Từ đầu tháng 11, hội phụ huynh lớp con chị Trần Thu Tươi (40 tuổi, Hà Đông, Hà Nội) đã rục rịch lên kế hoạch chuẩn bị quà cho giáo viên.
Ban đầu một số phụ huynh trong lớp đề xuất trích quỹ tặng cô giáo chủ nhiệm bức tranh khắc chữ "tri ân" bằng đồng có giá khoảng 2,5-3 triệu đồng làm kỷ niệm. Với điều kiện của hội phụ huynh, đa số nhất trí với phương án tặng tranh vì chi phí không quá cao, món quà cũng có ý nghĩa.
Tuy nhiên chỉ cách đây ít ngày, trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh lại lấy ý kiến về việc trích thêm 2 triệu đồng từ quỹ lớp để tặng cô giáo. Đề xuất này gây ra cuộc tranh luận bùng nổ trong nhóm chat.
Một số phụ huynh đồng tình việc chi thêm tiền vì cả năm mới có ngày lễ lớn dành cho giáo viên, không còn dịp nào để tặng quà tốt hơn dịp này. "Các lớp khác thậm chí tặng cô giáo món quà gần chục triệu đồng, nếu lớp mình tặng quà nhỏ quá thì không hay, nếu không bằng người ta thì cũng cố được một nửa là khoảng 5 triệu đồng". "Nếu lấy số tiền này chia nhỏ cho hơn 40 học sinh trong lớp cũng không phải quá đắt đỏ".... nhiều ý kiến được đưa ra.
Tuy nhiên có người cho rằng, đã tặng bức tranh trị giá khoảng 3 triệu đồng thì không nên đi thêm phong bì để giáo viên tránh khó xử.
"Mấy ngày hôm nay, tôi đau đầu chỉ vì câu chuyện tặng quà giáo viên như thế nào. Tin nhắn nhóm chat cứ reo liên tục khiến tôi không thể tập trung làm việc", chị nói. Ban đầu mọi người chỉ nêu quan điểm suy nghĩ của mình nhưng câu chuyện ngày càng đi xa, các phụ huynh thậm chí dùng các ngôn từ thiếu chuẩn mực để đáp trả nhau... Chỉ vì vấn đề nhỏ mà hội phụ huynh lại mất đoàn kết, ai cũng như đứa trẻ, sẵn sàng cãi cọ hơn thua với nhau.
Đỉnh điểm của cuộc cãi vã, có phụ huynh còn rời khỏi nhóm chat, xin thôi tham gia ban đại diện cha mẹ học sinh.
Chung cảnh với chị Tươi, anh Nguyễn Văn Hải (44 tuổi, Hải Phòng) mất ăn mất ngủ mấy ngày nay chỉ để nghĩ cách giảng hoà 2 phó trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh lớp con gái lớn.
"Làm trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh nhiều năm, lần đầu tiên tôi gặp trường hợp éo le như thế này. Người thì đề xuất tặng quà 20/11 cho giáo viên chủ nhiệm và các giáo viên bộ môn, người lại không đồng tình vì quỹ lớp không đủ để tặng quà cho 10 thầy cô. Không tìm được tiếng nói chung nên 'cạch' mặt nhau gần 1 tuần nay" , anh Hải nói.
Dù ủng hộ quan điểm tiết kiệm, nhưng những vẫn đề liên quan đến chi tiêu trong lớp, anh Hải không thể tự quyết, cần đưa ra bàn bạc trong Ban đại diện và toàn bộ phụ huynh.
Khác hai phụ huynh trên, chị Đinh Thu Trang (37 tuổi, TP.HCM) lại là nhân vật chính trong cuộc cãi vã với hội phụ huynh vì phản đối tặng tiền hay quà giá trị cho giáo viên ngày 20/11.
Trao đổi với các phụ huynh khác trong lớp, chị Trang không tin vào tai mình khi có người tặng phong bì 2 triệu đồng cho giáo viên, người nào hạn chế về tài chính hơn cũng đi tới 500.000 đồng/thầy cô.
"Tôi thắc mắc sao các con mới học lớp 1 mà phải đi quà cô giáo nhiều tiền thế, có phụ huynh nói con càng nhỏ càng phải đi nhiều, như vậy cô mới để ý quan tâm con" , điều này khiến chị Trang thấy khó hiểu vì dạy dỗ học sinh là trách nhiệm của thầy cô, đi tiền như vậy không khác nào bảo không tặng quà 20/11 thì thầy cô không dạy học sinh nữa.
Chị Trang kể, một phụ huynh khác trong lớp còn phải vay mượn để đủ tiền đóng phong bì tặng cô giáo vì sợ nếu ít quá thì con cái không được "bằng bạn bằng bè".
Với nhiều người, việc tặng tiền giáo viên ngày lễ tết trở thành điều quen thuộc, nên bình thường hoá nhưng với chị Trang, đây là hành động rất xấu, dễ sinh ra tiêu cực. Bởi vậy, mỗi lần được hỏi "Đi cô giáo 20/11 bao nhiêu là đủ?" , chị Trang đều bức xúc trả lời: "Tôi không muốn tri ân thầy cô bằng tiền".
Thái độ cương quyết của chị Trang khiến nhiều phụ huynh phật ý, lời qua tiếng lại. Chị dự tính trong dịp 20/11 năm nay sẽ cùng con cắm một lẵng hoa để tặng cho cô giáo chủ nhiệm. "Đây sẽ là món quà của con, do chính tay con chuẩn bị thay cho lời cảm ơn cô luôn yêu thương, dạy chữ cho con. Tôi muốn con mình hiểu sự tri ân phải đến từ quá trình, tình cảm, không phải đến từ tiền bạc" , chị Trang nói.
Cô Nguyễn Thanh Vân (57 tuổi, một giáo viên về hưu ở Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ, 20/11 là Tết của thầy cô, ngày đặc biệt này không chỉ để tôn vinh, khen ngợi mà còn là dịp để người giáo viên tự nhìn nhận lại mình xem còn thiếu sót ở đâu để thay đổi ngày một tốt hơn.
"Nghề giáo thiêng liêng nhưng cũng áp lực bởi giáo dục là yếu tố quan trọng cho sự phát triển của xã hội. Tôi thấy thế hệ giáo viên ngày nay còn áp lực hơn chúng tôi ngày xưa nhiều lần" , cô Vân nói và kể ngày xưa, đến ngày 20/11 cô trò đều hân hoan, nhận được lời chúc, lời cảm ơn là vui cả ngày nhưng giờ đây đến ngày Nhà giáo, các thầy cô khó vui nổi vì nhiều nỗi lo, lo nhất có khi là chuyện phụ huynh tặng quà, thậm chí sợ khi món quà đó là tiền.
Hơn 30 năm gắn bó với nghề giáo, chưa một lần cô Vân nhận tiền hay món quà đắt đỏ từ phụ huynh trong các ngày lễ Tết, mỗi lần rơi vào tình huống khó xử, cô giáo này đều thẳng thắn chia sẻ tâm tư với phụ huynh, "cô chỉ nhận tấm lòng, còn tiền các phụ huynh hãy mang về mua quần áo, sách vở cho con".
"Nếu nhận thì trái với đạo đức nghề nghiệp, trái với lương tâm. Với tôi món quà lớn nhất là nhìn học trò trưởng thành mạnh khoẻ, thành công bởi chung quy lại giữa danh dự và tiền bạc, danh dự người giáo viên thiêng liêng cao quý vẫn là điều lớn hơn tất cả" , người giáo viên về hưu chia sẻ.