Nhóm người nói trên là thành viên Demosisto, đảng chính do các thủ lĩnh sinh viên Hồng Kông lập ra gần đây. Những người bị bắt bao gồm thủ lĩnh của đảng là Joshua Wong (Hoàng Chi Phong).
5 nhà hoạt động sinh viên này bị cáo buộc chạy vào đường cao tốc nơi đoàn xe hộ tống của ông Trương sắp đi qua. Họ mang theo cả biểu ngữ ghi dòng chữ “Tự Quyết”.
Các đoạn video và hình ảnh do Demosisto đăng tải cho thấy Hoàng Chi Phong và 4 thành viên còn lại bị cảnh sát giao thông truy đuổi, sau đó bị bắt giữ.
Ảnh: DEMOSISTO
Ông Trương trở về Trung Quốc hôm 19-5. Ông là lãnh đạo cấp cao nhất của Trung Quốc thăm Hồng Kông từ khi nổ ra cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ vào năm 2014. Mục đích chính chuyến thăm là tham dự hội nghị kinh tế “Một vành đai, một con đường” tổ chức ngày 18-5.
Chuyến thăm lần này của ông Trương bị các nhà hoạt động Hồng Kông phản đối bởi họ cáo buộc Bắc Kinh đang can thiệp vào công việc nội bộ của hòn đảo.
Trong một phát biểu trước khi về nước, ông Trương cảnh báo các cuộc đàm phán đòi quyền tự quyết và Hồng Kông độc lập sẽ không thành công.
“Hồng Kông sẽ mục nát nếu từ bỏ quy tắc ‘Một quốc gia, hai chế độ” – ông Trương nhấn mạnh, đồng thời cho biết thêm vùng lãnh thổ này sẽ bị ảnh hưởng nếu trở nên "hỗn loạn".
Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc Trương Đức Giang. Ảnh: EPA
Không chỉ tầng lớp thanh thiếu niên và sinh viên Hồng Kông phản đối sự can thiệp của Trung Quốc, các nhóm bản địa cũng lo ngại bản sắc của thành phố đang bị “pha loãng bởi ảnh hưởng xã hội và chính trị từ đại lục”.
Hồng Kông trước đây là thuộc địa của Anh, sau trao lại cho Trung Quốc vào năm 1997. Đi kèm thỏa thuận này là điều kiện Hồng Kông phải được hưởng quyền tự trị ở “mức độ cao”, bao gồm quyền tự do hội họp và tự do ngôn luận.
Bắc Kinh đã hứa trao cho Hồng Kông quyền bầu cử trực tiếp vào năm 2017 nhưng với điều kiện đặc khu trưởng phải được bầu chọn từ danh sách 2-3 ứng cử viên do một ủy ban thân Bắc Kinh đề xuất. Chính quyết định này làm bùng phát cuộc "Cách mạng Dù" và phong trào "Chiếm Trung Hoàn" vào năm 2014.