Nếu được lựa chọn, hẳn sẽ chẳng ai muốn xa nhà, xa bố mẹ vào khoảnh khắc giao thừa chào năm, đón năm mới. Song, vì tính chất công việc mà nhiều người trẻ vẫn phải đi làm 30, mùng 1 Tết, thậm chí là xuyên ngày lễ.
Cùng lắng nghe tâm sự đầu năm của 2 người trẻ, làm các công việc khác nhau nhưng đều đón Tết xa nhà.
Ngọc Mai (25 tuổi) đang làm tiếp viên hàng không.
Trọng Nhân (23 tuổi, Tiền Giang) - đang làm thủ kho tại TP.HCM.
01
Hai năm liên tiếp không được ăn Tết cùng bố mẹ
Tiếp viên hàng không vốn đã là ngành nghề đặc thù, giờ làm việc khác hẳn với những người đi làm văn phòng. Do vậy, chắc chắn sẽ không tránh khỏi những lúc phải kéo vali đi làm trong khi mọi người còn đang say giấc hay dịp lễ Tết, đêm 30 và mùng 1 vẫn đang “bay trên trời”.
Đối với Ngọc Mai, đây là năm thứ 3 làm nghề nhưng cũng từng trải qua 2 lần không ở bên cạnh đón Tết với bố mẹ vào ngày mùng 1. “Năm 2021, dịch bùng phát mạnh nên sau một chuyến bay mình phải cách ly, nên đón Tết trong khách sạn. Còn năm nay chúng mình chia lịch bay Tết, mình có 2 chuyến bay ngắn vào sáng mùng 1. Do vậy phải chia đôi thời gian chứ không thể ăn Tết trọn vẹn bên bố mẹ như mọi người”, Ngọc Mai nói.
Nhớ về lần đầu tiên ăn Tết qua màn hình điện thoại, Ngọc Mai cho hay cảm xúc lúc đó là buồn, tủi thân và nhớ nhà. Mặc dù ngày nào cũng gọi điện về cho bố mẹ nhưng cũng vẫn không thể nguôi ngoai nỗi buồn. Ngược lại, bố mẹ của Ngọc Mai cũng rất lo lắng cho con gái, mong không khí gia đình đông đủ trong dịp Tết nhưng không thể hiện ra bên ngoài, mà chỉ động viên con gái cố gắng.
Ngọc Mai hiện đang là tiếp viên hàng không
Trải qua một lần đón Tết xa gia đình như vậy nên đối với Ngọc Mai, chuyến bay ngắn vào sáng mùng 1 vẫn là cơ hội tốt để cô có thể quay trở về nhà vào buổi chiếu, tối. “Đương nhiên chúng mình cũng có những đãi ngộ tốt khi làm việc vào ngày lễ. Điều này vừa là động lực nhưng cũng là sự bù đắp lớn cho chúng mình. Nhưng nói vậy thôi, mình vẫn thích được đón Tết trọn vẹn bên gia đình. Vì giờ mình 25 tuổi rồi, có thể lấy chồng bất cứ khi nào nên ở được với bố mẹ ngày nào là vui ngày đó”, Ngọc Mai hóm hỉnh chia sẻ.
Nói về xu hướng làm việc xuyên ngày lễ, Tết của người trẻ, Ngọc Mai cho rằng đó là mục tiêu tài chính cũng như quan niệm riêng của mỗi người. Còn đối với cô, cả năm đi đây đi đó, chỉ có Tết là dịp hiếm hoi có thể chăm sóc và thăm hỏi người thân. Do vậy, Ngọc Mai vẫn muốn hướng về gia đình, gạt công việc sang một bên để được tâm sự, trò chuyện cùng bố mẹ.
“Mình biết ngoài những bạn lựa chọn đi làm xuyên Tết cũng có những người giống mình, vì tính chất công việc nên phải vậy. Nhưng khá may mắn, công việc của mình linh hoạt về giờ giấc. Sau khi bay sáng, mình vẫn có thể về đi chúc Tết cùng bố mẹ. Hoặc nếu bay đêm, buổi sáng vẫn sắp xếp thời gian bên gia đình được. Dù thời gian bị cưa đôi và sẽ hơi gấp gáp nhưng mình vẫn cố gắng tranh thủ. Ra Tết, mình sẽ đưa gia đình đi du lịch để có thời gian nghỉ ngơi thêm cũng như khởi đầu cho một năm mới nhiều niềm vui, hạnh phúc”, Ngọc Mai chia sẻ.
02Làm mùng 1 nhân đôi lương nhưng cũng nhân đôi nỗi nhớ nhà
Theo Trọng Nhân chia sẻ, công việc của anh sẽ chịu trách nhiệm về việc phân phát, điều phối hàng hóa cho các nhà hàng trong hệ thống của công ty. Vì mùng 1 Tết các nhà hàng vẫn còn hoạt động cho nên anh cũng không thể nghỉ ngơi để về quê đón Tết. Công ty cách nhà hơn 100km nên Trọng Nhân không thể nào đi đi, về về. Do vậy, anh quyết định ở lại thành phố đi làm, ăn Tết một mình.
“Ngày Tết của mình cũng diễn ra như bình thường thôi. Sáng đi làm, tối về nghỉ ngơi để chuẩn bị cho ca làm vào hôm sau. Gia đình cũng có gửi một chút đồ ăn Tết để có không khí. Còn mình con trai nên cũng không trang trí nhà cửa, hoa mai gì cả”, Trọng Nhân nói.
Được tăng lương ngày Tết nhưng Trọng Nhân vẫn mong muốn được đón Tết với gia đình hơn
Trọng Nhân cũng thẳng thắn bày tỏ, làm việc xuyên lễ rất buồn và nhớ nhà. Bởi bạn bè đều lần lượt lên xe về quê đoàn tụ cùng người thân, chỉ còn riêng mình ở lại giữa thành phố xa lạ. Không những vậy, bố mẹ, nội, ngoại hai bên ở quê cũng đều trùng xuống một nhịp vì nhớ con, nhớ cháu.
Anh chàng giãi bày: “Buồn lắm nhưng công việc vậy rồi thì vẫn phải cố gắng. Mình được nhân 3 lương trong 5 ngày Tết nhưng công việc lại rất bận rộn vì Tết thiếu người, không có ai hỗ trợ mình thêm. Nên đôi khi tăng lương nhưng mình cũng không có quá nhiều động lực bởi nỗi nhớ nhà cũng tăng theo gấp bội”.
Đối với Trọng Nhân, gia đình luôn được đặt lên trên hàng đầu. Mọi yếu tố khác, kể cả kinh tế cũng đều xếp sau gia đình. Do vậy, Trọng Nhân nghĩ bản thân không phù hợp với xu hướng của nhiều người trẻ hiện nay là làm việc xuyên lễ, Tết. Cả năm đi làm vất vả, nếu được lựa chọn, Trọng Nhân vẫn muốn nghỉ ngơi, quây quần bên người thân hơn.
“Mỗi ngày dù bận mình đều dành thời gian gọi về nhà. Hỏi mọi người đang làm gì, đón Tết ra sao. Nghe mọi người động viên, chúc Tết mình cũng tủi thân và xúc động. Chưa bao giờ nghĩ sẽ ăn Tết xa nhà như thế này. Nhưng lớn rồi, những điều như thế này cũng là cách để mình trưởng thành hơn. Mình dự định đầu tháng 2 sẽ tranh thủ xin nghỉ bù để về quê cũng mọi người”, Trọng Nhân chia sẻ.