Các nhà khảo cổ nghi ngờ, bệnh nhân có thể bị nhiễm trùng tai giữa cấp tính hai bên, gây đau tai và sốt. Nếu không được điều trị, dịch có thể tụ lại phía sau màng nhĩ, gây ra một khối u trong hộp sọ, khiến thính lực bị suy giảm hoặc thậm chí là tình trạng viêm màng ngoài não đe dọa tính mạng.
Việc phẫu thuật tai ngày nay là một thủ thuật phổ biến, nhưng vào giữa thế kỷ 19, việc phẫu thuật tai chỉ được thực hiện trong những nỗ lực tuyệt vọng để cứu sống người bệnh. Mặc dù một số tác phẩm cổ đã giải thích, gợi ý về một vài biện pháp can thiệp phẫu thuật từ thế kỷ thứ nhất, nhưng vẫn chưa có bằng chứng chắc chắn.
Khám phá từ hộp sọ cổ này cho thấy, những quy trình tương tự thậm chí có thể đã được thực hiện từ hàng nghìn năm trước đó.
Hình ảnh mặt trước và mặt bên của hộp sọ. (Ảnh: Science Alert)
Hộp sọ trong trường hợp này được tìm thấy tại một khu chôn cất được gọi là Dolmen of El Pendónis, được sử dụng làm nơi chôn cất vào thiên niên kỷ thứ tư trước Công nguyên. Những người quản lý khu chôn cất dường như đã cố tình tách đầu, tay chân và xương chậu của hàng chục xác chết theo một nghi lễ.
Hộp sọ này thuộc về một người phụ nữ, nhưng vì không có răng hoặc những chi khác nên các nhà khảo cổ khó có thể xác định được tuổi của phụ nữ này.
Dựa trên việc bộ xương không có răng và sự hợp nhất của xương sọ, các nhà nghiên cứu cho rằng, người phụ nữ có thể khoảng từ 35 đến 50 tuổi, độ tuổi được coi là sống thọ vào thời điểm lúc bấy giờ.
Ngoài ra, còn có bằng chứng rằng người phụ nữ đã trải qua một số cuộc phẫu thuật tai. Tình trạng nhiễm trùng tai này dường như là khá nặng, vì nếu không có thuốc gây mê, các nhà nghiên cứu dự đoán rằng ca phẫu thuật tai thời tiền sử sẽ gây đau đớn không thể chịu đựng được.
Để khoan qua hộp sọ phía sau tai, người phụ nữ cần phải được giữ và ghì chặt, hoặc sử dụng một chất có thể khiến bệnh nhân mất một phần ý thức của mình.
Hình ảnh scan xương xung quanh tai phải (a) và tai trái (b). (Ảnh: Science Alert)
Tuy nhiên, cuộc phẫu thuật dường như đã thành công. Phần xương gần cả hai tai của hộp sọ có dấu hiệu xấu đi, xác nhận có bị nhiễm trùng ở một thời điểm nào đó, nhưng chúng cũng không có dấu hiệu nhiễm trùng vào thời điểm qua đời. Trên thực tế, có sự tái tạo và liền xương rõ ràng, đây là một phần phổ biến của quá trình chữa bệnh.
Trong khi cả hai tai có khả năng cần phải phẫu thuật, chỉ có tai bên trái của hộp sọ có dấu vết dao cắt hình chữ V. Thực tế là những vết này bị mất ở phía tai bên phải, cho thấy những vết thương này đã lành khi người phụ nữ chết.
Các tác giả viết: "Dựa trên sự khác biệt trong quá trình tái tạo xương giữa hai bên thái dương, có vẻ như việc phẫu thuật này được tiến hành lần đầu tiên trên tai phải, do một bệnh lý tai đủ đáng báo động cần can thiệp, mà người phụ nữ tiền sử này đã sống sót.
Sau đó, tai trái được can thiệp. Tuy nhiên, không thể xác định liệu cả hai vụ can thiệp này đã được thực hiện liên tục hay cách nhau vài tháng, thậm chí nhiều năm. Theo đó, đây là bằng chứng được ghi nhận sớm nhất về một ca phẫu thuật trên cả hai xương thái dương. Và do đó, rất có thể đây là ca phẫu thuật cắt xương chũm triệt để đầu tiên được biết đến trong lịch sử loài người".