1. Hơn 30.000 học sinh rớt cấp ba ở Hà Nội, con số ở TPHCM gần 20.000 - như thông lệ, khi điểm số công bố, cũng là lúc có những học sinh tuổi 15 nhốt mình trong nước mắt, thậm chí có em bỏ nhà ra đi. Và không lâu nữa, khi điểm thi tốt nghiệp, xét tuyển đại học công bố, sẽ có bao ánh mắt tuổi 18 ngơ ngác, hoang mang trong cuộc đời này…
"Thắng không kiêu, bại không nản"... Đó là một trong những dòng súc tích thầy chủ nhiệm Hoàng Trữ viết trong lưu bút của tôi, ngày tôi rời ghế trường phổ thông. Thầy không hề là người "nói nước đôi". Bởi tôi, như nhiều cô cậu bạn học trường dân lập khác, không thể tin tuyệt đối rằng mình chắc chắn sẽ đậu đại học. Đến học sinh công lập, thậm chí trường chuyên còn có thể trượt cơ mà.
Vậy chưa đủ, thi xong, thầy nói, em đã cố hết sức chưa? Dạ rồi. Vậy không cần phải suy nghĩ nhiều nữa nhé, chẳng giải quyết được gì, quan trọng là em đã làm hết sức và sẽ có kết quả cho biết sức mình nằm ở đâu…
Hơn 20 năm trước tôi giống tâm trạng các cô cậu học sinh lớp 12+ bây giờ. Ngơ ngác, hoang mang, hy vọng, chờ đợi… đủ đầy các trạng thái rối bời. Và tâm trạng nặng nề ấy chỉ cất đi khi có kết quả thầy chủ nhiệm báo tin thi đậu. Hóa ra, thực lòng thầy mong kết quả thi, lo lắng với trò không kém, nhưng thầy không làm một áp lực nào lên trò mình.
Và xa hơn, khi 15 tuổi, tôi thi rớt cấp 3. Đó là cú sốc đau đớn nhất đầu đời, vào thời điểm đó của tôi. Tôi hầu như không nghĩ đến chuyện nếu thi rớt cấp ba, mình sẽ thế nào? Một đứa học sinh nhà nghèo, có nhiều thành tích, danh hiệu trong các kỳ thi học sinh giỏi sẽ rất khó chấp nhận việc học dân lập – học ở môi trường vẫn được quan niệm là dành cho những học sinh học dốt, chểnh mảng học hành và với rất nhiều khoản chi phí mà một gia đình lao động nghèo phải phiền lòng.
Những ngày đầu lớp 10, tôi luôn mang một tâm trạng ủ dột, chán nản. Cho đến khi, nhận ra quanh mình có rất nhiều bạn học giỏi hơn mình vẫn thi trượt (vì học lệch, vì lý do chọn trường không đúng năng lực…), và thầy giáo chủ nhiệm là người nói về cách đứng dậy, bước tiếp sau thất bại cho chúng tôi nghe. "Ai chẳng có thất bại, điều quan trọng là bước tiếp như thế nào. Đừng bao giờ từ bỏ mục đích chỉ vì thất bại". Tôi nhớ mãi câu ấy của thầy và không gặp thất bại trong những kỳ thi sau đó.
Học sinh trường dân lập Nguyễn Trường Tộ (TP Vinh, Nghệ An) từng học cùng tôi năm đó, nhìn lại, có những giám đốc bệnh viện, giám đốc ngân hàng, luật sư, bác sĩ… Tôi là nhà văn, một cây bút có thể tự tin rằng sống tử tế được với nghề và mỉm cười khi nhìn lại những tháng ngày chúng tôi đứng lên từ thất bại ở tuổi 15. Mỉm cười rằng dù đi một khúc đường gập ghềnh, chông chênh nhưng vẫn giữ sự tự tin, nỗ lực, chúng tôi cũng đến đích cần đến.
Nhà văn Võ Thu Hương
2. Bạn tôi không may mắn như tôi. Bạn thi rớt. Nhưng bạn không quá buồn phiền. Bạn nói, vì trước đó, không biết là tình cờ hay hữu ý, thầy đã tặng bạn một liều thuốc tinh thần rồi. Hôm bạn ghé nhà thầy cùng T., thầy đang trồng cây. Thầy nhờ bạn phụ thầy một tay, chuyển cái cây từ phía trong râm - nơi có mái che ra ngoài nắng. Thầy dùng một cái xẻng to để đào cây, làm đứt mất vài sợi rễ. Bạn tỏ vẻ ngần ngừ hỏi, liệu cái cây có thể sống khỏe mạnh không? Sao thầy không để yên cái cây ở đó khi đất còn rộng, cái cây vẫn sống khỏe?
Không sao, trong cuộc sống cũng có khi chúng ta như chính cái cây này, chấp nhận những tổn thương, mất mát để bắt đầu lại và trưởng thành hơn. Và dĩ nhiên sau đó sẽ rất vững vàng dẫu thời gian có chậm hơn, thân thể nhiều vết thương hơn - Thầy trả lời.
Bạn nói, bài học cái cây đơn giản vậy mà không hiểu sao thật thấm khi bạn thi rớt, thấm tới tận cả khi bạn trải qua những khó khăn vất vả về sau này. Bài học ấy luôn nhắc với bạn rằng, hãy mạnh mẽ và thời gian sẽ trả lời rằng, chắc chắn bạn sẽ trưởng thành. Mà quả thật, tới bây giờ, cậu bạn thi rớt năm ấy là một trong những người thành công trong cuộc sống.
Thắng không kiêu, bại không nản; bài học về cái cây chịu tổn thương, khắc nghiệt để trưởng thành hơn trong một hoàn cảnh khác của thầy tôi mà bạn kể; và đơn giản hơn - chỉ cần con yêu lao động, con sẽ sống tốt mà ông bố "nhà quê bao năm ở phố" của tôi dạy... đủ để tôi có một hành trang dày dặn sống và tin yêu trên những bước đường cuộc sống. Bài học ấy, bạn tin tôi đi, quan trọng hơn rất nhiều bài học trong những trường chuyên lớp chọn hay trên giảng đường đại học mà tôi đã được học qua. Vì thế, nếu bạn không hoặc chưa có cơ hội để bước chân vào trường cấp ba hay trường học đại học trong mơ, cũng chẳng phải là điều tồi tệ quá trong cuộc đời này, phải không?