Theo suy nghĩ của nhiều người, Vật lý nói riêng và khoa học nói chung là những vấn đề tương đối khô khan, khó nhằn. Nhưng đấy là bạn chưa được học trực tiếp các thí nghiệm khoa học thôi! Nhờ vào chúng mà khi nhìn vào bất kì hiện tượng nào trong đời sống, bạn đều có thể lý giải được.
Dù nhìn thấy suốt ngày nhưng không phải ai cũng giải thích được hiện tượng: "Tại sao trên bề mặt cốc nước lạnh lại có nhiều hạt nước bám vào dù cốc không hề bị thủng?".
1 dân mạng đã dựa vào tâm lý con người mà hài hước lý giải: "Nó biết sắp bị chúng ta uống nên sợ toát mồ hôi đó".
Tất nhiên đây chỉ là lời giải thích vui thôi và những giọt nước bám trên thành cốc lúc đó cũng không phải là nước trong cốc đâu.
Nguyên nhân của hiện tượng này: Ở ngoài không khí luôn có hơi nước ẩm. Nhiệt độ ở cốc nước lạnh sẽ làm giảm nhiệt độ không khí quanh thành cốc, khiến cho hơi nước ngoài không khí ngưng tụ bám vào thành cốc (Trong đó ngưng tụ là quá trình chuyển đổi vật chất từ trạng thái khí sang trạng thái lỏng).
Điều này cũng giải thích cho việc vào sáng sớm, có các giọt nước bám trên tán lá. Bởi nhiệt độ ban đêm giảm xuống nên đã sinh ra hiện tượng ngưng tụ hơi nước này.