Có lẽ, trong mắt đồng nghiệp và những người anh chị em làm nghề, mỗi khi nhắc đến Hồng Ánh thì người ta lại vô tình nghĩ đến màu xanh dương, màu của hy vọng.Vì Hồng Ánh bằng cách này hay cách khác, luôn là người truyền lửa, người mang lại hy vọng cho những dự án hay thậm chí là những số phận đang cùng đường, lạc lối. Và ấn tượng về cô trong mắt người đối diện luôn gắn liền với những sắc xanh dịu dàng, sâu lắng.
Đỡ đầu cho phim tài liệu về người chuyển giới Đi Tìm Phong của đạo diễn Nguyễn Phương Thảo gây xôn xao gần đây, Hồng Ánh là người đồng hành phát hành phim ra rạp, giống như những gì cô đã làm với phim tài liệu Chuyến Đi Cuối Cùng Của Chị Phụng cách đây 4 năm. Thì ai cũng biết Ánh là dân phim ảnh. Nhưng khi trò chuyện với nhóm nghệ sĩ trẻ của dự án Vẽ về hát bội, cũng thấy Ánh đứng đằng sau, vẫn là một người giúp đỡ nhiệt thành.
Đem chuyện này hỏi Hồng Ánh thì mắt cô sáng rực lên. Hóa ra Ánh mê hát bội từ nhỏ. Lúc đi Nhật, thấy nước người ta diễn kịch Noh trong các nhà hát hiện đại, biến thành một phần hấp dẫn của các tour du lịch. Rồi người ta mang trang phục biểu diễn, tranh ảnh, các loại mặt nạ kịch Noh ra để triển lãm trong các nhà hát… Ánh xuýt xoa ước ao hát bội của nhà mình-hay và đẹp không kém gì kịch Noh nhà người ta cũng được làm mới, được diễn hàng đêm, không chỉ trong nhà hát mà tung hoành khắp các điểm hút khách du lịch.
Sắc xanh luôn gắn liền với hình ảnh của Hồng Ánh.
Vốn đã sẵn tình yêu với hát bội, nên khi nhóm Vẽ về hát bội đến tìm thì Ánh nhận lời ngay để kết nối họ với những nghệ sĩ đồng cảm và có thực lực, góp phần tạo nên một triển lãm hoành tráng của những nghệ sĩ trẻ.
Hóa ra bên cạnh những dự án phim ảnh sôi nổi, từ lâu Ánh vẫn có những hoạt động cộng đồng không nhiều người biết. "Dải băng đỏ" là một trong số đó. Dải Băng Đỏ (The red ribbon) là một dự án toàn cầu nhằm phát triển ý thức cộng đồng về HIV, chống kỳ thị với người có HIV. Nó được khởi phát từ năm 1991 với 12 nghệ sĩ tại Hoa Kỳ và đã lan rộng ra toàn thế giới. Ở Việt Nam, phong trào này hoạt động khá hiệu quả trong cộng đồng LGBT, người có HIV và mang lại những thay đổi tích cực trong ý thức xã hội trong vài năm nay.
Năm 2011, Ánh hỗ trợ "Tiệc phim trực tuyến Yxineff", cuộc chơi một thời cực kỳ đình đám của những bộ phim ngắn cực kỳ chất lượng. Hồng Ánh còn tài trợ Tủ sách điện ảnh của đạo diễn Việt Linh. Sản xuất chùm 4 phim tuyên truyền về an toàn giao thông mang tên "89.600km+…"
Gần nhất, với hai bộ phim tài liệu Chuyến Đi Cuối Cùng Của Chị Phụng và Đi Tìm Phong cùng với bộ phim truyện đầu tay mà cô làm đạo diễn Đảo Của Dân Ngụ Cư, Hồng Ánh ngày càng khẳng định ở cô bền bỉ cái chất của người nghệ sĩ-trí thức, hồn nhiên trong những tính toán nhưng say mê, quyết liệt trong cả cách sống lẫn làm nghề.
Gặp gỡ Hồng Ánh, người viết bài và chị đã có nhanh một cuộc nói chuyện. Ngắn thôi, nhưng cũng là chỗ để chị bộc bạch thật nhiều.
Hồng Ánh hay phải vào vai những phụ nữ nghèo, nhọc nhằn, có số phận vất vả. Tuy nhiên chị lại thích lái xe phân khối lớn, lái xe vượt địa hình, còn hồi sinh viên lại từng làm thủ lĩnh CLB Vespa cổ và chuyên sơn móng tay đen. Tôi rất thú vị khi phát hiện ra điều này đấy. Tôi cứ nghĩ chị rất cổ điển cơ.
Tôi là người cực đoan, và là con người có nhiều thái cực. Ở một cực, tôi là người tình cảm, thậm chí hay thương cảm lắm. Tôi hay mủi lòng, thích sự vui vẻ và yêu quý những điều giản dị xung quanh cuộc sống của mình.
Ở một cực khác, tôi bất cần, ngang bướng và đôi khi hơi ngỗ nghịch nữa, thích khám phá, trải nghiệm những vùng đất mới, những con người mới và cảm xúc mới, rất sợ sự nhàm chán. Có lẽ các đạo diễn chỉ nhìn thấy cái "cực" dễ nhìn của tôi do ngoại hình cha mẹ cho, cộng với từ vai diễn đầu tiên với điện ảnh tôi đã được mời "mở hàng" dạng vai ở cực thứ nhất rồi, nên theo công thức an toàn nhà sản xuất và đạo diễn thường dành cho tôi những vai diễn nội tâm, day dứt và giàu tình cảm. Còn cái "cực" kia đành "phát tiết" ra ngoài qua việc lái xe, đi du lịch bụi hay chơi xe Vespa cổ (cười).
Hành trình đưa phim tài liệu ra rạp có lẽ có rất nhiều điều mới mẻ. Chị chia sẻ với người đọc một chút nhé?
Lần đầu xem Chuyến Đi Cuối Cùng Của Chị Phụng và Đi Tìm Phong, tôi ngạc nhiên khi những phim tài liệu Việt hay, giành nhiều giải thưởng quốc tế mà lại không có nhà phát hành Việt Nam nào giới thiệu. Đạo diễn Nguyễn Thị Thắm và đạo diễn Phương Thảo đã gặp tôi chia sẻ những nỗi buồn đó, mà nó cũng là của tôi nữa dù tôi không "mang nặng đẻ đau" như các bạn.
Thắm và Thảo mong mỏi được giới thiệu Chuyến Đi Cuối Cùng Của Chị Phụng và Đi Tìm Phong một cách chỉn chu, đàng hoàng, danh chính ngôn thuận để nhiều người xem hơn. Tôi đồng ý ngay dù biết tại thời điểm Chuyến Đi Cuối Cùng Của Chị Phụng tôi cũng không biết mình phải bắt đầu những gì nữa. Kể cũng phải nói là liều!
Lúc đó tôi gõ cửa khắp nơi, xin nhiều buổi nói chuyện cùng các nhà phát hành nhưng họ cũng không tự tin để nhận phát hành phim tài liệu. Bên cạnh đó cũng là nhiều khó khăn về mặt khách quan vì lịch chiếu các rạp đã dày kín. Thế nên tôi tự làm, tự phát hành độc lập, thuê những điểm chiếu nhỏ lẻ, tổ chức bán vé trước qua mạng xã hội, viết nhiều chia sẻ trên mạng xã hội, năn nỉ các anh chị nghệ sĩ uy tín là KOLs chia sẻ về phim... Nhiều lắm…
Thật bất ngờ, cả hai suất chiếu độc lập, khán phòng kín chật khán giả. Và cứ thế khán giả tự làm người truyền thông cho phim thông qua mạng xã hội. Mạng xã hội là công cụ hữu hiệu và tiết kiệm nhất cho hình thức này. Và trước hết phải là chính chất lượng của bộ phim đã thuyết phục khán giả tự làm những điều đó. Chuyến Đi Cuối Cùng Của Chị Phụng chân thật, xúc động và chính sự hấp dẫn khi kể câu chuyện hiện thực của nó đã làm nên những hiệu ứng như bạn đã thấy.
Cho đến Đi Tìm Phong thì đã có các nhà phát hành chuyên nghiệp nối dài cánh tay cho phim tài liệu rồi đó.
tôi tự làm, tự phát hành độc lập, thuê những điểm chiếu nhỏ lẻ, tổ chức bán vé trước qua mạng xã hội, viết nhiều chia sẻ trên mạng xã hội, năn nỉ các anh chị nghệ sĩ uy tín là KOLs chia sẻ về phim...
Phần đông khán giả Việt Nam vẫn chưa có thói quen đi mua vé xem phim tài liệu. Tại sao chị chọn con đường khó đi quá thế?
Những con đường dễ đi đã có người đi rồi (cười). Tôi nghĩ mọi người thường quan tâm đến những bộ phim lớn, thế nên những câu chuyện nhỏ nhắn các bạn lại nghĩ đến tôi. Tôi thiên về cái đẹp giản dị, về những câu chuyện của những con người bé nhỏ xung quanh. Phim tài liệu cho tôi điều đó và tôi muốn mang niềm vui đó cho nhiều nhóm khán giả hơn.
Tôi cảm thấy những năm gần đây chị hoạt động với vai trò một nghệ sĩ quan tâm nồng nhiệt đến xã hội và dùng nghệ thuật như một phương cách để thúc đẩy thay đổi các định kiến xã hội. Chị nghĩ gì về vai trò xã hội của nghệ sĩ?
Tôi nghĩ mỗi một người là một phần của xã hội và nên có trách nhiệm với xã hội đó bằng những hành động cụ thể theo năng lực và chuyên môn của mình. Thực trạng của xã hội mà chúng ta đang sống làm chúng ta không khỏi thấy bi quan và chán nản. Nhưng anh Đặng Hoàng Giang, người tôi có dịp đồng hành trong dự án giới thiệu sách của anh, có một cuốn sách có tiêu đề mà tôi rất thích, Bức Xúc Không Làm Ta Vô Can. Người nghệ sĩ nên làm những gì họ có thể và họ thấy gần gũi với trái tim để những điều tốt đẹp nổi lên, nhân rộng, kêu gọi những tình cảm tốt đẹp của công chúng.
***
Hồng Ánh không kể nhiều về việc chị đã liều lĩnh làm bà đỡ cho Chuyến Đi Cuối Cùng Của Chị Phụng như thế nào, nhưng tôi biết một vài chuyện. Lúc đó khó ai nghĩ khán giả sẽ bỏ tiền mua vé đi xem phim tài liệu. Nên Ánh chỉ dám bán 40.000 đ/vé, rẻ quá sức để ai cũng mua được. Rồi còn sợ người ta ngại không đi mua, chơi luôn "đòn" khuyến mãi mua 5 vé thì được giao tận nơi!
Sài Gòn rộng lớn, người mua ở khắp nơi, giao tận nơi thì tiền xăng, tiền công có khi không đủ bù tiền mua vé. Nhưng Ánh vẫn làm! Lôi toàn bộ nhân viên vào lăn như bi cho cuộc bán vé giao vé. Đến khi thuê được hội trường Idecaf để chiếu thì không có người soát vé, Ánh đứng ra soát. Và thêm một điều tế nhị tôi sẽ không xin phép Ánh để kể. Bao nhiêu tiền thu được, không tính vào lương cho anh em trong công ty, Ánh trao lại hết cho đạo diễn. Nên phim thì được công chúng đón nhận, yêu quý, nhưng "bà bầu" mới toe Hồng Ánh thì lỗ... hộc máu.
"Lỗ nhưng mà vui lắm. Bọn mình cũng không tính toán gì điều ấy. Xác định làm những việc này là làm vì cộng đồng nên làm được là tất cả anh em rất vui": một "cánh tay phải" của Hồng Ánh chia sẻ.
Kết:
Lúc Ánh phát hành phim Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng, qua những chia sẻ trên mạng xã hội, có những người chuyển giới tìm đến cô chia sẻ. Lần đó, có một em gái chuyển giới ở Bến Tre gọi cho Ánh, khóc, nói đang bế tắc vô cùng, muốn tự tử. Ánh lập tức dừng công việc, nhảy xuống Bến Tre gặp cô, ở đấy cả một tuần để nghe cô trút nỗi lòng. Một tuần với một phụ nữ kinh doanh và có gia đình là rất nhiều thời gian nhưng Ánh đã dành một tuần của cô cho một người chưa quen như thế đó!
Gợi lại chuyện này với Ánh, cô bật cười giòn tan, chia sẻ: "Giờ em ấy phẫu thuật xong rồi. Hạnh phúc lắm rồi!".
Chương trình truyền hình Hành trình truyền cảm hứng - WeChoice Awards 2018 xin gửi lời cảm ơn tới đơn vị đồng hành chính Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải (THACO) đã cùng chúng tôi lan tỏa những giá trị tốt đẹp tới cộng đồng.
Hành trình truyền cảm hứng - WeChoice Awards 2018 do Công ty cổ phần truyền thông VCCorp hợp tác cùng Trung tâm Tin tức VTV24 (Đài Truyền hình Việt Nam) và đơn vị đồng hành triển khai là Công ty cổ phần PSC, sẽ tìm kiếm những nhân vật, những câu chuyện đem đến cho người xem những cảm xúc đầy tích cực. Chương trình được phát sóng lúc 17h35 ngày thứ 4 và Chủ Nhật hằng tuần; phát lại vào thứ 2 và thứ 6 hằng tuần trên kênh VTV1. Xem thêm thông tin về giải thưởng tại: http://wechoice.vn/ .