Tháng 4/2015, Craig S. Smith - phóng viên của The New York Times đã cùng con trai mình - True - tới Triều Tiên du lịch. Ông đã cùng gia đình sống ở Thượng Hải, Hồng Kông (Trung Quốc) và Paris (Pháp).
Cuốn hộ chiếu ướt nhèm
Theo Craig S. Smith, các công ty lữ hành chỉ là đại lý, bởi khi đến biên giới Triều Tiên, văn phòng du lịch Triều Tiên sẽ quản lý những du khách nước ngoài, sau đó sẽ đưa họ đến tham quan những điểm du lịch cố định.
Do đó, du khách đều trải nghiệm hành trình như nhau: Quảng trường Kim Nhật Thành rộng lớn, thưởng thức một số món ăn trong nhà hàng do nhà nước quản lý và một chuyến đi ngắn giữa hai trạm tàu điện ngầm ở Bình Nhưỡng - đây là cơ hội duy nhất du khách thực sự được tiếp xúc với người Triều Tiên.
Tấm biểu ngữ ở cửa ga tàu điện ngầm Bình Nhưỡng. Ảnh: Craig S. Smith
Craig S. Smith bắt đầu chuyến du lịch từ Hồng Kông, tuy nhiên trước khi rời Hồng Kông, ông lại vô tình bỏ quên hộ chiếu vào máy giặt, khiến nó bị ướt nhèm, nhàu nhĩ. Thậm chí, khi đáp máy bay xuống điểm trung chuyển - Trung Quốc đại lục - hộ chiếu vẫn chưa hoàn toàn khô.
"Một nhân viên an ninh sân bay Trung Quốc đã ngửi đi ngửi lại cuốn hộ chiếu, sau đó lại xin ý kiến cấp trên trước khi để tôi đi. Nhưng nhân viên an ninh sân bay Triều Tiên dường như không hoài nghi nhiều, mặc dù nhìn cuốn hộ chiếu như đã bị chỉnh sửa", Smith kể lại.
Cha con nhà báo Mỹ sau đó cũng gặp được hướng dẫn viên Triều Tiên: một cô gái cởi mở đeo túi xách hàng hiệu cùng một người đàn ông trầm tính, dường như không nói mà chỉ lắng nghe và quan sát.
Theo hướng dẫn của hướng dẫn viên, cha con Smith không được chụp lại các công trình kiến trúc và quân sự hay hình ảnh binh lính.
"Ở một đất nước cứ 100 người lại có 5 người mặc quân phục thì đây là một hạn chế đáng kể. Họ cũng dặn dò chúng tôi, khi chụp tượng của nhà lãnh đạo khai quốc Kim Nhật Thành và con trai ông là Kim Jong-il, nhất định phải chụp toàn thân, không được cắt mất đầu hoặc chân", Smith nói.
Từ sân bay, cha con Smith được đưa trực tiếp đến khu đài tưởng niệm "tướng quân" Mansu Hill ở trung tâm Bình Nhưỡng bằng xe buýt nhỏ, tham quan hai bức tượng hoành tráng của Kim Nhật Thành và Kim Jong-il.
Tại đây, họ được cảnh báo không nhai kẹo cao su hoặc đứng bỏ tay trong túi quần, đồng thời yêu cầu đến một cửa hàng mua hoa tươi, cúi chào trước hai bức tượng và đặt hoa dưới chân tượng. Sau đó, họ được đưa đến một khách sạn bên bờ sông Taedong.
Nhà báo Mỹ cho biết, khách sạn ông ở chính là khách sạn mà Otto Warmbier lưu lại trong chuyến hành trình bi kịch sau này. Đây cũng là nơi nhiều du khách phương Tây lưu trú.
"Nơi này hầu như trống không nhưng chúng tôi được cảnh cáo rằng, không được ra ngoài khi không có người đi cùng, nếu không sẽ "gây ra vấn đề". Đêm đầu tiên trong khách sạn, nữ hướng dẫn viên trước khi rời đi đã yêu cầu chúng tôi hứa không được rời khỏi khách sạn".
"Thay vào đó, chúng tôi dành cả buổi tối trong các phòng giải trí dưới mặt đất, chơi bowling ở khu vực điều kiện kém (các quả bowling thường tự đổ) hoặc giải trí ở những "sòng bạc" của người Trung Quốc đến 21 giờ", Smith kể lại.
Nhà báo Mỹ cho biết, tuy được tham quan khá ít các khu thắng cảnh nhưng khi di chuyển trong thành phố, ông đã chụp trộm được một vài bức ảnh ở khu vực cấm chụp ảnh trong sự kinh ngạc của cậu con trai.
Nghi ngờ nối tiếp nghi ngờ
Một hướng dẫn viên Triều Tiên tại nhà tưởng niệm chiến tranh giải phóng Bình Nhưỡng. Ảnh: Craig S. Smith
Đối với ông, vùng nông thôn Triều Tiên giống hầu hết các địa phương ở Bắc Á - thời tiết khô vào tháng 4, một sắc vàng trải dài với những chiếc xe bò kéo và vài chiếc xe cơ giới.
Smith kể, trên xe, hai hướng dẫn viên hỏi ông nhiều vấn đề y như ông hỏi họ. Họ hỏi đi hỏi lại nghề nghiệp của ông.
"Tuy nhiên, những câu hỏi của họ thật đáng lo ngại, tôi cố gắng mỉm cười để khẳng định câu chuyện của mình. Họ nói nhiều về vấn đề gián điệp ở Triều Tiên khiến tôi nhận ra, tôi không nên đưa con trai đến nơi này", nhà báo Mỹ chia sẻ.
Ngày cuối cùng, True đề nghị quay trở lại xem bức tượng của hai "tướng quân". Hai hướng dẫn viên có vẻ bối rối, thậm chí thể hện sự lo lắng nhưng rồi cũng đồng ý. Sau đó, người hướng dẫn viên nam bất chợt biến mất một lúc rồi quay trở lại.
"Tại sao các anh lại muốn đi xem tượng tướng quân?", nam hướng dẫn viên hỏi.
Ông Smith cho biết, khi đó, ông giải thích rằng, hành trình du lịch bắt đầu từ đâu thì con trai ông cũng muốn kết thúc tại đó. Hướng dẫn viên nam im lặng đưa cha con ông đi đến một tòa nhà.
"Ông sẽ viết chứ?", Smith trả lời có khi tưởng tượng cảnh các khách du lịch viết cảm nghĩ tán thưởng chuyến đi.
Một người đàn ông từ khu nhà bước ra, thảo luận một lúc với nam hướng dẫn viên. Sau đó, ông Smith được yêu cầu viết lại lý do trở lại khu tượng đài. Viết xong, vì tò mò, ông đi theo nam hướng dẫn viên vào tòa nhà.
Bên trong không có cuốn sổ lưu niệm nhưng có một nhóm người mặc quân phục, nhìn thấy ông, họ tỏ vẻ khó chịu và ra hiệu xua ông ra ngoài.
Một lúc sau, nam hướng dẫn bước ra, nói rằng họ đồng ý cho cha con ông quay lại tượng đài "tướng quân".
"Nghĩ đến những gì xảy ra với Warmbier, nhìn lại toàn bộ chuyến hành trình của mình đều mang một sự rủi ro không cần thiết - Sự hoài nghi về thân phận, tấm hộ chiếu ướt nhèm, nhàu nhĩ, vài bức ảnh chụp trộm - có bức chụp mất đầu của ông Kim Nhật Thành - tất cả đều có thể được dùng để minh chứng cho ý đồ bất chính", ông Smith hồi tưởng.
Trên chuyến bay trở về Trung Quốc, ông thấy một bài viết với tiêu đề "Vũ khí hạt nhân sẽ chấm dứt cục diện bế tắc Triều Tiên - Mỹ" trên tờ Pyongyang Daily bản tiếng Anh.
"Rất nhiều người nói rằng, hành vi của tôi khi đó thật ngu ngốc nhưng cũng có nhiều người dễ dàng đánh giá thấp sự nguy hiểm khi đến Triều Tiên... Warmbier quá ngây thơ, tôi cũng vậy", nhà báo Mỹ chia sẻ.