng câu thoại để không bị khán giả soi.
Ngay như chuyện loại thí sinh cũng phải rất khéo léo và nhẹ nhàng để nó không trở thành cú sốc tinh thần với các em. Những hy vọng đầu đời bị vụn vỡ là điều khủng khiếp lắm. Bản thân tôi từng trải qua cảm giác đó rồi.
Có những em bị loại khóc ngon lành. Tôi phải lựa lời khuyên rằng "các con vẫn ở trong đội", và những tập sau đó vẫn sắp xếp cho các con phụ diễn.
Hồi thi vòng sơ tuyển để vào vòng ghi hình, có 8 thí sinh. Huấn luyện viên phải loại 3 thí sinh để lấy 5 người vào vòng trong.
Có một cô bé 15 tuổi hát rất hay nhưng tôi buộc phải loại vì đây là chương trình dành cho các em nhỏ. Tuổi của cô bé so với các bạn quá lớn nên buộc lòng phải loại. Hơn nữa, cô bé ở Tiền Giang phải nhờ mẹ đưa lên Sài Gòn thi, chỗ ăn ở cũng bị bất tiện.
Vừa bước xuống sân khấu, cô bé òa khóc. Tôi không biết phải nói sao, phải an ủi "Con hát hay nhưng tuổi của con không nhỏ như các bạn nên rất khó chọn. Còn rất nhiều cuộc thi khác để con thử sức...".
Bị phụ huynh trách vì... loại con của họ
Khi loại thí sinh, anh có bị họ trách không?
Thí sinh thì không nhưng phụ huynh thì có. Làm việc với phụ huynh là mệt nhất vì trẻ con hồn nhiên lắm. Chính phụ huynh chêm vào đầu chúng những suy nghĩ kiểu chương trình thiên vị người này, sắp xếp người kia nhưng không có chuyện đó.
Tiết mục của bé Quỳnh Anh thuộc đội vợ chồng Hứa Minh Đạt - Lâm Vỹ Dạ.
Tôi hiểu khi con mình bị loại thì phụ huynh buồn, thất vọng nên luôn lựa lời giải thích "học tài thi phận" chứ chương trình không sắp xếp.
Phụ huynh đoán rồi tự khẳng định và chêm vào đầu con những suy nghĩ đó. Họ tranh cãi rồi người này đồn người kia. Cũng có khi huấn luyện viên giải thích không được phải nhờ đạo diễn chương trình ra nói, rất mệt.
Hầu hết các phụ huynh đều không nghĩ đây là sân chơi để con mình thể hiện tài năng, điểm mạnh của nó mà nhét vào đầu con suy nghĩ chương trình là cuộc thi, nếu được giải con sẽ là ngôi sao.
Điều này cũng khó trách, gameshow nào cũng chỉ hỗ trợ một khoản cố định cho việc tập tuồng. Muốn đầu tư cho tiết mục hay, đa số các phụ huynh đều chi thêm nên khi bị loại, họ dễ nảy sinh cảm xúc tiêu cực. Anh có nghĩ vậy không?
Đúng là như thế. Thời gian đầu, huấn luyện viên quản lý khoản chi đó, cân nhắc quyết định tiết mục này sẽ thuê cái gì, mua cái gì, đạo cụ và phụ diễn ra sao...
Nhưng một ngày tôi nhận đến gần 20 cuộc điện thoại chỉ để hỏi "Chú Đạt ơi, mẹ con muốn thế này có được không"? Hoặc "con muốn thuê bộ đồ này hết 200.000 đồng thì lấy tiền quỹ hay tiền của con"?
Cuối cùng tôi quyết định rót nguồn kinh phí đó về cho từng gia đình để họ tự cân đối. Tôi chỉ phụ trách về kịch bản, huấn luyện các con để diễn cho tốt, dàn dựng tiết mục cho hay. Còn muốn đầu tư như thế nào, đơn giản hay hoành tráng thì tự gia đình thí sinh quyết định.
Cảm ơn anh đã chia sẻ!