Tối qua (4/8), đêm nhạc Music n' More số 7: Chờ em đến đã diễn ra tại nhà hát Galaxy Hà Nội, với sự tham gia của hai ca sĩ gạo cội trong làng nhạc Việt thập niên 90 là Hồng Nhung và Lam Trường.
Tại đây, hai ca sĩ đã cống hiến cho khán giả những tiết mục đầy mê đắm và chia sẻ những tâm sự chân thành của họ về cuộc sống.
Hồng Nhung lần đầu tâm sự về nỗi buồn sau khi ly hôn
Hồng Nhung sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, lại thấm đẫm chất văn thơ của giới trí thức Bắc Hà, nên từ tâm hồn, cốt cách tới giọng nói đều in đậm sự thanh lịch, chuẩn mực của người con gái đất kinh thành.
Tuy nhiên, cô lại sớm xa thủ đô để vào Sài Gòn lập nghiệp. Bởi vậy, mỗi lần về hát tại Hà Nội, cảm xúc trong Hồng Nhung luôn ngập tràn và đong đầy những suy tư, nhớ nhung.
Lần này cũng vậy, cô mở màn đêm nhạc bằng bộ ba ca khúc về Hà Nội, từ bất hủ tới nhạc trẻ như Nhớ mùa thu Hà Nội, Phố à phố ơi và Phố cổ để thỏa nỗi nhớ nhà.
Hồng Nhung hát Nhớ mùa thu Hà Nội
Mỗi ca khúc đều có một sắc thái khác nhau, nhưng Hồng Nhung vẫn thể hiện được trọn vẹn, từ cái da diết, tình tứ của Nhớ mùa thu Hà Nội tới lời ru ngọt lịm, đẫm màu kí ức trong Phố à phố ơi, hay điệu hồn trẻ trung, sôi động, ngập tràn sức sống trong Phố cổ.
Qua tiếng hát Hồng Nhung, Hà Nội hiện lên thật đủ đầy và sinh động, từ những mái ngói rêu phong cổ kính, hương hoa sữa thanh khiết trong làn gió thu mát rượi, tới những con phố tấp nập, rộn ràng. Cách cô hát tròn vành và đưa đẩy câu chữ thật tinh tế và đầy xúc cảm.
Hống Nhung hát Phố à phố ơi! Bống à bống ơi!
Hồng Nhung lúc nào cũng hát về Hà Nội với tâm thế vui tươi, căng tràn sức sống, nhưng lần này, cô mang theo cả một nỗi tâm sự. Cô nói:
"Phố phường Hà Nội đẹp lắm. Nhưng tại sao anh Trịnh Công Sơn lại viết là "Nhớ đến một người để nhớ mọi người"? Vì nếu không có người thì cũng không có phố, không có Hà Nội. Hà Nội đẹp hay không là nhờ con người.
Mỗi lần con tôi ra đường có ai bảo "Bé Tây", hai cháu đều nói lại: "Tây đâu mà Tây! Cháu là người Việt Nam, là người Hà Nội". Đấy! Đến trẻ nhỏ còn nghĩ được vậy, thì sao mình lại không yêu Hà Nội, nơi mình sinh ra và lớn lên cho được.
Tôi yêu Hà Nội lắm, nên luôn về đây để có người thân, gia đình, bạn bè và hàng xóm bên cạnh. Cảm giác rất thân thuộc.
Những lúc gặp khó khăn, bế tắc, buồn phiền trong cuộc sống như bây giờ, tôi đều tìm về Hà Nội để trải lòng, để được ôm ấp, chở che. Từ đó, tôi học cách sống tiếp, để tìm hạnh phúc mới. Đây chính là tâm trạng, tâm sự và câu chuyện thật của tôi lúc này".
Hồng Nhung hát Phố cổ
Trong lời kể của Hồng Nhung có sự run rẩy và bồi hồi. Khán giả cảm nhận được nỗi buồn trong cô, khi cô vừa trải qua một cuộc hôn nhân tan vỡ. Đây cũng là lần đầu tiên cô chia sẻ về nỗi buồn này trước công chúng.
Tuy nhiên, Hồng Nhung vẫn vui vẻ kể thêm:
"Chiều nay, tôi ra tận Ô Quan Chưởng để ăn nộm sứa đỏ và uống cà phê thật đặc. Tôi muốn sống như một người Hà Nội để quên đi nỗi buồn".
Hồng Nhung: "20 năm qua, tôi vẫn nhớ và chờ Lam Trường"
Nếu ở Hồng Nhung là sự sâu lắng, trải nghiệm thì Lam Trường lại đem đến cho khán giả không khí vô cùng sôi động, với những ca khúc bất hủ đã gắn liền với thế hệ 8X, 9X như Mưa phi trường, Tình thôi xót xa, Trái tim bên lề…
Lam Trường hát Mưa phi trường
Những ca khúc này đem lại cho người nghe tâm trạng bồi hồi, như được ùa lại tuổi thanh xuân của mình.
Đặc biệt, anh còn khuấy động sân khấu bằng một liên khúc nhạc Techno theo đúng không khí thập niên 90, khiến ai cũng say mê nhảy và hát theo.
Lam Trường hát liên khúc Tình phai
Điều đặc biệt nhất trong đêm nhạc này là Hồng Nhung và Lam Trường đã cùng song ca lại với nhau ca khúc Tình yêu tôi hát - bài hit của họ cách đây gần 20 năm.
Trên sân khấu, mọi kỉ niệm giữa hai ca sĩ chợt ùa về, khiến cả hai đều bồi hồi. Hồng Nhung còn nói:
"Cách đây 20 năm, khi chúng tôi thu âm chung ca khúc này, tôi đã rất thích và ngưỡng mộ Lam Trường vì bạn ấy vừa đẹp trai, lại vừa tài năng.
Hồi đó, tôi cứ đợi Lam Trường thổ lộ với mình, nhưng mãi chẳng thấy nói gì. Bây giờ , Lam Trường đã có gia đình hạnh phúc và là người chồng, người bố tốt. Nhưng hai mươi năm qua, tôi vẫn nhớ và chờ Lam Trường".
Hồng Nhung và Lam Trường song ca Tình yêu tôi hát
Đáp lại tình cảm của Hồng Nhung, Lam Trường cũng tâm sự:
"Đến giờ Hồng Nhung vẫn còn rất đẹp, và tôi thích cái đẹp của Hồng Nhung bây giờ hơn. Còn ngày xưa, tôi ngại nên không dám thổ lộ. Thôi thì bây giờ cũng muốn thổ lộ".
Lam Trường hát Tình thôi xót xa
Nghe vậy, Hồng Nhung vội mắng:
"Ngày xưa không thổ lộ, bây giờ còn thổ lộ làm gì nữa. Giờ thì tôi và Lam Trường chỉ yêu nhau trong âm nhạc được thôi chứ làm sao yêu nhau ngoài đời thực được".
Cả Lam Trường và Hồng Nhung đều nổi bật hơn những ca sĩ khác ở khả năng giao lưu với khán giả. Họ hát, diễn và trò chuyện một cách rất thoải mái, tự nhiên, đúng chất bản lĩnh của những người nghệ sĩ lớn.
Trong đêm nhạc này, cả hai đều xuống tận khán đài để hát và khuấy động không khí, tạo hưng phấn cho người xem.
Hồng Nhung khiến khán giả choáng ngợp thốt lên: "Đúng là diva"
Dù đã gần 50 tuổi, nhưng Hồng Nhung vẫn giữ được giọng hát nội lực và đặc biệt của mình. Những kĩ thuật cô thể hiện trên sân khấu vẫn rất phong phú, đa dạng, khiến khán giả không khỏi choáng ngợp.
Hồng Nhung là ca sĩ duy nhất ở Việt Nam sở hữu loại giọng Dugazon soprano – loại giọng đặc biệt mang âm sắc của cả nữ trung và nữ cao. Và dù đã có tuổi, nhưng cô vẫn giữ được chất giọng đặc biệt này.
Hồng Nhung có thể hát quãng trung rất dày, chắc, nặng và tối như một mezzo alto (nữ trung trầm).
Chẳng hạn, trong bài Tình yêu tôi hát, cô belt giọng xuống tận C4 với âm sắc như một giọng nam, rất tối, dày và nam tính. Ở các ca khúc khác, cô cũng thường nhả chữ và hát xuống tận F4, E4.
Vậy nhưng, Hồng Nhung lại có thể làm sáng giọng với âm sắc mảnh, nhẹ và bay bổng như một nữ cao light lirico soprano. Chẳng hạn, trong ca khúc Phố à phố ơi, cô chuyển giọng sang giả thanh ở quãng thấp B4, C5 rất mượt mà, sáng đẹp.
Head voice của Hồng Nhung rất phát triển. Trong các ca khúc như Ru em từng ngón xuân nồng, Cho em một ngày… cô phiêu legato từ C5 tới B5 rất điêu luyện, đẹp, sáng và vang.
Hồng Nhung sử dụng head voice trên nhiều sắc thái khác nhau, lúc đầy đặn, lúc lại thanh mảnh, lúc âm mở, lúc âm đóng.
Cô có thể nhả pianssimo trên head voice nhỏ li ti, nghe rất êm, mịm màng, nhưng sau đó lại vuốt được ở tốc độ nhanh, staccato linh hoạt như trong ca khúc Cho em một ngày. Điều này cho thấy, khả năng điều khiển âm lượng của cô rất tốt.
Hồng Nhung hát Cho em một ngày
A4 chính là nốt sở trường của Hồng Nhung, và được cô sử dụng ở hầu khắp các bài hát trong đêm nhạc này, với nội lực rất lớn, độ dày cao, âm lượng khủng và độ vang bao trùm. Cứ mỗi lần Hồng Nhun tung A4 ra, cô đều áp đảo tất cả.
Ở A4, Hồng Nhung điều khiển được rất nhiều sắc thái giọng khác nhau. Chẳng hạn, trong ca khúc Một mình, chữ "gió" và chữ "mưa" nằm liền kề nhau, cùng trên A4 nhưng lại khác nhau hoàn toàn.
Nếu "nhớ" sử dụng bạch thanh sáng hơn thì "mưa" lại cộng minh dày cộp, âm lượng lớn, tỏa khắp khán phòng.
Hồng Nhung hát Một mình
Cũng trên A4, Hồng Nhung thực hiện được sở trường kinh điển của mình là những cú belt giọng dài gần 20 giây như trong đoạn đầu ca khúc Cho em một ngày hay đoạn cuối ca khúc Ru em từng ngón xuân nồng.
Hồng Nhung hát Ru em từng ngón xuân nồng
Những cú long note này rất chắc chắn, nội lực, vang dội, thể hiện một cột hơi vững chãi và áp đảo tới tận giây cuối cùng, khiến khán giả nghe xong phải thốt lên: "Đúng là diva".