Hai năm qua, "nghề tay trái" trở thành nguồn thu nhập đáng mong đợi của nhiều người, và dân văn phòng cũng vậy.
Có nghề tay trái, cuộc sống của họ trở nên dễ dàng hơn, thậm chí có người thu nhập nghề tay trái còn nhiều hơn nghề tay phải rất nhiều.
Giống như bạn của tôi, ban ngày làm nhân viên văn phòng, tối các ngày chẵn trong tuần thì dạy tiếng Anh ở trung tâm.
Nếu đã hơn 30 tuổi mà vẫn còn sống dựa vào một "mức lương chết" duy nhất, tôi khuyên bạn nên nghĩ đến việc tìm thêm một con đường mới, làm thêm một "nghề tay trái" phù hợp với bản thân.
1. Tại sao sau 30 tuổi nên cần có "nghề tay trái"?
Thứ nhất, vì "mức lương chết" không đủ đảm bảo an toàn và đáp ứng đầy đủ cuộc sống của bạn. Thứ hai, trước 35 tuổi, nếu vẫn chưa tích lũy đủ tiền, chưa thành công, thì sau 35 tuổi, ở công ty, những người trung niên này sẽ trở nên rất bị động, cũng rất khó trụ lại đây.
Thế nên, nếu có một "nghề tay trái", nó sẽ trở thành chiếc phao cứu sinh cho bạn khi bị công ty loại bỏ.
Ngoài ra, "nghề tay trái" còn giúp nguồn thu nhập hiện tại của bạn tăng lên đáng kể. Có nhiều người thường hay bất mãn với công việc hiện tại mình đang làm, nhưng lại không dám từ bỏ. Nếu đã như vậy, thay vì ngồi yên chờ sếp tăng lương, chi bằng dựa vào sở thích, sở trường, kĩ năng riêng mà tự mình kiếm thêm "nghề tay trái".
Tuy có cực khổ hơn trước, nhưng chắc chắn bạn sẽ không còn ghét bỏ công việc hiện tại nữa. Bởi vì dù sao đi nữa, hiện tại bạn không chỉ thu nhập cao hơn trước, mà còn được làm những thứ mình hứng thú, đúng không?
Điều quan trọng nhất, nó giúp bạn tự mình khai thác hết tiềm năng cá nhân. Nếu bạn chỉ chuyên tâm, "ngoan ngoãn" làm tốt công việc văn phòng một ngày 8 tiếng, kĩ năng của bạn cũng chỉ dừng tại đó. Và khi gặp sự cố bất ngờ phát sinh, bạn rất dễ rơi vào nguy hiểm. Bởi vì bạn không có đường lui khác dành cho chính mình.
"Nghề tay trái" giúp bạn tìm ra chính mình, một chính mình ở khía cạnh khác, một mặt đặc sắc khác. Điều đó cũng khẳng định và nâng cao giá trị hiện tại của bạn. Để bạn có thêm nhiều tự tin và lợi thế hơn ở nơi làm việc.
2. Vậy làm thế nào để biết bản thân phù hợp với "nghề tay trái" nào?
Đối với những người giàu tư duy, có công việc ổn định, nên chọn những nghề liên quan đến sở thích hoặc điều mà họ hứng thú.
Những nghề liên quan đến sở thích thường là: viết văn, viết báo, vẽ, ca hát, dẫn chương trình hoặc làm youtube về ăn uống...
Có rất nhiều thứ để làm, dựa vào ưu thế và sở thích của bản thân để phát triển ra thành một nghề đặc trưng cho riêng mình. Qua một thời gian trau dồi, tiếp thu và phát triển, nó sẽ trở thành "nghề thế mạnh" của bạn.
Đối với những người vừa hành động theo cả lý trí và cảm xúc, nên chọn những nghề dạng sáng tạo.
Suy nghĩ lý trí sẽ giúp họ phân biệt được bản thân nên làm gì và không nên làm gì. Tư duy sáng tạo sẽ giúp họ có khả năng tưởng tượng phong phú, suy ngẫm ra nhiều thứ mới mẻ, thu hút nhiều khách hàng tiềm năng.
Bạn cấp ba của tôi là một lập trình viên, một công việc thuộc loại lý tính tuyệt đối. Nhưng nghề tay trái của anh ấy lại là vẽ quảng cáo. Hai nghề này, anh ấy đều làm rất tốt, và nó cũng hỗ trợ anh ấy rất nhiều trong việc nâng cao giá trị cuộc sống.
Trên thực tế, lý tính và cảm tính tuy khác nhau nhưng lại có quan hệ bổ sung cho nhau, khiến suy nghĩ con người cởi mở, sáng tạo hơn.
Đối với những người yêu thích thể thao, nên chọn nghề liên quan đến việc dùng sức mạnh tinh thần kết hợp với thể chất.
Đối với những người lao động trí óc, nếu chọn nghề tay trái liên quan đến việc vận động thể lực. Đó cũng là một lựa chọn không tồi. Bởi vì nó sẽ giúp họ rèn luyện sức khỏe, tránh những bệnh về xương khớp, béo phì, sau 8 tiếng dài ngồi làm việc miệt mài trong văn phòng.
Đồng nghiệp Ngọc Liên của tôi rất thích tập yoga. Ngày nào cô ấy cũng đúng giờ đến nhà cô giáo dạy yoga tập luyện. Chưa đầy hai năm, cô ấy không chỉ trở nên khỏe mạnh hơn, còn trở nên chuyên nghiệp trong lĩnh vực này.
Dạo gần đây, tôi còn nghe nói cô ấy vừa tự mình mở lớp dạy yoga tại nhà, thu nhập rất tốt.
Đối với những người đang làm giáo viên, huấn luyện viên, bán hàng và vài vị trí khác, họ thường thích hợp với những nghề như dạy học, tư vấn hoặc viết văn.
Viết văn, dạy học, tư vấn là 3 nghề có ảnh hưởng lớn trong việc làm nổi bật điểm mạnh của bạn.
Viết văn giúp bạn thông qua chữ viết bày tỏ quan điểm, ý kiến của riêng mình. Còn dạy học có thể thông qua cách truyền đạt kiến thức để bạn chia sẻ kinh nghiệm và năng lượng tích cực cho nhiều người, đợi đến khi nào kinh nghiệm đủ nhiều, bạn có thể phát triển nó thành nghề tư vấn.
Peter Drucker – chuyên gia hàng đầu thế giới về tư vấn quản trị cũng đã thông qua 3 nghề này mà từ từ nâng cao vị trí của mình trong xã hội, trở thành "cha đẻ của ngành Quản trị kinh doanh hiện đại."
Đối với những người muốn tìm hiểu sâu về công việc hiện tại, họ phù hợp với những việc "đa chức năng"
"Đa chức năng" là sao?
Đó là những việc có liên quan đến nghề tay phải của họ, nhưng đi sâu vào chuyên môn hơn. Ví dụ công việc của bạn ở công ty là lập kế hoạch, viết báo cáo, viết bài, đưa ra kế hoạch quảng cáo sản phẩm, về nhà nghề tay trái sẽ cần thêm kĩ năng thiết kế sản phẩm, photoshop... nhiêu đó đã đủ giúp bạn rèn luyện được thêm rất nhiều kỹ năng cần thiết.
Công ty là nơi tốt nhất để bạn khám phá ra những khả năng tiềm ẩn của mình. Bạn có thể xem nơi đây là môi trường rèn luyện, dấn thân và tìm hiểu sâu vào lĩnh vực mình quan tâm.
Sau này, khi kinh nghiệm dồi dào rồi, nó không chỉ giúp bạn thuận lợi hơn trong công việc, còn giúp bạn chuẩn bị thành công, nâng cao năng lực cho nghề tay trái của mình.
Ngày nay, có hàng ngàn công việc, có công việc có sẵn từ lâu, có công việc do con người tự sáng tạo ra. Chỉ cần bạn có kỹ năng hoặc tài nguyên riêng, bạn có thể thử tìm ra một nghề mới phù hợp với chính mình hơn.
JV Trần Đức Việt: "Thành công, không phải là cảm thấy thỏa mãn với những gì đạt được, mà là hài lòng với những gì mình đã đánh đổi”.