Hội đồng Bảo an đàm phán căng thẳng trước cuộc bỏ phiếu về nghị quyết Gaza

Trần Nga |

Các thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đang đàm phán căng thẳng về một dự thảo nghị quyết do Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) bảo trợ nhằm thúc đẩy vận chuyển hàng viện trợ nhân đạo tới Gaza.

Ngôn từ và chi tiết văn bản nghị quyết đang là vấn đề khúc mắc cần sự nhất trí giữa Mỹ và các thành viên Hội đồng bảo an trước khi cơ quan này tổ chức cuộc bỏ phiếu vào ngày mai, sau 2 lần trì hoãn.

Nhằm tránh lá phiếu phủ quyết thứ 3 của Mỹ, các nước thành viên Hội đồng Bảo an đang đàm phán tích cực để Mỹ bỏ phiếu trắng hoặc bỏ phiếu ủng hộ. Dự thảo nghị quyết đặt trên bàn sáng qua kêu gọi “chấm dứt sự thù địch một cách khẩn cấp và bền vững”, nhưng ngôn từ này đã được giảm nhẹ trong dự thảo mới lưu hành vào sáng nay, theo đó chỉ “kêu gọi đình chỉ khẩn cấp các hoạt động thù địch để cho phép tiếp cận nhân đạo một cách an toàn và không bị cản trở", cũng như thực hiện các bước khẩn cấp hướng tới việc chấm dứt các hoạt động thù địch một cách bền vững. Mỹ trước đó đã phản đối ngôn ngữ về việc chấm dứt chiến sự.

Hội đồng Bảo an đàm phán căng thẳng trước cuộc bỏ phiếu về nghị quyết Gaza- Ảnh 1.

Chiến sự ở dải Gaza. Ảnh: Reuters

Dự thảo nghị quyết được UAE lưu hành vào sáng nay bày tỏ “mối quan ngại sâu sắc về tình hình nhân đạo đang xấu đi ở dải Gaza cũng như tác động nghiêm trọng của nó đối với dân thường”. Dự thảo nghị quyết yêu cầu các bên của cuộc xung đột (không nêu đích danh Israel và Hamas) tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển hàng viện trợ bằng đường bộ, đường biển và đường hàng không trên khắp dải Gaza, bao gồm cả việc vận chuyển qua cửa khẩu biên giới tại Karem Shalom. Dự thảo cũng kêu gọi Liên Hợp Quốc thiết lập một cơ chế giám sát việc cung cấp hàng viện trợ, cũng như yêu cầu thả ngay lập tức và vô điều kiện tất cả các con tin và tuân thủ luật nhân đạo quốc tế, trong đó yêu cầu bảo vệ dân thường cũng như nhà cửa, trường học, bệnh viện và cơ sở hạ tầng thiết yếu khác.

Các nghị quyết của Hội đồng Bảo an là rất quan trọng vì chúng có tính ràng buộc về mặt pháp lý. Các nhà ngoại giao cho rằng UAE và Mỹ cố gắng thống nhất ngôn ngữ, đặc biệt là ngôn từ ngừng chiến và đề xuất thiết lập cơ chế giám sát viện trợ của Liên Hợp Quốc. Mỹ và Israel phản đối lệnh ngừng bắn vì họ tin rằng nó sẽ chỉ có lợi cho Hamas. Thay vào đó, Mỹ chỉ ủng hộ việc tạm dừng giao tranh để bảo vệ dân thường và cho phép thả các con tin bị Hamas bắt giữ. Mỹ cũng chưa hài lòng với đề xuất trong dự thảo nghị quyết của UAE yêu cầu Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres thiết lập một cơ chế giám sát ở Gaza “để giám sát độc quyền tất cả các chuyến hàng cứu trợ nhân đạo tới Gaza được cung cấp qua các tuyến đường bộ, đường biển và đường hàng không của các quốc gia không thuộc các bên trong cuộc xung đột”.

Phó Đại sứ UAE Mohamed Abushahab bày tỏ hy vọng cuộc bỏ phiếu ngày mai sẽ được thông qua vì nhu cầu nhân đạo cấp thiết ở Gaza : "2,2 triệu người vẫn bị mắc kẹt với tỷ lệ cứ 10 người thì có 9 người không có đồ ăn. Người dân Gaza đang trải qua tình trạng đói khát ở mức độ chưa từng có, trong khi các bác sĩ thậm chí còn thiếu những vật tư y tế cơ bản nhất để điều trị cho những người bị thương và mối đe dọa lây nhiễm ngày càng tăng. Những gì chúng ta cần quyền tiếp cận. Nghị quyết phải yêu cầu sử dụng tất cả các tuyến đường bộ, đường biển và đường hàng không cho phép các hoạt động viện trợ đi vào Gaza. Israel phải ngừng ngăn chặn việc đưa hàng viện trợ vào và cho phép viện trợ cứu sinh vào dải Gaza".

Từ Jerusalem, phát biểu trực tuyến trước các thành viên Hội đồng Bảo an, Điều phối viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc về Tiến trình Hòa bình Trung Đông Tor Wennesland cũng nhấn mạnh: “Mức độ xung đột giữa Israel và Hamas cũng như quy mô chết chóc và tàn phá ở Gaza là chưa từng có và không thể chịu đựng đối với bất kỳ ai chứng kiến. Tôi cực lực lên án việc giết hại thường dân ở Gaza, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em. Tôi đau buồn trước sự mất mát của mọi thường dân, bao gồm cả 131 đồng nghiệp làm việc cho các tổ chức của Liên Hợp Quốc, tổn thất nhân mạng lớn nhất trong lịch sử của LHQ”.

Kịch chiến hiếm thấy ở Avdiivka – Ukraine ồ ạt tấn công cảm tử: Đếm ngược 12 ngày tới giờ G

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại