Sau gần 2 tuần xét xử và nghị án, sáng nay (6/8), TAND TP HCM sẽ tuyên án vụ "Cố ý làm trái quy định của nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại các ngân hàng VNCB (tiền thân là TrustBank, nay là CB), Sacombank, BIDV và TPBank gây thiệt hại hơn 6.100 tỷ đồng.
Các bị cáo chủ chốt trong vụ án là Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT VNCB), Trầm Bê (nguyên Phó chủ tịch HĐQT Sacombank), ông Phan Huy Khang (nguyên Tổng giám đốc Sacombank), ông Phan Thành Mai (nguyên Tổng giám đốc VNBC).
Trước đó, tại phiên tòa sáng 30/7, đại diện VKS đã đề nghị tuyên Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT VNCB) 20 năm tù về tội "Cố ý làm trái...", tổng hợp với bản án cũ thành 30 năm tù. Trầm Bê (nguyên Phó chủ tịch HĐQT Sacombank) bị đề nghị 4-5 năm tù cùng về tội danh như trên.
Về trách nhiệm dân sự, VKS đề nghị thu hồi 6.126 tỷ đồng từ 3 ngân hàng BIDV, Sacombank, TPBank để khắc phục hậu quả cho VNCB (nay là CB).
Ông Phạm Công Danh.
Theo nhận định của cơ quan công tố, ông Danh vì lợi ích của công ty mình đã chỉ đạo đồng phạm rút trái phép tiền của VNCB, bảo lãnh cho 29 lượt pháp nhân để làm hồ sơ khống vay Ngân hàng Sacombank, BIDV, TPBank. Việc này đã gây thiệt hại đặc biệt lớn cho VNCB - hơn 6.100 tỷ đồng chưa thể thu hồi.
"Bị cáo Danh có vai trò chủ mưu, đóng vai trò quyết định, chỉ đạo các đồng phạm thực hiện hành vi phạm tội tinh vi, bất chấp thủ đoạn để chiếm đoạt tiền của VNCB nên cần áp dụng mức án cao nhất của khung hình phạt mới đảm bảo tính răn đe" - VKS đánh giá.
Đối với ông Trầm Bê, VKS cho rằng ông này có mối quan hệ quen biết với Phạm Công Danh. Khi được đặt vấn đề vay tiền, Trầm Bê đã giới thiệu ông Danh với nguyên Tổng giám đốc Phan Huy Khang, sau đó chỉ đạo nhân viên dưới quyền hợp pháp hóa thủ tục giải ngân cho các công ty của Danh vay 1.800 tỷ đồng bằng các hồ sơ khống.
Mặc dù nhân viên của Sacombank đưa hồ sơ giấy tờ không đầy đủ nhưng Trầm Bê vẫn phê duyệt giải ngân cho Phạm Công Danh vay trước, bổ sung hồ sơ sau. Khi cho vay Trầm bê và Phan Huy Khang đều biết ông Danh là chủ tịch HĐQT của VNCB, là đối tượng không được cho phép sử dụng tiền của VNCB để bảo lãnh vay tiền các tổ chức tín dụng.
Tuy nhiên,VKS cũng cho rằng ông Bê nhiều tình tiết giảm nhẹ như thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, không hưởng lợi, không mong muốn hậu quả xảy ra... nên đề nghi tòa xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt.
Nói lời sau cùng, ông Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT VNCB) mong được HĐXX xem xét nguyên nhân và bối cảnh xảy ra vụ án để giảm nhẹ hình phạt cho các đồng phạm. Ông Danh cho rằng, những người này tin tưởng vào bản thân mình cũng như đề án tái cơ cấu nên mới rơi vào trường hợp này.
"Tôi xin HĐXX xem xét cho tất cả các bị cáo. Những người ở đây rất giỏi về tài chính ngân hàng, họ tin vào đề án tái cơ cấu này và nghĩ rằng làm như vậy sẽ có lợi cho ngân hàng. Nhưng tôi đã không làm được điều này" - ông Danh trình bày.
Trong khi đó, ông Trầm Bê (nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Sacombank) chỉ mong HĐXX xem xét hoàn cảnh xảy ra vụ án, xem xét tuyên "hình phạt nhẹ nhất để bị cáo sớm hòa nhập với xã hội, góp phần nhỏ cho xã hội".
Ông Trầm Bê và các đồng phạm tại phiên xử.
Theo cáo trạng, quá trình điều hành VNCB (giai đoạn 2013-2014), ông Danh cần tiền trả nợ và duy trì hoạt động, tăng vốn điều lệ của ngân hàng do mình làm chủ. Nguyên chủ tịch VNCB chỉ đạo Phan Thành Mai (Tổng giám đốc VNCB) và thuộc cấp dùng tiền gửi của VNCB đảm bảo cho 29 lượt công ty "sân sau" của ông Danh vay hơn 6.100 tỷ đồng tại 3 ngân hàng Sacombank, BIDV, TPBank.
Cụ thể, tháng 4/2013, ông Danh gặp ông Trầm Bê và Phan Huy Khang (Tổng giám đốc Sacombank) đặt vấn đề vay vốn của Sacombank, bảo lãnh bằng tiền của VNCB. Biết rõ Phạm Công Danh và đồng phạm thực hiện trái quy định, song ông Trầm Bê vẫn đồng ý phê duyệt cho vay.
Tương tự, ông Danh dùng các công ty "sân sau" đặt vấn đề vay của BIDV4.700 tỷ đồng thông qua ông Đoàn Ánh Sáng và Trần Lục Lang, tiếp tục đảm bảo bằng tiền gửi tại BIDV.
Ngoài ra, chủ tịch VNCB mượn pháp nhân các công ty của Nguyễn Việt Hà (Tổng giám đốc Công ty cổ phần quản lý quỹ Lộc Việt), Đặng Thị Bích Thủy, Đinh Việt Cường (Giám đốc, phó Giám đốc Khối khách hàng doanh nghiệp TPBank) vay của TPBank 1.666 tỷ đồng và sử dụng 1.700 tỷ tiền gửi của VNCB để đảm bảo.
Do các công ty của ông Phạm Công Danh không thể trả nợ, 3 nhà băng đã thu hồi tiền cho vay từ tiền gửi của VNCB nên không thiệt hại. Nhưng việc này đã khiến VNCB thiệt hại hơn 6.100 tỷ đồng.
Trong đó, ông Bê cùng cấp dưới Phan Huy Khang (Tổng giám đốc Sacombank) được xác định là đã giúp sức cho ông Danh rút trái phép hơn 1.800 tỷ đồng của VNCB. Phía BIDV giúp sức ông Danh gây thiệt hại cho VNCB 2.550 tỷ đồng, số còn lại từ TPBank.
Trước đó, hồi tháng 1, vụ án này từng được TAND TP HCM đưa ra giải quyết. Sau hơn 1 tháng xét xử, tháng 2/2017, HĐXX đã quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung. Sau khi tiếp nhận lại hồ sơ, Cơ quan điều tra tiến hành điều tra bổ sung và chuyển kết luận cho VKS để hoàn tất cáo trạng.
Sau quá trình điều tra và điều tra bổ sung, VKSND Tối cao khẳng định kết quả điều tra bổ sung không làm phát sinh, thay đổi nội dung vụ án trong cáo trạng trước. Theo đó, không có thêm bị can nào bị khởi tố, truy tố và không có thêm hành vi vi phạm pháp luật nào được phát hiện.
Ở giai đoạn 1 vụ án này, ông Phạm Công Danh bị tuyên phạt 30 năm tù về các tội "Cố ý làm trái quy định của nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng" và bị buộc cùng đồng phạm bồi thường thiệt hại 9.000 tỷ đồng.