Trong "Thiên long bát bộ", Kiều Phong, Hư Trúc và Đoàn Dự là bộ ba huynh đệ mang trong mình tuyệt thế võ công cùng nội lực thượng thừa. Xét về hiệu quả chiến đấu của 3 người, Kiều Phong đương nhiên là mạnh nhất. Đoàn Dự không có ý định theo nghiệp võ nên trình độ võ công có lẽ sẽ trì trệ. Về phần Hư Trúc, đây chắc chắn là người sẽ thay thế vị trí của Kiều Phong để trở thành người có võ công cao cường nhất trong tâm trí người hâm mộ.
Kiều Phong, Hư Trúc và Đoàn Dự là bộ ba huynh đệ mang trong mình tuyệt thế võ công cùng nội lực thượng thừa. (Ảnh: Sohu)
Tuy nhiên, trên diễn đàn của trang Sohu, có ý kiến cho rằng tuy nội lực của Hư Trúc thâm hậu nhưng chàng vẫn không thể đọ nổi với Cưu Ma Trí. Chẳng lẽ Cưu Ma Trí lại mạnh hơn 3 vị trưởng lão của Tiêu Dao phái sao? Vì sao các học giả lại đưa ra nhận định như vậy?
1. Hư Trúc có nội lực vô song
Nhân vật Hư Trúc xuất hiện từ đầu vô cùng mờ nhạt, đây còn là một hòa thượng tầm thường, cả về võ công lẫn địa vị trong chùa Thiếu Lâm. Vậy mà trên chặng đường phiêu lưu của mình, những kỳ duyên liên tiếp đến với chàng, Hư Trúc đã trở thành nhân vật không chỉ có võ công thượng thừa, thuộc hạng nhất, nhì thiên hạ.
Hư Trúc may mắn nhận được công lực của 3 vị trưởng lão Tiêu Dao phái nên trở thành nhân vật có võ công nhất nhì thiên hạ. (Ảnh: Sohu)
Chính tác giả Kim Dung từng đưa ra nhận xét về võ công của Hư Trúc như sau: "Lúc này Hư Trúc đã là chân truyền của Thiên Sơn Đồng Lão, lại luyện được võ học thâm thúy trên bức thạch bích trong Linh Tựu Cung, võ công cao cường, đạt đến cảnh giới tùy tâm sở dục, chẳng thể gặp bất lợi." Từ đây, có thể thấy nhà văn cho rằng võ công của Hư Trúc bắt nguồn từ Tiêu Dao phái với chiêu thức tinh diệu. Hơn nữa, Thiên Sơn đồng lão đã truyền hết cho Hư Trúc những gì tinh túy nhất của môn phái như Thiên Sơn Lục Dương Chưởng và Thiên Sơn Triệt Mai Thủ. Hư Trúc còn được tiếp nhận nội công thâm hậu của Vô Nhai Tử, Thiên Sơn Đồng Lão và Lý Thu Thủy. Như vậy, võ công của Hư Trúc được xem như là một trong số cao thủ cao nhất trong Thiên long bát bộ.
2. Đại Luân Minh Vương Cưu Ma Trí
Cưu Ma Trí là Đại Luân Minh Vương, là hộ pháp quốc sư của Thổ Phiên, một trong "Thiên Long Tứ Tuyệt". Ông rất thành thạo cả về Phật giáo lẫn võ thuật. Võ công của Cưu Ma Trí cực cao, bình sinh tự ngạo, thông minh hơn người, đã gặp qua là không quên được. Si mê với võ học, cuồng nhiệt truy cầu chí cao võ công. Ông tinh thông tuyệt kỹ Hỏa Diễm Đao của Thổ Phiên, Tiểu Vô Tướng Công của Tiêu Dao phái, và Thiếu Lâm Thất Thập Nhị Huyền Công (dù chỉ là hình thức bên ngoài).
Cưu Ma Trí một mình đấu với 6 vị cao tăng nước Đại Lý chứng tỏ võ công không tầm thường. (Ảnh: Sohu)
So với Hư Trúc, quá trình tu luyện của Cưu Ma Trí không được miêu tả nhiều nhưng từ ngay khi xuất hiện, vị hộ pháp quốc sư này đã là một cao thủ trong giới. Lần đầu tiên Cưu Ma Trí xuất hiện là ở chùa Thiên Long tự nước Đại Lý, vị quốc sư Thổ Phồn đã gây cho người đọc một ấn tượng sâu sắc về bản lĩnh, khi một mình dám ngang nhiên đến chùa Thiên Long xin "mượn" kiếm phổ Lục mạch thần kiếm (bảo vật tổ truyền của Đoàn gia). Khi ông biết Đoàn Dự thuộc lòng kinh thư, Cưu Ma Trí đã một mình đấu với cả sáu vị cao tăng của Thiên Long tự và bắt cóc anh ta mang đi, đủ thấy võ công của ông ta không tầm thường.
Tại cuộc chiến ở Thiếu Thất Sơn, Cưu Ma Trí đã từng đấu với Hư Trúc, lúc này Hư Trúc đã có được nội lực thâm hậu của 3 vị trưởng lão Tiêu Dao phái nhưng chàng vẫn không hạ gục được Đại Luân Minh Vương. Sau đó, nhờ sự giúp sức kịp thời của 4 nhà sư Mai, Lan, Trúc, Cúc thì Cưu Ma Trí đã bị đẩy lùi.
Tại cuộc chiến ở Thiếu Thất Sơn, Cưu Ma Trí đã từng đấu với Hư Trúc. (Ảnh: Sohu)
Hư Trúc trong lúc đấu với Cưu Ma Trí đã bị thương, nếu tiếp tục đánh thì ông ta hẳn là gười chiếm thế thượng phong. Mặc dù ban đầu, Cưu Ma Trí không hề biết Hư Trúc có nội lực của 3 vị trưởng lão phái Tiêu Dao nên đã đánh giá thấp kẻ địch nhưng sau đó, ông ta vẫn có thể áp chế Hư Trúc bằng kinh nghiệm chiến đấu nhiều năm của mình. Xét cho cùng, trận đấu này có thể coi như là một thất bại của Hư Trúc trước Cưu Ma Trí.
3. Sự yếu thế của Hư Trúc trước Cưu Ma Trí
Trên thực tế, bạn có thể tìm được câu trả lời về sự yếu thế của Hư Trúc qua nhân vật Dương Quá của "Thần điêu hiệp lữ". Trong đoạn Dương Quá và Cừu Thiên Nhận (lúc này đã là Từ Ân đại sư) giao đấu với nhau, nhà văn Kim Dung đã nhấn mạnh rằng khi những cao thủ hàng đầu đối đầu với nhau, bên nào có vũ khí sẽ nắm lợi thế hơn.
Khi Dương Quá đấu với Cừu Thiên Nhận, nhà văn Kim Dung đã nhấn mạnh rằng bên nào có vũ khí sẽ nắm lợi thế hơn. (Ảnh: Sohu)
Nguyên văn của đoạn này như sau: "Lúc ấy hai người một kiếm song chưởng càng đấu càng dữ dội. Dương Quá chiếm lợi thế về binh khí. Từ Ân thì có hơn một cánh tay. Chỉ nghe rầm một tiếng, một tấm ván ở vách bay đi, rồi "rắc" một tiếng, một cây cột nhà bị gãy; ngôi nhà tranh vốn nhỏ, không thật vững chắc, quả không thể chứa nổi cuộc ác chiến giữa hai đại cao thủ. Lưỡi kiếm và chưởng phong tới đâu, ván vách bay loạn xạ, cuối cùng rầm một tiếng lớn, ngôi nhà tranh đổ sụp xuống."
Trong tình huống này, nếu Dương Quá không có binh khí có thể sẽ thua Cừu Thiên Nhận.
Về phần của Cưu Ma Trí, khi đấu với Hư Trúc ở Thiếu Thất Sơn, ông ta ngoài lưỡi đao trủy thủ còn có một vũ khí vô cùng lợi hại khác là Hỏa diễm đao.
Cưu Ma Trí có Hỏa diễm đao vô cùng lợi hại có thể thắng được Hư Trúc. (Ảnh: Sohu)
Nhà văn Kim Dung từng nhấn mạnh rằng Hỏa diễm đao là một môn võ có thể biến khí thành hình. Thậm chí, ông còn nêu rõ: "Lục mạch thần kiếm, Hỏa diễm đao và Nhất chỉ kim cương pháp… đều tập trung nội lực và biến chúng thành những thanh kiếm vô hình có thể làm tổn thương con người."
Hỏa diễm đao của Cưu Ma Trí cũng tương tự như Lục mạch thần kiếm của Đoàn Dự. Môn võ công này khi phát ra đao khí mang theo khí thế hỏa diễm cực nóng, uy lực cực mạnh. Như vậy, dù Hư Trúc có sức mạnh ngang ngửa với Cưu Ma Trí nhưng lẽ thường bên có vũ khí sẽ chiếm thế thượng phong. Đây cũng là sự yếu thế của Hư Trúc và là yếu tố quan trọng giúp Cưu Ma Trí chiến thắng đối thủ.