Trong bối cảnh những ca nhiễm COVID-19 mới tăng lên theo cấp số nhân ở các quốc gia châu Âu, châu Mỹ, hàng chục nghìn kiều bào, du học sinh Việt sinh sống, làm việc, học tập tại nước ngoài quyết định lựa chọn về nước để tránh dịch. Từ tâm dịch châu Âu, châu Mỹ, đa số, du học sinh đã đáp chuyến bay hồi hương đồng thời thực hiện cách ly tập trung 14 ngày.
Tuy nhiên, khoảng thời gian này cũng là lúc không ít các bạn học sinh cấp 3 chuẩn bị hành trang cho những chuyến du học diễn ra vào tháng 8/2020, hầu hết mọi người đều khá lo lắng vì dịch bệnh phức tạp, lịch nghỉ học kéo dài, lịch thi THPT Quốc gia bị lùi ảnh hưởng đến kế hoạch du học.
Học bổng du học Mỹ chưa bao giờ là điều dễ dàng
Lê Đặng Quỳnh Anh, học sinh lớp 12 Văn trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, cô bạn trúng tuyển Đại học Bucknell, bang Pennsylvania, Mỹ từ đợt tuyển sinh sớm vào tháng 12 và nếu theo dự kiến thì ngày 12/8 Quỳnh Anh sẽ bay sang Mỹ nhập học.
Nữ sinh cho biết: "Mình bắt đầu học SAT2 và SAT1 từ lớp 10, đến khoảng giữa lớp 11 thì mình hoàn thành xong 2 chứng chỉ này. Trong kỳ 2 lớp 11 mình có thay đổi định hướng du học sang các nước châu Âu do điều kiện tài chính của gia đình, tuy nhiên đến mùa hè hết lớp 11 mình chính thức quyết định đi Mỹ. Nhìn chung điểm số của mình không cao so với các bạn trường Amsterdam nhưng mình nghĩ rằng hồ sơ apply của mình trúng tuyển phụ thuộc chủ yếu vào việc viết luận đầu năm lớp 12."
Bạn Lê Đặng Quỳnh Anh, học sinh lớp 12 Văn trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam.
Quỳnh Anh chia sẻ cô bạn lựa chọn du học Mỹ vì muốn thử thách bản thân, cũng như hy vọng được trải nghiệm, tiếp thu kiến thức, tinh hoa từ đất nước này. Tuy vậy quá trình apply xin học bổng với các trường Đại học ở Mỹ rất khắc nghiệt, đặc biệt là học sinh phải hoàn thành tốt các bài luận và không ít các kỹ năng.
"Khi bắt đầu chuẩn bị du học, mình may mắn có gia đình, nhất là anh trai rất ủng hộ. Anh trai mình cũng là 1 du học sinh và hiện đang làm việc ở Phần Lan. Đối với mình thì sự ủng hộ tinh thần có tác dụng rất lớn mỗi khi bản thân thấy việc học stress hoặc mơ hồ về những quyết định tương lai.", cô bạn nói.
Nữ sinh trường Amsterdam tâm sự khó khăn lớn nhất gặp phải là khả năng ngoại ngữ chưa tốt vì thế việc học tiếng Anh thực sự khá chật vật. Quỳnh Anh đang cố gắng để trau dồi ngôn ngữ thứ 2 này trước khi bắt đầu du học Mỹ.
Ngoài ra, tài chính gia đình cũng ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình apply của học sinh nhưng may mắn là nữ sinh có được sự động viên và ủng hộ từ gia đình nên áp lực tài chính cũng giảm đi ít nhiều.
Quỳnh Anh tâm sự: "Mình nghĩ vốn dĩ việc chọn đi du học đã là quyết định mạo hiểm, ở Việt Nam có gia đình bạn bè và môi trường quen thuộc nên tất nhiên quyết định du học trong tình hình dịch là rất rất mạo hiểm.
Cuộc sống của du học sinh xa nhà sẽ thiệt thòi nhưng mình tin những khó khăn ấy một phần cũng sẽ giúp mình mạnh mẽ hơn và để có được trải nghiệm mới ở môi trường mới không tránh được các khó khăn."
Bạn Hoàng Ngọc Vương, học sinh trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam cũng chuẩn bị đi du học tại đại học Colgate University, Mỹ chia sẻ: "Quyết định học Đại học Mỹ, mình muốn thử thách bản thân ở một môi trường mới. Mình cảm giác là việc học tập và sinh hoạt độc lập ở một đất nước mới sẽ giúp mình trưởng thành hơn."
Quá trình apply xin học bổng với cậu bạn bắt đầu bằng các bài thi Standardised Testing như SAT và TOEFL rồi sau đó là việc viết luận và chọn trường, Vương nói: "Khoảng thời gian apply khá đáng nhớ với mình vì nó thực sự cho thấy được rằng trong thời khắc khó khăn bạn bè và gia đình là chỗ dựa vững chắc vô cùng.
Có những hôm mình và nhóm bạn thân ngồi viết luận với nhau đứa nào đứa nấy cũng còn vài chục bài để nộp nhưng vẫn luôn động viên nhau cố gắng."
Bạn Hoàng Ngọc Vương, học sinh trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam - Ảnh: IVMUN/ Glee Ams
Nhưng rất có thể lỡ cơ hội du học vì lùi thời gian thi THPT Quốc gia
Theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT, lịch thi Quốc gia năm 2020 kết thúc vào ngày 11/8 trong khi trường ĐH ở Mỹ của Quỳnh Anh yêu cầu các sinh viên quốc tế phải có mặt vào 12/8, vậy nên nữ sinh này sẽ phải ra sân bay ngay sau khi thi xong để kịp đến Mỹ. Không chỉ thế, hiện tại Đại Sứ Quán Mỹ đã tạm đóng phỏng vấn Visa nên các bạn học sinh chuẩn bị đi du học sẽ phải chờ phỏng vấn lâu hơn.
Trường Đại học Bucknell, bang Pennsylvania, Mỹ cũng yêu cầu sinh viên phải nộp bảng điểm cuối năm và bằng tốt nghiệp, vì thế Quỳnh Anh đã chuẩn bị trước cho việc gửi email giải thích và xin trường được hoàn thiện các giấy tờ thủ tục nhập học muộn hơn vì ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Quỳnh Anh cho biết: "Mình khá lo lắng vì thời gian tốt nghiệp THPT muộn sẽ ảnh hưởng đến việc nhập học ở Mỹ, thêm nữa là phải chờ tình dịch dịch ở Mỹ ổn định, nếu diễn biến dịch bệnh vẫn phức tạp thì chắc chắn bố mẹ mình sẽ không để con sang Mỹ du học lúc này. Ngoài ra mình cũng lo bởi đang dịch nên không thể tham gia đủ các khóa học chuẩn bị cho cuộc sống mới ở Mỹ."
Thời điểm này, cô bạn đang học online theo lịch và tự học theo các sách tham khảo để ôn luyện chuẩn bị cho kỳ thi THPT Quốc gia vào tháng 8. Các thầy cô trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam có kết hợp cả Zoom và Google Classroom cho việc dạy, học, làm bài tập về nhà, có 1 số thầy cô còn làm đề kiểm tra qua Google Form.
Dù các trường đều dạy và học online nhưng tâm lý chung của học trò vẫn là muốn được tương tác trực tiếp với thầy cô bạn bè ở lớp. Quỳnh Anh chia sẻ nghỉ học thời gian dài ảnh hưởng nhiều tới hiệu suất học tập đặc biệt đến học sinh cuối cấp, chuẩn bị tốt nghiệp nhưng việc hy sinh lợi ích bản thân để giữ an toàn chung cho đất nước là điều nên làm.
Theo dự kiến, tháng 8/2020, Hoàng Ngọc Vương cũng lên đường sang Mỹ du học nhưng chưa xác định được thời gian cụ thể vì còn phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh.
Việc nghỉ học kéo dài ảnh hưởng, không đến trường làm ảnh hưởng kha khá đến tiến độ ôn thi tốt nghiệp của cậu bạn. Nam sinh cho hay bản thân bạn ấy học online vốn không hiệu quả bằng học trực tiếp với thầy cô nhưng Vương cũng cố gắng tự học, tự ôn để bù lại cho việc này.
Chia sẻ về kỳ thi THPT Quốc gia 2020, cậu bạn tự học là chủ yếu, thường xuyên truy cập study hanoi làm đề của sở, mỗi buổi sáng bọn lớp Vương đều có các tiết học online trên Zoom.
"Các thầy cô đều rất tận tâm và nỗ lực để đưa các bài giảng đầy đủ và chi tiết dù thời gian học bị giảm đi nhiều đồng thời thầy cô cũng đưa ra những hướng dẫn về cách phối hợp học cả Zoom cả học trên truyền hình, việc chuẩn bị được một chương trình online thế này là rất kì công và chu đáo.", Vương cho biết.
Sẵn sàng "Gap year" một năm vì sức khoẻ là điều quan trọng nhất
Bố mẹ của Quỳnh Anh muốn cô bạn "Gap year" 1 năm ở Việt Nam, tâm lý chung của các bậc phụ huynh đều không yên tâm để con cái đi du học trong tình hình này vì sức khỏe con người vẫn luôn là quan trọng nhất.
Cô bạn cũng đã chuẩn bị tâm lý cho trường hợp xấu nhất, nữ sinh cho rằng đây không hẳn là lựa chọn tệ bởi thời gian 1 năm đủ để Quỳnh Anh có thể trau dồi kỹ năng và kiến thức giúp bản thân trưởng thành hơn.
Cô bạn có thể giải thích lý do chính đáng với trường để được nhập học vào mùa thu năm 2021 mà vẫn giữ nguyên học bổng. Quỳnh Anh chia sẻ thêm Đại học Bucknell đã thông báo lùi lịch tốt nghiệp của sinh viên năm cuối từ tháng 5 sang tháng 7.
"Mình vẫn cập nhật email và thông tin từ trường hàng ngày tuy nhiên chỉ khi trường điều chỉnh lịch nhập học của sinh viên năm nhất và tình hình dịch bệnh ổn định, mình mới có thể qua Mỹ nhập học bình thường.", nữ sinh kể.
Sau khi nhận được thông báo trúng tuyển vào trường Đại học Bucknell, bang Pennsylvania, Mỹ, Quỳnh Anh có dự định tham gia một vài khóa học để giúp bản thân dễ thích ứng với môi trường đại học sau này.
Nhưng do tình hình dịch nên các lớp cô bạn muốn tham gia đều đang bị hoãn lại, hiện tại cô bạn mới chỉ đang học 1 lớp viết luận đại học.
"Do được nghỉ học tránh dịch, khá nhiều thời gian rảnh rỗi nên mình cũng tham khảo 1 số khóa học online và đang cố gắng tự học nhiều hơn. Mình cảm thấy có nhiều thời gian hơn cho bản thân cũng là cách để rèn luyện tính kỷ luật về thời gian.
Mình phải tự học cách quản lý bản thân nghiêm khắc hơn để không bị cuốn vào mạng xã hội. Cũng nhờ có thời gian nên mình có cơ hội đứng trong bếp nhiều hơn, mình vốn thích nấu ăn nhưng trong năm học chưa có thời gian để làm.
Mình có chuẩn bị học ngôn ngữ thứ 3 là tiếng Trung, nhưng chắc phải chờ qua dịch lớp mới khai giảng được. Hiện tại, mình đang tham gia 1 lớp luận cho bậc đại học với cô giáo người Việt đang giảng dạy tại Mỹ và cũng được cô chia sẻ rất nhiều kinh nghiệm quý báu cho môi trường đại học, tìm khoá học online về phương pháp học để sau này có thể bắt nhịp với việc học dễ hơn.
Mình mong có thể thích ứng được với cuộc sống mới và chăm sóc tốt cho bản thân, ổn định việc học. Các bạn đang chuẩn bị cho việc du học thì điều quan trọng nhất là phải tin vào bản thân, nỗ lực để đạt được điều mình muốn.", Quỳnh Anh bộc bạch.
Trao đổi với với nam sinh trường Amsterdam, cậu bạn cho hay: "Thực ra mình lo về dịch bệnh và sự an toàn của bạn bè người thân hơn, học đúng là quan trọng nhưng mà so với tình hình dịch bệnh hiện nay thì sức khoẻ cộng đồng trở thành vấn đề đặt lên hàng đầu, học chậm một chút cũng không phải chuyện quá lo lắng với mình.
Mình sẵn sàng Gap year một năm ở Việt Nam nếu dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, và coi đây cũng là cơ hội tốt để mình có thời gian trau dồi thêm. Mình muốn học một số kĩ năng như design, học barista, tham gia các dự án ngoài lề nữa về âm nhạc, đi quay phim cũng muốn đi thực tập để có thêm kinh nghiệm làm việc, muốn giữ một cái nhìn mở về mọi thứ.
Mình cảm thấy khá nhẹ nhõm, mình đã chuẩn bị sẵn tinh thần là học đại học nào cũng được nên không căng thẳng lắm. Vì với mình học đại học ở đâu không quan trọng bằng việc làm gì trong khoảng thời gian đó. Quan trọng nhất là sức khỏe, nếu tận dụng được triệt để thời gian thì việc đại học tại Việt Nam hay Mỹ cũng giá trị như nhau."
Vì nhiều lý do khách quan nên việc Gap year ở Mỹ khá phổ biến, một số trường Đại học Mỹ vẫn khuyến khích sinh viên Gap year sau khi apply xong để có thời gian suy nghĩ và định hướng bản thân đồng thời tích lũy kinh nghiệm sống.
Bởi vậy Vương cho rằng nhìn chung vấn đề Gap year sẽ không ảnh hưởng nhiều đến học bổng hay điều kiện học tập của du học sinh đến Mỹ. Trong trường hợp dịch bệnh kéo dài thêm, ngày càng phức tạp, cậu bạn cũng đã tính đến phương án có thể sẽ học Đại học ở Việt Nam.
Nam sinh khẳng định hoàn toàn không có ý định bay sang Mỹ nếu không đảm bảo được an toàn của bản thân. Quyết định này của Vương đã bàn bạc với bố mẹ, gia đình luôn ủng hộ cũng như đưa ra những chỉ dẫn, lời khuyên và ý kiến riêng để cậu bạn cân nhắc.
Vương kể: "Mình cũng có nhiều thời gian để dành cho các sở thích khác như đọc sách xem phim viết nhạc, phải trở nên chủ động hơn trong việc học tập và làm bài vì bình thường ở trường thì mình học rất tập trung nhưng mà ở nhà thì việc rèn luyện sự tập trung trở nên cần thiết hơn tại vì tự học là chủ yếu." - Ảnh: Glee Ams
Khoảng thời gian này, nam sinh đang học một khóa viết luận chuẩn bị cho việc học Đại học, bắt đầu đọc về chính trị Mỹ nhiều hơn, theo dõi các tin tức mới nhất, xem các kênh truyền thông đáng tin cậy về các vấn đề xã hội văn hóa của Mỹ.
"Một cái nhìn lạc quan cùng với sự đồng lòng là vô cùng quan trọng giúp đưa ra những giải pháp sáng tạo để tiếp tục thúc đẩy công cuộc giáo dục học tập trong mùa dịch Covid-19.
Điều mình hy vọng nhất bây giờ là các bác sĩ có thể giữ gìn sức khỏe, mình vô cùng cảm kích vì họ vẫn luôn đứng ở đầu chiến tuyến làm việc không ngừng nghỉ vì sự an toàn của toàn dân. Mình mong muốn mọi người tuân thủ chính sách nhà nước và hạn chế đi ra ngoài trừ khi thực sự cần thiết, tất cả là vì một cộng đồng khỏe mạnh.
Các anh chị, các bạn du học sinh Việt Nam mà không thể về nước hoặc đang bị kẹt ở đất khách thì em chỉ mong là mọi người an toàn và hãy chăm sóc bản thân thật tốt. Dù là ở đâu, chúng ta vẫn là người Việt Nam và hơn bao giờ hết chúng ta phải đồng lòng trong công tác chống dịch.", nam sinh tâm sự.