Chiều nay, bà Harris sẽ kết thúc chuyến thăm Singapore để sang Việt Nam, trở thành Phó Tổng thống nữ đầu tiên đến Việt Nam .
Từ khi trở thành cấp phó của Tổng thống Mỹ Joe Biden, bà Harris nhận được nhiều ca ngợi vì đã phá bỏ nhiều rào cản trong suốt cuộc đời mình.
Với chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2020, bà Harris, sinh năm 1964, trở thành người phụ nữ đầu tiên, người da màu đầu tiên và người Mỹ gốc Ấn đầu tiên được bầu vào vị trí này. Phu quân của bà, Douglas Emhoff cũng đi vào lịch sử khi là người đàn ông đầu tiên và người Do Thái đầu tiên trở thành phu quân của phó tổng thống.
Trước khi được bầu làm phó tổng thống, bà Harris đã được biết đến với nhiều lần đầu tiên. Bà là luật sư của San Francisco, là người phụ nữ đầu tiên, người Mỹ gốc Phi đầu tiên và người Mỹ gốc Ấn đầu tiên được bầu vào vị trí này.
Một thập kỷ trước, nhà báo Gwen Ifill gọi bà Harris là “Barack Obama nữ” trong chương trình “Đêm muộn với David Letterman”. Sau đó, một doanh nhân cũng gọi bà là “phiên bản nữ trẻ tuổi của tổng thống”.
Bà được nói là người có nhiều nét tương đồng với tổng thống Barack Obama, vị tống thống da màu đầu tiên của Mỹ và là người đã đề cử bà trong nhiều cuộc bầu cử, trong đó có cuộc bầu cử Thượng viện năm 2016.
Bà Harris có bố mẹ đều là người nhập cư. Cha của bà, ông Donald Harris, là người da đen, đến từ Jamaica. Mẹ của bà – Shymala Gopalan, là một nhà nghiên cứu về ung thư và là nhà hoạt động nhân quyền đến từ Chennai, Ấn Độ.
Sau khi cha mẹ ly hôn, bà Harris chủ yếu được mẹ đơn thân nuôi dạy. Bà Harris nói rằng mẹ của bà tiếp thu nền văn hoá của người da màu và “tưới đẫm” vào hai con gái Kamala và Maya. Bà Harris lớn lên với văn hoá Ấn Độ, nhưng vẫn sống một cách tự hào với di sản của người Mỹ gốc Phi. Hà Harris từng về thăm Ấn Độ 2 lần cùng với mẹ.
“Mẹ tôi hiểu rất rõ rằng bà ấy đang nuôi dạy hai con gái da màu. Bà ấy biết rằng quê hương mới của mình sẽ coi Maya và tôi là những cô gái da màu và bà ấy quyết tâm nỗ lực để chúng tôi trở thành những phụ nữ da màu tự tin”, bà Harris viết trong cuốn tự truyện “The Truths We Hold”.
Bà Harris sinh ra ở Oakland và lớn lên ở Berkeley. Bà học trung học tại trường dùng tiếng Pháp ở Canada, khi mẹ của bà giảng dạy tại ĐH McGill ở Montreal.
Mẹ của bà luôn nhắc con: “Đừng ngồi một chỗ để phàn nàn mọi thứ, hãy làm gì đi”. Harris nói rằng đó là động lực để bà cố gắng mỗi ngày.
Bà Harris học đại học ở Mỹ, với 4 năm tại ĐH Howard. Bà nói rằng đó là quãng thời gian quan trọng nhất để định hình cuộc đời bà.
Bà Harris kết hôn với ông Douglas Emhoff và trở thành mẹ kế của Ella và Cole. Hai người con trước của ông với vợ cũ gọi bà Harris là “Momala”.
Sau khi học ở ĐH Howard, bà học tiếp bằng luật tại ĐH California rồi bắt đầu công việc ở Văn phòng biện lý quận Alamdeda.
Bà trở thành công tố viên trưởng của San Francisco vào năm 2003, sau đó được bầu làm người phụ nữ đầu tiên và người da màu đầu tiên trở thành tổng chưởng lý California vào năm 2010.
Trong 2 năm đảm nhận vị trí đó, bà Harris được ca ngợi là ngôi sao đang lên của đảng Dân chủ. Bà được bầu làm thượng nghị sĩ của California vào năm 2017.
Cộng đồng người Mỹ gốc Ấn, người Mỹ gốc Nam Á và các tổ chức hải ngoại gọi chiến thắng của ông Joe Biden và bà Harris trong cuộc bầu cử tổng thống và phó tổng thống vào tháng 11/2020 “thực sự là chiến thắng vang dội cho tương lai của Mỹ”, và sự nổi lên của bà Harris trong nền chính trị Mỹ sẽ “trở thành động lực lớn cho sự tham gia của cộng đồng người Mỹ gốc Ấn vào chính trị”.
Ngày 23/8, Bộ Ngoại giao ra thông cáo báo chí cho biết Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris sẽ thăm Việt Nam từ ngày 24-26/8 theo lời mời của Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân.
Trước đó, tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao diễn ra chiều 19/8, Phó Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết: các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao và hoạt động trao đổi đoàn các cấp hai nước đều nhằm làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Mỹ, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển của khu vực và trên thế giới.