Tiền vay ngân hàng chiếm khoảng 20% dòng vốn kinh doanh của doanh nghiệp. Khoản vốn vay còn được dùng để trang bị máy móc làm sạch củ, quả theo quy trình khắt khe của Nhật Bản, sau đó sẽ được xuất đi các thị trường tiêu thụ lớn như Nhật, Mỹ, Anh và EU.
Nhờ công nghệ hiện đại được đầu tư bởi nguồn vốn vay, vải tươi đang được doanh nghiệp xuất khẩu sang Nhật Bản với giá khoảng 18 - 20 USD/cân (hơn 400.000 đồng). Nhờ vậy, các hộ nông dân yên tâm trồng trọt theo đúng quy trình được hướng dẫn, vải chín đến đâu được thu mua đến đó.
"Thu nhập của chúng tôi cao hơn, ổn định hơn, giá cao hơn giá thị trường nên rất là phấn khởi", ông Trần Văn Tính, người nông dân Hải Dương, chia sẻ.
Doanh nghiệp cần nhờ vào nguồn vốn ngân hàng để hỗ trợ một phần chi phí cho người nông dân. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Cũng nhờ vốn vay, doanh nghiệp có thêm nguồn lực thu mua thêm các loại nông sản khác như mía, cà rốt, tùy mùa nào thức nấy, từ đó mở rộng thị phần xuất khẩu. Dự định trong năm tới, doanh nghiệp sẽ vay thêm từ ngân hàng để mở rộng nhà máy, đầu tư vào dây chuyền sản xuất nhằm tham gia sâu hơn vào khâu chế biến.
"Nguồn vốn rất quan trọng để giúp phát triển vùng nguồn liệu cũng như nguồn vốn dài hạn đầu tư nhà máy, từ khâu logistics vận chuyển đến các khu công nghệ chế biến cao", bà Ngô Thị Thu Hồng, Giám đốc Công ty Cổ phần Ameii Việt Nam, cho biết.
Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 4 tháng đầu năm nay, xuất khẩu nông sản tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, rau quả thuộc nhóm 5 các sản phẩm có giá trị xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD.