Hơn 700 người Việt được đưa sang Mỹ làm tiến sĩ: Chương trình khổng lồ vừa kết thúc, một dự án "lạ" ra đời

Minh Anh |

Hợp tác giáo dục đang là một trong những lĩnh vực hợp tác mạnh mẽ nhất giữa Việt Nam và Mỹ.

Hợp tác giáo dục Việt - Mỹ

Việt Nam hiện đứng thứ 5 trên thế giới và đứng đầu Đông Nam Á về số lượng sinh viên theo học tại Mỹ. Theo tùy viên Văn hoá tại Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội, Kate Barlett, 70% số lượng sinh viên theo học tại Mỹ tham gia học các ngành như khoa học, kinh tế, toán học, kỹ sư và quản lý.

"Thế hệ trẻ Việt Nam sẽ hiểu rõ hơn về giáo dục Mỹ, đồng thời góp phần thúc tăng cường hợp tác giáo dục hai nước," bà Kate Barkett khẳng định, đồng thời cho biết, ở Mỹ có 4.500 trường đại học và cao đẳng, tạo cơ hội học tập phong phú cho sinh viên Việt Nam."

Vào tháng 4/2023, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Dũng đã tới thăm trường Đại học Virginia, bang Virgina, Mỹ. Tại đây có nhiều giáo sư người Việt và khoảng 170 sinh viên Việt Nam đang làm việc và học tập. Các giáo sư tại Đại học Virginia đánh giá cao và rất hài lòng với các sinh viên Việt Nam. Giáo sư Mỹ nhận xét các sinh viên Việt Nam qua đây không những học giỏi, chăm chỉ mà còn rất năng động, một phẩm chất rất cần thiết trong lĩnh vực nghiên cứu.

Trong nhiều chương trình hợp tác giáo dục Việt - Mỹ, nổi bật một dự án đưa người Việt sang Mỹ làm tiến sĩ, đã kết thúc sau 18 năm hoạt động. Nhưng thế hệ cựu nghiên cứu sinh nhiều trăn trở đã "khai sinh" ra một chương trình thế hệ hai, đến nay đã hoạt động được 6 năm.

Hơn 700 người Việt được đưa sang Mỹ làm tiến sĩ: Chương trình khổng lồ vừa kết thúc, một dự án lạ ra đời - Ảnh 2.

Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Dũng đến thăm trường Đại học Virginia. Ảnh: Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ

Quỹ giáo dục Việt Nam (VEF)

Năm 2000, Quỹ giáo dục Việt Nam (VEF - Vietnam Education Foundation) được thành lập bởi Quốc hội Mỹ theo Đạo luật Quỹ Giáo dục Việt Nam với mục đích tăng cường mối quan hệ song phương giữa Mỹ và Việt Nam.

Theo đó, hàng năm Quốc hội Mỹ dành 5 triệu USD cho việc hỗ trợ giáo dục và đào tạo tại Việt Nam trong các lĩnh vực: khoa học, y tế, toán học và công nghệ cho tới năm 2018.

Quỹ được triển khai thông qua ba chương trình chính là:

(1) Chương trình học bổng, đưa các công dân Việt Nam sang Mỹ theo học các chương trình đào tạo sau đại học ở các lĩnh vực như khoa học vật lý, khoa học tự nhiên, toán học, khoa học môi trường, y học, công nghệ và khoa học máy tính.

(2) Chương trình học giả, tài trợ cho các công dân Việt Nam đã có bằng tiến sĩ có cơ hội phát triển chuyên môn thông qua các khóa học, các hoạt động nghiên cứu, và quan sát tại các trường, viện nghiên cứu hàng đầu của Mỹ.

(3) Chương trình giáo sư Mỹ giảng dạy tại các trường đại học và viện nghiên cứu của Việt Nam.

18 năm - 600 người sang Mỹ

Sau 18 năm hoạt động, chương trình học bổng hàng đầu này đã đưa khoảng 600 công dân Việt Nam xuất sắc theo học các chương trình sau đại học, chủ yếu là tiến sĩ, tại hơn 100 trường đại học được đánh giá cao của Mỹ với mục tiêu trở thành người dẫn đầu và tiên phong trong lĩnh vực mà họ theo đuổi.

VEF cũng tài trợ cho hơn 100 học giả Việt Nam và Mỹ trong việc giảng dạy, nghiên cứu và phát triển chuyên môn tại các cơ sở giáo dục và nghiên cứu của hai nước. Nhiều cựu nghiên cứu sinh của chương trình VEF đạt nhiều thành tựu nổi bật, phục vụ cho lợi ích cộng đồng trong các ngành y sinh, nghiên cứu và điều trị ung thư.

Viện nghiên cứu Cao cấp về Toán dẫn lời bà Nguyễn Thị Thanh Phượng, Trưởng đại diện của VEF văn phòng tại Hà Nội, trả lời phỏng vấn ngay trước khi quỹ VEF chấm dứt hoạt động, cho biết: "Hành trình 18 năm kết thúc đúng là nhiều đáng tiếc, nhưng tất cả đều đã biết trước ngày này. Chính vì vậy, mọi người tham gia VEF đã làm tốt tất cả các hoạt động trước khi nói lời chia tay."

Bà Phượng nhận định, Quỹ Giáo dục Việt Nam đã hoàn thành sứ mệnh của mình, đó là thắt chặt mối quan hệ hai nước thông qua giáo dục.

Bà Phượng nhận định, Quỹ Giáo dục Việt Nam đã hoàn thành sứ mệnh của mình, đó là thắt chặt mối quan hệ hai nước thông qua giáo dục.

Hơn 700 người Việt được đưa sang Mỹ làm tiến sĩ: Chương trình khổng lồ vừa kết thúc, một dự án lạ ra đời - Ảnh 4.

Các Nghiên cứu sinh và học giả VEF tại Hội nghị Nghiên cứu sinh và học giả VEF tại Arizona. Ảnh: VEF

Một chương trình "tiếp sức" lạ lùng

Sau khi VEF kết thúc, sinh viên từng tham gia chương trình rất tiếc nuối cho dự án và quyết định sáng lập VEF 2.0.

Trả lời phỏng vấn của Vietnamnet, anh Nguyễn Tiến Cương, người sáng lập và điều hành chương trình VEF 2.0 cho biết, anh đã rất trăn trở về việc làm sao để tiếp tục hỗ trợ những bạn trẻ đi sau có cơ hội theo học tại đại học ở Mỹ.

Từ trăn trở này, anh cho ra đời chương trình VEF 2.0. VEF 2.0 mang tính chất tiếp nối chương trình cũ, nhưng điểm khác biệt là ở yếu tố "hai không": không dùng hay không có tiền học bổng của chính phủ và không ràng buộc. VEF 2.0 dựa trên nền tảng tự nguyện, tự duy trì bởi các thành viên trong mạng lưới. 

Tạo khác biệt

Hơn 700 người Việt được đưa sang Mỹ làm tiến sĩ: Chương trình khổng lồ vừa kết thúc, một dự án lạ ra đời - Ảnh 5.

Quy trình tuyển chọn khắt khe, hồ sơ ứng viên cần phải có chứng chỉ tiếng anh, điểm GRE, bằng đào tạo và bảng điểm của cấp học dưới, CV, thư giới thiệu,... Nguồn: VEF 2.0

Cũng theo chia sẻ của anh Cương, các trường đại học Mỹ đã quen với quy trình tuyển chọn khắt khe của VEF và quen với trình độ, phẩm chất của sinh viên Việt Nam. Chính vì thế, sự ra đời của VEF 2.0 được rất nhiều trường ủng hộ. Anh Cương cho biết, nhiều trường lớn như Đại học Rice còn miễn lệ phí nộp hồ sơ cho toàn bộ ứng viên được VEF 2.0 giới thiệu.

Chương trình học bổng toàn phần VEF 2.0 cung cấp thư giới thiệu của các giáo sư nổi tiếng của Mỹ và những cựu sinh viên VEF có bằng tiến sĩ được cấp bởi những trường đại học hàng đầu của Mỹ.

Tinh thần tiếp sức của VEF 2.0 thể hiện ở việc những ứng viên qua được vòng phỏng vấn tuyển chọn của VEF 2.0 sẽ được ít nhất 1 người đi trước giúp chỉnh sửa và hoàn thiện hồ sơ cũng như giải đáp các thắc mắc.

Tổng cộng đến năm 2022, VEF 2.0 đã giúp đỡ được hơn 100 người theo học tại đại học ở Mỹ (hơn 95% ở bậc tiến sĩ), gồm cả ở những trường có tên tuổi lớn như MIT, Stanford University, Cornell University, University of California at Berkeley, Georgia Tech.

Chia sẻ với Vietnamnet, anh Tiến Cương cho biết, điều quý giá giúp chương trình VEF 2.0 thành công đến vậy là bởi "sợi dây kết nối giữa các thế hệ du học sinh, nghiên cứu sinh Việt Nam đã và đang học tập tại Mỹ. Bằng nhiều cách khác nhau, họ đều mong muốn được đóng góp cho sự phát triển của đất nước."

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại