Hồi chuông "báo động" ở Trung Quốc: Lãng phí hàng trăm triệu nhân dân tệ chỉ thu về con số 0

Tất Đạt |

SCMP cho biết, nhiều trường đại học ở Trung Quốc đang ngốn một khoản tiền khổng lồ trong khi không đưa ra được nghiên cứu có giá trị cho thị trường.

Kết quả đáng lo ngại

Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), nhiều trường đại học ở khu vực miền nam Trung Quốc bị phát hiện không đủ năng lực để biến các nghiên cứu học thuật thành ứng dụng mang lại giá trị trên thị trường. Việc này đang làm thất thoát lượng lớn tài nguyên quốc gia cũng như đặt ra câu hỏi về tham vọng tự chủ công nghệ của Trung Quốc.

Theo một báo cáo kiểm toán mới của khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây cho năm 2022, 9 trường đại học trong khu vực có tỷ lệ chuyển đổi rất thấp trong việc đưa các phát minh ra thị trường – chưa đến 1% – từ năm 2020 đến năm 2022. Trong số đó, một trường đại học không có một ứng dụng công nghiệp nào thành công trong số 862 dự án nghiên cứu đã triển khai và được tài trợ với tổng số tiền lên tới 131 triệu nhân dân tệ (tương đương 18,2 triệu USD).

Những phát hiện này càng là minh chứng rõ ràng cho mối liên kết suy yếu lâu nay trong nỗ lực tăng cường nghiên cứu cơ bản của Trung Quốc, vốn được coi là yếu tố rất quan trọng để nước này trở thành một siêu cường công nghệ vào giữa thế kỷ và vượt qua các biện pháp ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận công nghệ của Mỹ.

Liu Ruiming, giáo sư tại Viện Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Quốc gia tại Đại học Nhân dân, cho biết: "Về cơ bản, hiện tượng này đang phản ánh một vấn đề toàn quốc".

Hồi chuông báo động ở Trung Quốc: Lãng phí hàng trăm triệu nhân dân tệ chỉ thu về con số 0 - Ảnh 1.

SCMP cho hay, báo cáo kiểm toán dài 15.000 từ đã được đăng tải trong thời gian ngắn cách đây hai tuần trên trang web của Văn phòng Kiểm toán Quảng Tây trước khi bị xóa, nhưng những điểm chính đã được chia sẻ trên mạng. Kết quả kiểm toán dường như chỉ phản ánh hiện tượng tại 9 trường đại học được nêu tên và không rõ liệu những trường khác có được kiểm tra hay không.

Các chỉ số đánh giá chính và các biện pháp khuyến khích dành cho các giáo sư đại học Trung Quốc thường dựa trên nghiên cứu lý thuyết cơ bản, nhưng những nỗ lực như vậy thường rất khó chuyển đổi thành ứng dụng thực tế.

Ông Liu Ruiming nói: "Các nhà nghiên cứu dường như đang tiến hành nghiên cứu lý thuyết cơ bản, nhưng họ thường tạo ra một lượng lớn kết quả nghiên cứu vô ích, chủ yếu tập trung vào các đánh giá lý thuyết. Những kết quả đầu ra này không hoàn toàn có lợi cho việc thúc đẩy các lý thuyết cơ bản cũng như không trực tiếp chuyển đổi thành các ứng dụng thực tế. Do đó, điều này thể hiện tình trạng nghiên cứu dễ dàng và kém hiệu quả".

Theo 25 nhà khoa học và doanh nhân, những người đã cùng xuất bản một bài báo vào tháng 3 trên tờ China Science Daily, các trường đại học nên cải cách hệ thống đánh giá năng lực nghiên cứu dựa trên các bài báo học thuật.

Cần thay đổi chiến lược

Giáo sư Liu cho biết, việc phụ thuộc quá nhiều vào lý thuyết và thiếu hiểu biết về kết quả thực tiễn đã ảnh hưởng đến khát vọng công nghệ của Trung Quốc, đồng thời cho biết thêm rằng các cơ chế khuyến khích tuân thủ các tiêu chuẩn như vậy có nguy cơ khuyến khích nghiên cứu không đạt chuẩn. Hiện tại, nhiều trường đại học và tổ chức nghiên cứu ở Trung Quốc ưu tiên số lượng dự án nghiên cứu trong đánh giá công việc hàng năm của họ.

Ngoài ra, trong trường hợp không có tổ chức có hệ thống, các nhà nghiên cứu có xu hướng làm việc riêng lẻ và tạo ra các kết quả nghiên cứu ngắn hạn rời rạc. Bài báo cho biết thêm rằng điều này khiến việc đạt được những bước đột phá trong các lĩnh vực quan trọng trở nên khó khăn hơn.

Hồi chuông báo động ở Trung Quốc: Lãng phí hàng trăm triệu nhân dân tệ chỉ thu về con số 0 - Ảnh 2.

Bắc Kinh từ lâu đã kêu gọi tăng cường nghiên cứu cơ bản để đạt được sự tự lực ở mức độ cao về khoa học và công nghệ, và để Trung Quốc trở thành một "thế lực công nghệ" hàng đầu toàn cầu.

Tổng chi phí nghiên cứu và phát triển của Trung Quốc đứng thứ hai trên thế giới, tăng gấp ba lần so với năm 2012, theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc.

Trung Quốc cũng tăng cường đầu tư để biến các thành tựu khoa học và công nghệ thành các dự án hướng tới lợi nhuận, với quỹ nhà nước mục tiêu đạt 62,4 tỷ nhân dân tệ (8,7 tỷ USD) vào cuối năm 2022.

Tuy nhiên, tổng cộng 66,82 triệu nhân dân tệ (9,3 triệu USD) đã không được sử dụng trong thời gian dài tại 4 trường đại học, theo báo cáo kiểm toán của Quảng Tây. Ngoài ra, tại hai trường đại học, 22 dự án nghiên cứu được lập ngân sách cho quỹ dự án nghiên cứu không phù hợp với nhu cầu thực tế. Chênh lệch ngân sách và chi tiêu thực tế lên tới 69,24%, dẫn đến số tiền nhàn rỗi đạt mức 9,14 triệu nhân dân tệ (1,3 triệu USD).

Giáo sư Liu cho rằng việc biến các thành tựu khoa học và công nghệ thành ứng dụng thực tế có thể là động lực quan trọng đối với Trung Quốc trong thời kỳ suy thoái kinh tế.

"Đó là điều rất quan trọng vì nó đại diện cho một đòn bẩy mới trong quá trình cải cách", Liu nói.

Tuy nhiên, ông Liu lập luận rằng Trung Quốc hiện thiếu một thị trường thống nhất trên toàn quốc và toàn cầu để giao dịch các thành tựu khoa học và công nghệ – một thị trường mà các doanh nghiệp có thể tiếp cận những thành tựu này và các nhà nghiên cứu hiểu được nhu cầu của các doanh nghiệp.

"Có những hạn chế về chính sách cần phải khắc phục, chẳng hạn như những hạn chế đối với giao dịch giữa các miền, điều này cản trở việc xây dựng một thị trường quốc gia thống nhất," ông Liu nhận định. "Đây là một hạn chế đáng kể trong tình hình hiện tại của Trung Quốc".

Theo bài đăng trên WeChat của chính quyền tỉnh Chiết Giang, việc tăng tỷ lệ chuyển đổi kết quả nghiên cứu không có nghĩa là coi đó là định hướng duy nhất trong quá trình phát triển công nghệ của Trung Quốc. Thay vì hướng tới một phương án khác, các cơ quan nghiên cứu của Trung Quốc nên xây dựng một hệ thống đánh giá nghiên cứu hợp lý và đa dạng hơn, bài viết cho hay.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại