Trải qua những ngày dịch bệnh khó khăn, ai cũng biết có một công việc để làm, có một nguồn thu nhập không ngắt quãng để duy trì cuộc sống là điều quan trọng đến cỡ nào.
Thế nhưng bất chấp nhận thức này, có một xu hướng đầy nghịch lý lại đang lan ra rộng khắp. Đó chính là chọn nghỉ việc ngay giữa dịch , hoặc không cũng là từ chối yêu cầu quay trở lại văn phòng của sếp sau thời gian giãn cách.
Có rất nhiều lý do để giải thích cho tâm lý này, nhưng tựu chung lại, có tóm gọn nó trong cụm từ "YOLO" (You Only Live Once - Bạn chỉ sống một lần trong đời). Thay vì sống an toàn, cẩn trọng mãi, nhiều người bắt đầu chọn đối mặt với rủi ro và sự mạo hiểm.
Đương nhiên, nhắc đến xu hướng thì có những người sống trong xu hướng và cũng có những người từ chối gia nhập nó. Bằng chứng là xoay quanh chính xu hướng nghỉ việc giữa dịch này cũng đã có không ít luồng ý kiến khác nhau xuất hiện.
Việc nhận ra đâu là ưu tiên thực sự của bản thân khiến nhiều người lựa chọn xu hướng YOLO
Phần đông cho rằng đây là xu hướng tất yếu của thì hiện tại. Dịch bệnh mang đến nhiều tác động xấu đến kinh tế, đời sống..., nhưng nhìn về một góc tích cực thì nó cũng khiến người ta sống chậm lại, có thời gian để suy nghĩ đâu là thứ mình cần và đâu mới thực sự là ưu tiên của mình.
Nói về vấn đề này, chị Nguyễn Mến - một người chọn YOLO nhưng vẫn dựa theo kế hoạch và mục đích nhất định cho hay: "Xu hướng này minh chứng rằng đa số trong chúng ta đều mong muốn có một đại dương vùng vẫy, được tự do làm điều mình muốn, không bị bó hẹp bởi công việc lặp lại.
Nhưng ai cũng sở hữu cho mình một vòng an toàn mà không phải ai cũng dám bước qua, nhưng khi dịch bệnh đến chúng ta bị đẩy ra khỏi vòng an toàn và nhận thấy rằng những thứ mà mình khát khao đều nằm ngoài vùng an toàn ấy".
Theo chị, YOLO là suy nghĩ nhất thời của một nhóm người nhưng đồng thời cũng là cơ hội tìm được chính mình của một nhóm người khác. "Những người không thích làm giàu, không thích startup, không kiên trì, chỉ số AQ kém thì sớm quay lại vòng an toàn của họ.
Còn những người thích những yếu tố trên nhưng chưa sẵn sàng hoặc còn lo sợ thì vòng xoáy đang lên này sẽ là cơ hội của họ, tương tự như việc muốn biết bơi thì phải nhảy xuống nước vậy", chị nói thêm.
Theo chị Mến, muốn biết bơi thì bạn phải nhảy xuống nước trước
Chị Mến không quên đưa thêm lời khuyên cho các bạn trẻ đang có ý định thử thách với xu hướng mới rằng: "Cái gì cũng có 2 mặt, cho nên nếu đặt mong muốn cá nhân lên hàng đầu, miễn tôi thích, tôi muốn là được như vậy thì mình cho rằng không nên, vì thế là buông thả.
Làm không có kế hoạch, mục tiêu cũng vậy, người đó sẽ không thể thành công được, thậm chí còn là vướng bận của tổ chức và xã hội. Nói chung làm gì cũng nên cân bằng, hài hoà và linh hoạt".
Cùng quan điểm như trên, tài khoản Tăng Tấn Đạt nhận định nhắn gọn: "Xu hướng sống của đại đa số người trẻ đã dần thay đổi, họ nhận ra rằng cuộc sống ý nghĩa không đồng nghĩa với việc bị cuốn bởi công việc và phải kiếm thật nhiều tiền".
"Bạn chỉ sống có mỗi 1 cuộc đời, nên cân bằng và tránh xa những điều khiến bạn mệt mỏi. Dành thời gian cho những gì mình đam mê, có thể nó không mang lại cho bạn quá nhiều tiền như vài thứ mà bạn phải làm vì trách nhiệm được trao do bạn giỏi, nhưng chắc chắn nó làm bạn không dễ dàng từ bỏ.
Thực ra cuộc đời là các sự lựa chọn và quyết định của chính mình. Nếu bạn luôn chịu trách nhiệm và chấp nhận lựa chọn và quyết định của mình, thì dù thành công hay không như dự định, bạn vẫn thanh thản chấp nhận nó. Và thay vì tập trung quá nhiều vào việc chối bỏ cảm giác thất bại, hãy chấp nhận thực tế và tìm cách giải quyết vấn đề mới cho lần sau", một tài khoản khác tên Rosy Nguyen chia sẻ.
Với Rosy, bạn có thể là người không thành công nhưng bạn nhất định phải yêu chính mình. Để rồi chính tinh thần AQ này sẽ giúp bạn tìm ra cơ hội ở bất cứ đâu, bất chấp thời gian, bất chấp lứa tuổi.
Phạm Thanh Thảo (SN 1987, TP.HCM) cũng đồng tình với quan điểm vì người ta chỉ sống một lần nên cứ sống hết mình, sống sao cho thật ý nghĩa, trọn vẹn, không lãng phí cuộc đời. Tuy nhiên, Thanh Thảo cho rằng không nên quá đắm chìm và lấy YOLO ra làm cớ cho mọi quyết định bốc đồng của bản thân.
"Mỗi lối sống sẽ có mỗi ưu điểm riêng và cả những rủi ro riêng. Nếu sợ rủi ro thì bạn chỉ có nằm đó và chờ ngày nói hai từ 'giá như'. Điều đơn giản là bản thân bạn đã chọn đúng phương tiện để áp dụng hay chưa? Nhìn chung không nên đắm chìm vào sự thoải mái của lối sống YOLO mà chỉ nên lấy đó làm kim chỉ nam cho lối sống và phát huy nó theo hướng tích cực", Thảo tâm sự.
Cá nhân Thảo nghĩ xu hướng mới này phù hợp nhất với những người muốn khám phá phiên bản tốt hơn của bản thân. Như Thảo chẳng hạn, có một câu cô hay áp dụng vào chính mình cũng như môi trường làm việc mà mình chọn lựa, đó chính là nhận ra sự khác biệt giữa "Bạn đã làm việc đúng" và "Bạn đã làm đúng việc".
Riêng với cô nàng T.N.A. đến từ Nam Định và hiện đang sinh sống tại TP.HCM thì lựa chọn của T.N.A lại là từ chối gia nhập liên minh nghỉ việc bất chấp nói riêng và YOLO nói chung.
N.A không phản đối xu hướng này nhưng cô cho rằng việc "dám từ bỏ công việc có nguồn thu ổn định" sẽ rất rủi ro nếu các kế hoạch khởi nghiệp sau khi nghỉ việc không thành công, nhất với thời điểm dịch bệnh đang phức tạp.
"Mình không dám vì mình thuộc dạng cẩn thận với các quyết định liên quan đến tiền bạc, và mình tin chắc rằng tình hình thị trường lao động và việc làm sẽ không mấy khả quan trong ít nhất 1-2 năm nữa", N.A đưa ra ý kiến.
Cũng theo N.A, khi mà thị trường lao động ngày càng được trẻ hóa, các lao động trẻ trình độ ngày càng tăng thì một người đã vượt quá lứa tuổi trẻ nhất như cô nếu nghỉ sẽ rất khó tìm được công việc với mức thu nhập như hiện tại.
Nhìn chung thì mỗi cá nhân đều có một lựa chọn lối sống cho riêng mình. Việc theo đuổi xu hướng mới cho phù hợp dòng chảy của thế giới cũng thế, nó có thể là gạch đầu dòng hấp dẫn với người này nhưng vẫn là đầu việc khiến người kia ngần ngại. Bởi vậy nên, nếu bạn chọn YOLO hoặc không thì đều nên trải qua quá trình cân nhắc, đúc rút kỹ càng để tránh hối hận.