Hội nghị hòa bình Israel-Hamas thất bại - bóng ma chiến tranh hiện hữu?

Bá Thi |

Hội nghị thượng đỉnh hòa bình Israel - Hamas về Gaza do Ai Cập tổ chức đã kết thúc mà không đưa ra được giải pháp để giải quyết tình hình căng thẳng hiện nay. Nguyên nhân được cho là xuất phát từ sự khác biệt quan điểm của các bên liên quan, khiến hội nghị kết thúc mà không đạt được đột phá.

Không thống nhất được tuyên bố chung

Hội nghị thượng đỉnh hòa bình Israel-Hamas là hội nghị thượng đỉnh quốc tế đầu tiên về tìm kiếm giải pháp cho cuộc chiến tại dải Gaza kể từ khi xung đột giữa Israel và Hamas bùng phát ngày 7/10 vừa qua. Hội nghị được tổ chức theo sáng kiến của Ai Cập, một trong những quốc gia đi đầu trong các nỗ lực tìm kiếm lệnh ngừng bắn, có sự tham tham gia hết sức đông đảo của các quốc gia khu vực và thế giới.

Hội nghị hòa bình Israel-Hamas thất bại - bóng ma chiến tranh hiện hữu? - Ảnh 1.

Một đền thờ ở Khan Younis bị phá hủy trong cuộc không kích của Israel vào Gaza ngày 8/10/2023. Cuộc không kích nhằm đáp trả cuộc tấn công của Hamas vào Israel trước đó một ngày. Ảnh: Reuters

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi, Tổng thư ký Liên đoàn Arab cùng hàng chục nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu chính phủ hay đại diện cấp cao của các nước đã tham dự hội nghị, thể hiện sự quan tâm rất lớn của cộng đồng quốc tế về cuộc khủng hoảng này. Vì lẽ đó, không ít người đã đặt kỳ vọng rất lớn về một kết quả tích cực từ hội nghị có thể tác động hiệu quả đến tình hình chiến sự theo hướng hạ nhiệt căng thẳng, thậm chí đạt được một lệnh ngừng bắn tạm thời.

Tuy nhiên, đã không có bất kỳ một tuyên bố chung hay sáng kiến, giải pháp, đề xuất cụ thể nào được đưa ra tại Hội nghị và nhiều nhà phân tích gọi đây là một sự thất bại. Thế nhưng, trên thực tế, kết quả này là đã được giới phân tích dự báo từ trước khi Hội nghị diễn ra.

Ngay từ khi xung đột vừa bùng phát, phản ứng và cách tiếp cận giữa các quốc gia đã có sự vênh lệch và khác biệt rất rõ ràng. Mỹ và châu Âu lên án và chỉ trích rất gay gắt cuộc tấn công của Hamas vào Israel, ủng hộ quyền tự vệ của Israel dù chiến dịch không kích của Israel vào dải Gaza gây ra rất nhiều thương vong cho dân thường Palestine và bị thế giới A rập, Hồi giáo và nhiều quốc gia trên thế giới cực lực lên án. Sự khác biệt này tiếp tục được các bên theo đuổi quyết liệt tại Hội nghị ở Cairo và dẫn đến kết quả như chúng ta đã thấy là cuộc họp đã không thể đưa ra được một tuyên bố chung, không công bố được bất kỳ sáng kiến hay đề xuất nào để có thể giúp hạ nhiệt căng thẳng và chấm dứt chiến sự.

Khác biệt về quan điểm giữa các bên

Hội nghị thượng đỉnh được tổ chức trong bối cảnh chiến sự tại Gaza đã kéo dài trong hai tuần, gây ra con số thương vong rất lớn cho phía người Palestine, với khoảng 4.800 người chết và hơn 13.000 bị thương, cao nhất trong lịch sử xung đột tại Gaza và lớn gấp nhiều lần số thương vong mà Hamas gây ra trong cuộc tấn công vào miền Nam Israel hôm 7/10.

Điều này khiến dư luận thế giới hết sức giận dữ và phản ứng dữ dội nhất là tại các quốc gia Arab và Hồi giáo trong khu vực. Hàng trăm cuộc biểu tình đã nổ ra ở hàng chục quốc gia khu vực lên án chiến dịch tấn công của quân đội Israel. Người biểu tình kêu gọi các chính phủ Arab, các nước Hồi giáo và toàn thể cộng đồng quốc tế phải lập tức có hành động can thiệp mạnh tay để ngăn chặn bạo lực và bảo vệ dân thường Palestine.

Sự giận dữ, phẫn nộ bùng nổ trong dân chúng rõ ràng gây sức ép rất lớn lên giới lãnh đạo khu vực. Vì vậy, việc các nước Arab kiên quyết bác bỏ điều kiện của châu Âu là phải đưa nội dung công nhận quyền tự vệ của Israel vào Tuyên bố chung, là tất yếu và dễ hiểu.

Theo các nhà phân tích khu vực, nếu chấp nhận điều kiện này của châu Âu, có nghĩa là thế giới Arab đã thừa nhận tính chính đáng của chiến dịch tấn công vào dải Gaza của quân đội Israel, đồng thời phủ nhận quyền đấu tranh của người Palestine chống lực lượng chiếm đóng. Điều này là hoàn toàn không thể chấp nhận được với thế giới Arab, kể cả là dù không có làn sóng phẫn nộ chưa từng có trong dân chúng như chúng ta đã chứng kiến.

Tại Hội nghị, nhiều nhà lãnh đạo A rập cũng đã công kích rất gay gắt việc châu Âu áp dụng tiêu chí kép, chỉ coi trọng cuộc sống của người Israel mà xem nhẹ tính mạng của người dân Palestine.

Giải pháp nào để ngăn chặn xung đột lan rộng?

Với thực tế hiện nay, khả năng chiến sự tiếp tục leo thang là rất cao. Các nhà phân tích cho rằng với sự hậu thuẫn mạnh cả chính trị lẫn vũ khí từ phương Tây, Israel chắc chắn sẽ đẩy mạnh tấn công vào dải Gaza để thực hiện mục tiêu mà họ đề ra là đánh bại và tiêu diệt Phong trào Hamas. Trong đó, kịch bản Israel sớm phát động chiến dịch tấn công trên bộ vào Gaza, được cho là rất có khả năng xảy ra. Bởi lẽ, có nhiều thông tin nói rằng phương Tây chỉ muốn Israel trì hoãn cuộc tấn công bộ binh vào Gaza để có thêm thời gian giải cứu các con tin, chứ hoàn toàn không phản đối kế hoạch này.

Trong khi đó ở khu Bờ Tây, giao tranh cũng đang diễn biến ngày càng phức tạp và nghiêm trọng hơn. Một số chuyên gia cho rằng bạo lực ở Bờ Tây đang ở mức ác liệt nhất trong nhiều năm qua, khiến khoảng 1.500 người Palestine bị chết và bị thương. Đây là số thương vong rất lớn, nhưng nó đang bị lu mờ bởi số người chết và bị thương cao hơn gấp nhiều lần ở dải Gaza.

Nhưng đáng quan ngại hơn cả là nguy cơ bùng phát xung đột quy mô lớn ở mặt trận phía Bắc Israel giữa quân đội Israel và Phong trào Hồi giáo Hezbollah, nhóm vũ trang chống Israel có tiềm lực quân sự mạnh nhất tại khu vực. Kể từ đầu chiến sự tại Gaza, giao tranh chết người liên tục nổ ra giữa hai bên tại khu vực biên giới chung Israel-Lebanon và đợt giao tranh này được cho là nghiêm trọng nhất kể từ sau cuộc chiến Israel-Hezbollah mùa hè năm 2006, khiến hàng nghìn người chết và bị thương.

Tại mặt trận này, quân đội Israel đã tăng cường hàng chục nghìn quân cùng nhiều khí tài chiến đấu hạng nặng, đồng thời sơ tán toàn bộ dân cư trong phạm vi 5km dọc biên giới, để chuẩn bị cho kịch bản xung đột. Trong một tuyên bố ngày 21/10, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant cho rằng Hezbollah đã thực sự tham chiến và sẽ phải trả giá đắt về điều này.

Tuy nhiên, không ít nhận định cho rằng khả năng chiến sự lan rộng không phải là điều mà Mỹ và châu Âu mong muốn và dường như phương Tây đang gia tăng sức ép với Israel về điều này. Vì vậy, kịch bản chiến sự rõ ràng nhất trước mắt là vẫn chủ yếu ở các vùng đất Palestine, tức cả dải Gaza và khu Bờ Tây. Bởi với thực tế hiện nay, khả năng can thiệp quốc tế có thể khiến chiến sự dừng lại một cánh nhanh chóng là rất khó xảy ra. Những nước có ảnh hưởng nhất với Israel là Mỹ và châu Âu cũng không hề gây sức ép hay yêu cầu Israel ngừng bắn, mà chỉ khuyến cáo hạn chế gây thương vong cho dân thường.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại