Trong phiên toà này, ngoài bị cáo Hà Văn Thắm cùng 47 đồng phạm, Toà án cũng triệu tập 600 người đến tòa với các vai trò khác nhau. Có hơn 60 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo và bảo vệ quyền và lợi ích cho các đương sự.
Các bị cáo bị truy tố về các tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ", "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng" và tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".
Hành vi của các bị cáo trong vụ án này đã gây thiệt hại cho Oceanbank tổng số tiền là gần 2.000 tỉ đồng.
Theo cáo trạng, trong quá trình hoạt động, tại Oceanbank đã xảy ra nhiều vi phạm pháp luật đặc biệt nghiêm trọng trong việc cho vay, huy động tiền gửi, chi lãi suất vượt trần, chi lãi suất ngoài hợp đồng cho khách hàng, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng đối với Oceanbank và các cổ đông, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chính sách tiền tệ của Nhà nước.
Nguyên nhân do vi phạm pháp luật của Hà Văn Thắm, cựu Chủ tịch HĐQT Oceanbank, ban TGĐ Oceanbank trong các thời kỳ, lãnh đạo các khối nghiệp vụ từ hội sở đến chi nhánh.
Trong vụ án này, cơ quan tố tụng xác định, Hà Văn Thắm là chủ mưu, cầm đầu, có hành vi vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Hành vi này của Thắm được xác định liên quan đến cựu Chủ tịch HĐQT VNCB Phạm Công Danh, gây thiệt hại cho Oceanbank gần 500 tỷ đồng.
Hà Văn Thắm bị cáo buộc đã cấu kết với Nguyễn Xuân Sơn (SN 1962, cựu TGĐ Oceanbank) đề ra chủ trương thu thêm lãi suất vay tín dụng và chênh lệch tỷ giá hình thức thu phí của khách hàng thông qua công ty con BSC trái quy định của NHNN, để trả lãi suất ngoài hợp đồng trên số tiền gửi của PVN tại Oceanbank.
Hành vi này của các bị can gây thiệt hại cho Oceanbank số tiền gần 69 tỷ đồng.
Với vai trò chủ mưu, Hà Văn Thắm đã chủ trương chỉ đạo việc chi lãi suất ngoài nhằm huy động vốn của khách gửi tiền trên toàn hệ thống Oceanbank.
Hành vi của cựu Chủ tịch HĐQT Oceanbank và đồng phạm đã cố ý làm trái quy định của NHNN về trần lãi suất huy động vốn bằng VNĐ và USD theo từng thời kỳ.
Hành vi này của các bị cáo gây thiệt hại cho Oceanbank số tiền trên 1.500 tỷ đồng.
Được xác định là người chủ mưu, có thủ đoạn tinh vi cùng sự tiếp tay của nhiều người dẫn đến hậu quả là gây ảnh hưởng tiêu cực đến việc thực hiện các chính sách tài chính - tiền tệ, Hà Văn Thắm bị đề nghị truy tố về 3 tội: Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Trong vụ án này có 227 người có hành vi tiếp nhận chủ trương chi lãi suất ngoài cho khách hàng gửi tiền từ giám đốc chi nhánh/phòng giao dịch, sau đó trực tiếp hoặc chỉ đạo nhân viên thực hiện.
Những cá nhân này là cấp dưới thực hiện chỉ đạo trực tiếp từ giám đốc chi nhánh/phòng giao dịch, không phải nhận chỉ đạo từ Hà Văn Thắm, Nguyễn Minh Thu hoặc lãnh đạo hội sở Ngân hàng Đại Dương.
Cơ quan CSĐT Bộ Công an và VKSND Tối cao thống nhất không xem xét trách nhiệm hình sự mà yêu cầu xử lý nghiêm về hành chính và liên đới bồi thường một phần thiệt hại.
"Nếu khởi tố, xử lý hình sự hết toàn bộ 227 người này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống của Ngân hàng Đại Dương trong giai đoạn tái cơ cấu" - cáo trạng nhận định.
Điều đặc biệt tại phiên toà này, vì số người tham gia tố tụng quá đông nên TAND TP Hà Nội đã phải bố trí hai phòng xét xử, sử dụng đường truyền trực tiếp. Đây là điều chưa từng có ở TAND TP Hà Nội.
Trong số những người bị triệu tập đến Tòa có bị án Phạm Công Danh, cựu Chủ tịch HĐQT VNCB (người vừa bị TAND Cấp cao tại TP. HCM tuyên mức án 30 năm tù vì tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng).
Phạm Công Danh bị triệu tập đến tòa với vai trò là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến khoản tiền gần 500 tỷ đồng mà Hà Văn Thắm làm thất thoát.
Dự kiến phiên xét xử kéo dài gần một tháng, từ ngày 27-2 đến 21-3.