Đường Lên Đỉnh Olympia năm thứ 22 vừa mới chính thức lên sóng trận thi đầu tiên, trận tuần 1 - tháng 1 - quý 1. Cuộc thi là màn so tài của Nguyễn Khánh Tùng (THPT Thái Phiên, Hải Phòng), Chu Văn Sơn (THPT Quảng Oai, Hà Nội), Đặng Lê Nguyên Vũ (THPT Bắc Duyên Hà, Thái Bình) và Hà Vũ Anh (THPT chuyên Bắc Kạn, Bắc Kạn).
Mới lên sóng trận đầu tiên, ngoài điểm nhấn là những thay đổi về MC, luật chơi, sân khấu,... thì một trong những gạch đầu dòng khiến khán giả nhớ nhất là phần thi Vượt chướng ngại vật (VCNV). Với khán giả, nhiều người không ngần ngại cho rằng trận thi vừa rồi là trận thi có phần VCNV tấu hài nhất lịch sử chương trình.
Lý lẽ được đưa ra là ẩn số của hôm nay chỉ gồm 3 chữ số, các từ hàng ngang cũng không quá khó, các mảnh ghép cũng thể hiện khá rõ ràng nội dung của chướng ngại vật, song không có bất kỳ thí sinh nào đưa ra được câu trả lời đúng.
Đặc biệt, ở hàng ngang số 3 có câu hỏi: Từ nào còn thiếu trong câu nói xưa của ông cha ta: "Cứu người như..."?. Đáp án gồm 6 chữ cái.
Không phải là một câu nói quá xa lạ mà xuất hiện nhan nhản hằng ngày, nhưng bất ngờ là không ai ghi được điểm. Trong đó 3 thí sinh không có đáp án, người có đáp án duy nhất thì lại ngô nghê cho rằng đó là "XÂY NHÀ". Câu trả lời chính xác phải là "CỨU HỎA".
Câu nói "cứu người như cứu hỏa" xuất hiện từ rất lâu, thường được sử dụng trong đời sống hằng ngày, được dùng làm khẩu hiệu để tuyên truyền và được sử dụng thường xuyên trong từ ngữ báo chí. Câu nói này ngụ ý nhấn mạnh rằng cứu người như chữa cháy, không được chần chờ, chậm chạp.
Trong công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy, nguyên tắc hoạt động cứu nạn, cứu hộ đầu tiên cũng là ưu tiên cứu người bị nạn; thực hiện ngay các biện pháp bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, phương tiện, tài sản của người bị nạn và lực lượng cứu nạn, cứu hộ.
Còn về ẩn số của chương trình sau khi có các dữ kiện "60", "KHẨN CẤP", "CỨU HỎA", "ĐIỆN THOẠI" phải là 114 - tổng đài gọi cứu hỏa, cứu nạn trong trường hợp khẩn cấp ở Việt Nam. Trong khi đó, các con số mà các thí sinh đưa ra là 111 - 144 - 115. Điều này khiến khán giả không khỏi khó hiểu.
Ở Việt Nam các bạn cần ghi nhớ những số điện thoại khẩn cấp:
111 - là đường dây nóng bảo vệ trẻ em, hoạt động 24/24h hoàn toàn miễn phí
112 - là đầu số yêu cầu trợ giúp và tìm kiếm cứu nạn trên phạm vi toàn quốc
113 - là đầu số gọi công an hoặc cảnh sát khi có việc liên quan đến an ninh trật tự
114 - là đầu số gọi cơ quan phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn
115 - là đầu số gọi cấp cứu về y tế