Hộp sọ "Người rồng" được phát hiện ở Trung Quốc có thể là một loài linh trưởng mới, có họ hàng gần với chúng ta hơn cả người Neanderthals

Đức Khương |

Hóa thạch hộp sọ này có thể là đại diện của một loài Homo mới sống cách đây hơn 146.000 năm.

Một hộp sọ hóa thạch có biệt danh "Dragon Man - Người rồng" đã xuất hiện ở Trung Quốc trong những hoàn cảnh bí ẩn. Các nhà nghiên cứu cho biết, Dragon Man thuộc về một loài thời kỳ đồ đá chưa được công nhận trước đây, và rất có thể loài này sẽ thay thế người Neanderthals và trở thành họ hàng gần nhất được biết đến của con người ngày nay.

Đây là hộp sọ của một nam giới được bảo quản trong tình trạng gần như hoàn chỉnh, nó xuất hiện trong Bảo tàng Khoa học Địa chất của Đại học Hà Bắc GEO ở Thạch Gia Trang, Trung Quốc, đại diện cho một loài Homo longi được nhà cổ sinh vật học Hà Bắc GEO Xijun Ni và các đồng nghiệp của ông phân tích.

Hộp sọ Người rồng được phát hiện ở Trung Quốc có thể là một loài linh trưởng mới, có họ hàng gần với chúng ta hơn cả người Neanderthals - Ảnh 1.

Các nhà khoa học mô tả hộp sọ này có niên đại ít nhất 146.000 năm trước, và phân tích vị trí của nó trong quá trình tiến hóa của Người Homo trong ba bài báo đăng ngày 25 tháng 6 trên tạp chí The Innovation.

Gần 90 năm trước, những người lính Nhật Bản chiếm đóng miền bắc Trung Quốc đã buộc một người đàn ông Trung Quốc giúp xây dựng một cây cầu bắc qua sông Tùng Hoa ở Cáp Nhĩ Tân. Trong quá trình đó, anh ta đã tìm thấy một kho báu - một hộp sọ người hoàn chỉnh được chôn ở bờ sông. Anh ta sau đó đã bọc hộp sọ này lại và giấu nó trong một cái giếng để ngăn những người lính Nhật Bản tìm thấy nó. Ngày nay, hộp sọ cuối cùng cũng đã được đưa ra ánh sáng và nó có một cái tên mới: Dragon Man, có thể sẽ là thành viên mới nhất của gia đình loài người, sống cách đây hơn 146.000 năm.

Qiang Ji, một nhà cổ sinh vật học cũng tại Hebei GEO, đã nhận được hộp sọ này vào năm 2018 từ một người nông dân, anh ta cho biết hóa thạch này được phát hiện bởi ông nội của đồng nghiệp anh ta vào năm 1933 trong quá trình xây dựng cây cầu bắc qua một con sông ở Cáp Nhĩ Tân, Trung Quốc. Người công nhân này bị cho là đã múc được chiếc hộp sọ ra khỏi lớp trầm tích sông. Nhưng cho dù câu chuyện đó có thật hay không, hóa thạch này vẫn có thể giúp chúng ta trả lời các câu hỏi về một giai đoạn tiến hóa của loài người còn ít được hiểu biết.

Ji nói: "Hộp sọ Người rồng thể hiện sự kết hợp của các đặc điểm tạo nên sự khác biệt với các loài Homo khác. Tên Homo longi (H. longi) bắt nguồn từ một thuật ngữ trong tiếng Trung Quốc, đại diện cho tỉnh nơi nó được tìm thấy, có nghĩa là 'dragon river'. Thuật ngữ đó đã truyền cảm hứng cho biệt danh Dragon Man".

Hộp sọ Người rồng được phát hiện ở Trung Quốc có thể là một loài linh trưởng mới, có họ hàng gần với chúng ta hơn cả người Neanderthals - Ảnh 2.

Các nhà khoa học cho biết một hộp sọ từ đông bắc Trung Quốc có biệt danh là “Người rồng” (ngoài cùng bên phải) đến từ một loài Homo mới đã góp phần vào quá trình tiến hóa của loài người ít nhất 146.000 năm trước. Trong ảnh bao gồm các hộp sọ người Homo tại Trung Quốc khác từ khoảng thời gian đó hoặc trước đó, bao gồm cả Người Bắc Kinh (ngoài cùng bên trái).

Giống như ở Homo sapiens, hộp sọ của loài mới này cũng chứa một bộ não lớn nằm trên cùng một khuôn mặt tương đối ngắn và xương má nhỏ. Nhưng những đặc điểm như bộ não dài, thấp, gờ chân mày dày, răng hàm lớn và hốc mắt gần như vuông gợi lại một số đặc điểm của quần thể hoặc loài Homo đã tuyệt chủng, bao gồm cả người Neanderthals và H. heidelbergensis. Những loài này có niên đại vào thời kỳ quan trọng của quá trình tiến hóa Homo được gọi là kỷ Pleistocen giữa, kéo dài từ khoảng 789.000 đến 130.000 năm trước.

Các phép đo về sự phân hủy của uranium phóng xạ trong hộp sọ Người rồng đã đưa ra ước tính tuổi tối thiểu của nó là 146.000 năm. Các phân tích hóa học về hóa thạch và trầm tích vẫn còn bám trên mẫu vật hộp sọ cho thấy nguồn gốc của loài mới này xuất hiện ở khu vực Cáp Nhĩ Tân.

Các nhà nghiên cứu ước tính tình trạng tiến hóa của Người rồng bằng cách so sánh thống kê với các hóa thạch Người Homo trong kỷ Pleistocen giữa đến từ Châu Phi, Châu Á và Châu Âu. Những so sánh này chỉ ra rằng H. longi có chung tổ tiên với H. sapiens - vào khoảng 949.000 năm trước, trong khi tổ tiên chung của người Neanderthals và H. sapiens có niên đại là hơn 1 triệu năm. Nếu đúng như vậy thì H. longi có mối quan hệ tiến hóa gần gũi với H. sapiens hơn khi so với người Neanderthals.

Nhóm của Xijun Ni kết luận rằng H. longi là một loài sinh sống cùng thời với các dòng H. sapiens, người Neanderthals và Denisovan ở Châu Á. Các nhà nghiên cứu cho biết hộp sọ Người rồng gần giống với một số hóa thạch Người Homo từ các địa điểm khác của Trung Quốc, trong đó một số phát hiện được coi là của người Denisovan.

Hộp sọ Người rồng được phát hiện ở Trung Quốc có thể là một loài linh trưởng mới, có họ hàng gần với chúng ta hơn cả người Neanderthals - Ảnh 3.

Tái tạo hình ảnh của một nam giới trưởng thành thuộc loài mới này, dựa trên một hộp sọ hóa thạch gần như hoàn chỉnh, sống cách đây ít nhất 146.000 năm ở miền bắc Trung Quốc ngày nay.

Trên thực tế, quá trình nghiên cứu chưa dừng lại ở đó, mẫu hóa thạch hộp sọ này sẽ được thực hiện chiết xuất DNA và xác định cấu trúc protein để so sánh với Người Denisova, Chris Stringer, một nhà nghiên cứu tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở London và một thành viên của nhóm Ni cho biết.

Các phân tích về sự phân bố địa lý của các đặc điểm trên bộ xương khác nhau trong hóa thạch Người Homo giữa kỷ Pleistocen cho thấy rằng các nhóm tương đối nhỏ từ các loài và quần thể khác nhau đã di chuyển xung quanh Châu Phi, Châu Á và Châu Âu, đôi khi các quần thể này cũng giao phối chéo với nhau.

Nhóm của Ni nghi ngờ rằng các nhóm sống ở các khu vực phía nam, nơi họ có thể sống sót trong thời kỳ cực kỳ lạnh giá, đã mạo hiểm đi xa hơn và tiến lên phía bắc khi nhiệt độ ấm lên. Các nhà điều tra cho biết các chuyến đi này được thực hiện qua lại khắp các lục địa, thường xuyên nhất là từ Châu Phi đến Châu Á. Họ nghi ngờ một số nhóm đã chết trên đường đi, trong khi những nhóm khác đã truyền lại gen và các đặc điểm của bộ xương cho thế hệ sau trong quá trình tiến hóa.

Nhà cổ nhân học Katerina Harvati thuộc Đại học Eberhard Karls của Tübingen ở Đức, người không tham gia vào nghiên cứu này cho biết viễn cảnh đó có vẻ có khả năng xảy ra, đặc biệt là với sự pha trộn đáng ngạc nhiên của các đặc điểm trên hộp sọ Người rồng.

Nhà cổ sinh vật học Sheela Athreya thuộc Đại học Texas A&M ở College Station cho biết, các nhóm người cổ đại thường xuyên đi qua miền bắc Trung Quốc khi nhiệt độ ấm lên dao động sau khoảng 300.000 năm trước. Nhưng bà lập luận rằng hộp sọ Người rồng trông giống như một số hóa thạch Người Homo trong thời kỳ Pleistocen giữa ở miền bắc Trung Quốc và không nên được xếp vào loại mới.

Các nhóm Homo cổ đại đã di chuyển và phát triển các đặc điểm độc đáo trong thời gian bị cô lập và chia sẻ các đặc điểm đó trong thời gian tiếp xúc và giao phối chéo với các quần thể khác, Sheela Athreya đề xuất. Các mối liên hệ không liên tục trên các khu vực rộng lớn đã tạo ra các quần thể có quan hệ gần gũi với nhau, thừa hưởng các bộ đặc điểm khác nhau. Athreya cho biết, hộp sọ Người rồng và các hóa thạch mới được mô tả của Israel, chỉ được phân loại là Nesher Ramla Homo chứ không thể tách biệt thành một loài hoàn toàn mới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại