Bà Cindy Johnson cầm bức vẽ chân dùng người chồng quá cố, qua đời sau khi nhiễm chéo COVID-19 trong bệnh viện. Ảnh: CNN
Hơn 10.000 bệnh nhân đã được chẩn đoán mắc COVID-19 tại một bệnh viện ở Mỹ vào năm ngoái sau khi họ nhập viện để điều trị bệnh khác. Đây là dữ liệu dựa trên hồ sơ liên bang, tiểu bang và phân tích của KHN (tổ chức tin tức phi lợi nhuận về y tế), nhưng chắc chắn là một con số chưa tính hết, vì nó mới bao gồm phần lớn là bệnh nhân 65 tuổi trở lên, cộng với bệnh nhân người bang California và Florida ở mọi lứa tuổi.
Tuy nhiên, trong một kịch bản sai sót có thể xảy ra trong bệnh viện, thì hậu quả là thảm khốc. Khoảng 21% bệnh nhân mắc COVID-19 trong bệnh viện trên từ tháng 4 đến tháng 9 năm ngoái đã tử vong. Trong khi đó, gần 8% bệnh nhân Medicare khác (gồm bệnh nhân từ 65 tuổi trở lên, bệnh nhân khuyết tật hoặc bệnh nhân thận giai đoạn cuối) tử vong trong bệnh viện vào thời điểm đó.
Ông Steven Johnson, 66 tuổi, dự kiến được phẫu thuật cắt bỏ phần nhiễm trùng ở vùng hông tại Trung tâm Y tế Blake tại Bradenton, Florida, vào tháng 11/2020. Vợ của ông, bà Cindy Johnson, cho biết chồng bà đã xét nghiệm âm tính với COVID-19 hai ngày trước khi nhập viện. Nhưng sau 13 ngày nằm viện, Johnson có kết quả dương tính với COVID-19.
Ông lại phải vật lộn để loại bỏ thứ chất đờm như keo ra khỏi phổi của mình. Các nhân viên y tế không làm gì được để kiểm soát cơn đau của Johnson. Họ thậm chí còn gợi ý bà Cindy chia sẻ với chồng về những mong muốn cuối cùng của ông. Cuối cùng, bà đau lòng hỏi: “Anh yêu, anh có muốn đặt nội khí quản không?”. Ông đáp lại, nhấn mạnh: “Không”, và ba ngày sau thì qua đời.
Sau khi chồng có kết quả xét nghiệm dương tính, Cindy Johnson, một người hiểu biết về phòng tránh lây nhiễm khi tiếp xúc, đã nhanh chóng được xét nghiệm COVID. Bà có kết quả âm tính.
Bà nghĩ đến số lượng lớn nhân viên y tế ra vào phòng điều trị của ông Johnson và nghi ngờ một nhân viên đã lây bệnh cho ông. Bà nói rằng, việc bệnh viện (thuộc chuỗi HCA Healthcare) chưa bắt buộc nhân viên tiêm chủng là điều “kinh khủng”.
"Tôi rất tức giận. Làm thế nào họ có thể nói trên website của mình rằng ‘các biện pháp phòng ngừa an toàn mà chúng tôi áp dụng khiến các cơ sở của chúng tôi nằm trong số những nơi an toàn nhất có thể để chăm sóc sức khỏe tại thời điểm này’?", bà Cindy bức xúc.
Điều trị cho bệnh nhân COVID-19 ở Mỹ. Ảnh: NYT
Người phát ngôn Trung tâm Y tế Blake, Lisa Kirkland cho biết bệnh viện đang "khuyến khích mạnh mẽ việc tiêm chủng" và lưu ý rằng họ tuân thủ quy định của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cũng như các hướng dẫn của liên bang và tiểu bang về bảo vệ bệnh nhân.
Tổng thống Joe Biden đã kêu gọi tất cả nhân viên bệnh viện phải được tiêm vaccine, nhưng yêu cầu này có thể vấp phải sự phản kháng ở hàng chục tiểu bang, bao gồm cả Florida, nơi đã cấm bắt buộc tiêm vaccine.
Tỷ lệ lây nhiễm chéo COVID-19 trong bệnh viện tại Mỹ đã ở mức cao trong giai đoạn đầy thử thách vào năm ngoái khi đồ bảo hộ bị thiếu hụt và các xét nghiệm còn thiếu hoặc chậm đưa ra kết quả.
Một cuộc đánh giá về hồ sơ an toàn lao động, tài liệu y tế và các cuộc phỏng vấn với nhân viên tại các bệnh viện có khả năng lây lan cao đã chỉ ra lý do tại sao COVID-19 lây lan: Lãnh đạo bệnh viện đã chậm đánh giá rủi ro trong môi trường, khiến bệnh nhân mắc chứng ho trở nên nguy hiểm đối với bạn cùng phòng và nhân viên y tế, những người khi thường đeo khẩu trang phẫu thuật, bảo vệ kém hơn so với N95. Các bệnh viện đã không thể xét nghiệm mọi bệnh nhân được nhận vào, do hướng dẫn của CDC cho phép việc xét nghiệm như vậy tùy thuộc vào "quyết định của cơ sở." Ban quản lý bệnh viện cũng thường không thông báo cho nhân viên biết khi nào họ phơi nhiễm với COVID-19 và do đó họ có nguy cơ nhiễm và làm lây lan.
Sự lây lan COVID-19 giữa bệnh nhân và nhân viên y tế dường như đi đôi với nhau. Tại bệnh viện Beaumont, bang Michigan, 139 nhân viên y tế đã mắc COVID từ 6/4 đến 20/10/2020. Dữ liệu liên bang cho thấy gần 7% bệnh nhân Medicare mắc COVID-19 dương tính sau khi họ nhập viện này để điều trị bệnh khác. Người phát ngôn của bệnh viện cho biết năm ngoái họ không xét nghiệm để sàng lọc tất cả bệnh nhân, dẫn đến một số chẩn đoán muộn. Nhưng hiện tại, tất cả các bệnh nhân đến viện đều được xét nghiệm ngay.
Bà Linda Moore (phải), chụp ảnh cùng con gái Stacey Taylor, đã tử vong vì COVID-19 vào tháng 7/2020. Bà mắc COVID-19 sau 15 ngày nhập viện. Ảnh: CNN
Bà Linda Moore, 71 tuổi, có kết quả dương tính với COVID-19 ít nhất 15 ngày sau khi nhập viện để phẫu thuật cột sống. Bà được điều trị tại Trung tâm Y tế Khu vực Havasu, thành phố Havasu Lake, Arizona, nơi tỉ lệ lây nhiễm COVID-19 thấp vào mùa hè năm ngoái. Bà Moore được chuyển đến một bệnh viện khác, nơi tình trạng bệnh còn nặng hơn. Sau khi máy thở được rút, bà chỉ sống thêm hơn 5 tiếng đồng hồ.
Khi cô con gái Trisha Tavolazzi tìm kiếm câu trả lời từ bệnh viện về việc mẹ cô đã nhiễm COVID-19 ở đâu, cô không được hồi đáp. "Không ai gọi lại cho tôi cả”, Tavolazzi nói.
Trong làn sóng COVID-19 thứ hai vào tháng 9 năm ngoái, các bác sĩ từ Bệnh viện Brigham&Women đã công bố một nghiên cứu trấn an: Với việc kiểm soát nhiễm trùng cẩn thận, chỉ có hai trong số 697 bệnh nhân mắc COVID-19 trong bệnh viện ở Boston, chiếm khoảng 0,3%.
Nhưng nghiên cứu được công bố trên tạp chí nổi tiếng JAMA Network Open này hoá ra đã truyền tải sai thông điệp - theo Tiến sĩ Manoj Jain, một bác sĩ bệnh truyền nhiễm và trợ giảng tại Trường Y tế Công cộng Rollins thuộc Đại học Emory. Ông nói, COVID-19 lan rộng trong các bệnh viện và nghiên cứu đó đã chôn vùi "vấn đề dưới tấm thảm".
Virus SARS-CoV-2 đã lén lút, âm thầm xâm nhập các bệnh viện hàng đầu. Nó còn có thể đã xâm phạm qua các thiết bị bảo hộ của CDC, khi khẩu trang phòng độc N95 còn được dùng "tiết kiệm".
Bà Cindy Johnson tức giận vì chồng đã nhiễm COVID-19 và tử vong khi đang điều trị bệnh khác. Trong ảnh, bà cầm một chiếc gối làm từ chiếc áo mà ông Johnson từng mặc. Ảnh: CNN
Tỷ lệ tử vong cao đối với những người được chẩn đoán mắc COVID-19 trong thời gian nằm viện - khoảng 21% - cũng phản ánh tỷ lệ tử vong cao của các bệnh nhân COVID-19 nói chung, khi các bác sĩ còn có ít phương pháp đã được chứng minh để giúp cứu bệnh nhân. Nó cũng làm nổi bật mối nguy hiểm mà nhân viên y tế không được tiêm chủng gây ra cho bệnh nhân. Hiện nay, Hiệp hội Bệnh viện Mỹ ước tính rằng mới có khoảng 42% bệnh viện đã bắt buộc tất cả nhân viên phải được tiêm chủng.
Tiến sĩ Jain cho rằng: “Nhân viên y tế chưa tiêm chủng trở thành mối đe dọa đối với bệnh nhân. Ban quản lý bệnh viện quá rụt rè trong việc thúc đẩy các nhân viên, y tá tiêm vaccine, và công chúng nói chung không biết gì về mối đe dọa mà một người không tiêm chủng gây ra đối với một nhóm dân số dễ bị tổn thương."
Trở lại với Cindy Johnson, bà đã tìm cách khởi kiện bệnh viện, nhưng một luật sư nói với bà rằng gần như không thể thắng một vụ kiện như vậy. Một luật tiểu bang năm 2021 yêu cầu bằng chứng về "ít nhất là hành động thiếu cẩn trọng" để có thể thắng kiện trước tòa.