Học sinh ở bản biên giới leo đỉnh núi, dựng lán hứng sóng để học trực tuyến

Ngọc Tú |

Dù ở khu vực không có sóng điện thoại nhưng không muốn bỏ lỡ buổi học nào của thầy cô giáo, nhiều học sinh phải lên các đỉnh núi cao, dựng lán hứng sóng để học trực tuyến.

2 anh em Dần và Thành được bố dựng 1 lán nhỏ trên đỉnh núi để hứng sóng 3G học trực tuyến.

2 anh em Dần và Thành được bố dựng 1 lán nhỏ trên đỉnh núi để hứng sóng 3G học trực tuyến.

Trèo lên núi dựng lán hứng sóng cho con học trực tuyến

Suốt 1 tuần qua, ngày nào anh Xồng Bá Tủa (33 tuổi, trú bản Mường Lống, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong, Nghệ An) cũng chuẩn bị một ít tư trang rồi chở con và cháu đến đỉnh núi cao nhất của bản hứng sóng rơi cho con học trực tuyến. Dù ngày nắng hay mưa thì anh Tủa vẫn không để con bỏ sót buổi học trực tuyến nào.

"Tôi phải đi khảo sát nhiều giờ mới tìm thấy một vạt đất khá bằng có sóng 4G ổn định nhất. Tuy cách nhà chỉ 2km nhưng đi phải mất 30 phút vì đường núi khó đi. Ngày nào tôi cũng dùng xe chở con và cháu lên đó hứng sóng mạng để học trực tuyến", anh Tủa chia sẻ.

Học sinh ở bản biên giới leo đỉnh núi, dựng lán hứng sóng để học trực tuyến - Ảnh 1.

Lán trại của Dần và Thành nằm trên đỉnh núi, xung quanh là cây cối rậm rạp.

Năm học 2021-2022 này, con anh Tủa là Xồng A Dần (học lớp 6A1, trường Dân tộc nội trú THCS Quế Phong). Cũng ở gần đó, Xồng A Thành (cháu anh Tủa) cũng học cùng lớp với Dần nên hàng ngày được anh Tủa chở đi để cùng học chung 1 chiếc điện thoại.

Được biết, những ngày đầu năm học, huyện Quế Phong được phép học trực tiếp, trực tuyến. Tuy nhiên, chỉ ít ngày sau khai giảng, xã Tri Lễ xuất hiện ca bệnh Covid-19 nên toàn bộ huyện phải dừng cả học trực tiếp lẫn trực tuyến.

Bản Mường Lống là vùng sâu, xa nhất của xã Tri Lễ. Nơi đây hiện vẫn chưa có điện lưới, sóng điện thoại cũng chập chờn. Chính vì thế, khi có dịch và chuyển sang học trực tuyến thì gây khó khăn cho học sinh nơi này.

Học sinh ở bản biên giới leo đỉnh núi, dựng lán hứng sóng để học trực tuyến - Ảnh 2.

Cả 2 đều nhà nghèo nên anh em Dần và Thành chỉ học chung 1 chiếc điện thoại. Các em phải gắn thêm loa để nghe cô giảng bài cho rõ.

Tuy nhiên để con không bị bỏ rơi buổi học nào, anh Tủa lần mò đến những đỉnh núi cao để dò sóng 3G, 4G rơi rớt cho con học trực tuyến. Để ổn định, anh lấy cây gỗ, tre và ít bạt dựng thành cái lán nhỏ. Bên trong anh dùng ván gỗ cho con làm chỗ ngồi và tận dụng ít cành cây buộc lại làm giá đỡ điện thoại.

"Cái lán tôi dựng tạm cho con và cháu học nhưng cũng khá chắc chắn, có bạt để che nắng che mưa nên an tâm học. Ngày nào tôi cũng chở con và cháu đến trước giờ cô giáo bắt đầu dạy học cho ổn định mạng.

Thấy tôi dựng lán ở đó học vì có sóng khỏe, nhiều người trong bản sau đó cũng ra dựng lán tương tự để con của họ hứng sóng học trực tuyến", anh Tủa nói và cho biết, đến nay có khoảng hơn 10 em học sinh ở cấp 2, cấp 3 đến đây để hứng sóng học.

Học sinh ở bản biên giới leo đỉnh núi, dựng lán hứng sóng để học trực tuyến - Ảnh 3.

Nhiều lúc sóng không ổn định, anh em Dần và Thành cũng phải ra khỏi lán để hứng sóng 3G rơi rớt.

Cô Lữ Thị Thanh Hải - Giáo viên chủ nhiệm lớp 6A1 cho biết, ở bản Mường Lống thì duy nhất chỉ có 2 anh em Dần và Thành trúng tuyển vào học lớp 6 của trường. Nếu học trực tiếp thì các em sẽ được học và ăn ở bán trú tại trường. Tuy nhiên, vì dịch nên hiện đang học online.

"Sau ngày khai giảng trường tổ chức học được 5 hôm, sau đó dịch bùng phát thì buộc phải nghỉ học. Đến hôm 16/9 thì toàn huyện mới trở lại học trực tuyến. 2 em Dần và Thành ở bản khó khăn, xa nhất nên dự định cô sẽ đưa bài vào cho các em tự học.

Tuy nhiên sau đó bố mẹ gọi đến thông báo 2 em đã tìm được chỗ có sóng để học trực tuyến là lán trại trên núi nên tôi vừa vui mừng, vừa thương. Tuy khó khăn, vất vả nhưng các em vẫn cố gắng để học.

Nghĩ đến cảnh ngày mưa gió bão bùng này mà các con phải học ở những nơi thiếu thốn như thế lại thấy thương. Mong dịch sớm ổn định để đón các bạn về trường học", cô Hải chia sẻ.

Nấu cơm mang đến đỉnh núi có sóng để học online

Trời vừa sáng, Và Ý Lỳ (học sinh lớp 11A12, Trường THPT Quế Phong, huyện Quế Phong, Nghệ An) dậy nhen lửa tự nấu cơm, luộc ít măng rừng làm thức ăn để chuẩn bị cơm trưa và tối rồi vội vàng leo lên đỉnh núi cao, nơi đã dựng sẵn lán bạt làm góc học tập chuẩn bị cho buổi học trực tuyến.

Học sinh ở bản biên giới leo đỉnh núi, dựng lán hứng sóng để học trực tuyến - Ảnh 4.

Sóng không ổn định một vị trí nên Lỳ phải thay đổi liên tục, lúc thì ngồi ở cây, lúc thì treo lên các mỏm đá cao để hứng sóng.

Nhà Lỳ ở bản của xã biên giới Tri Lễ (huyện Quế Phong) nên không có sóng điện thoại. Từ bản ra trung tâm xã cũng phải đi xe máy mất gần nửa ngày vì đường xa. Vì thế, việc tìm nơi có sóng 3G để học online đối với Lỳ là câu chuyện khó.

Sau nhiều lần tìm kiếm, Lỳ cũng đã tìm được một đỉnh núi cao cách nhà hơn 10km là nơi có sóng 3G mạnh để học trực tuyến. Dù lịch học của lớp Lỳ là buổi chiều nhưng lần nào Lỳ cũng phải đi từ lúc 10h sáng để kịp giờ học. Sau giờ tan lớp, Lỳ đi về đến nhà cũng đã là đêm muộn.

Hơn 1 tuần qua, Lỳ đã gắn bó với góc học tập của mình là một bụi cây nhỏ ở lưng chừng núi. Lỳ không thể dựng lán, trải bạt nên chỉ nhặt một ít cành cây buộc lại với nhau để làm giá đỡ điện thoại cho dễ nhìn rồi ngồi học. Lúc sóng rớt, Lỳ phải trèo lên các tảng đá để hứng sóng học.

"Nói là mạng mạnh nhưng cũng tùy bữa, có bữa em học được trọn vẹn bài giảng của cô, nhưng có lúc thì mạng rớt cứ vào học lại mất mạng. Hôm thì trời mưa em lại phải bỏ dở giữa chừng", Lỳ nói và cho biết, mỗi ngày đi cả chục km để hứng sóng học, tuy vất vả nhưng đó là cách duy nhất để được học mà không bỏ lỡ kiến thức của cô dạy.

Học sinh ở bản biên giới leo đỉnh núi, dựng lán hứng sóng để học trực tuyến - Ảnh 5.

Hoa không dựng lán mà chỉ lấy những cành cây buộc lại với nhau làm giá đỡ điện thoại cho cố định hứng sóng rồi ngồi học giữa núi rừng.

Tương tự như Lỳ, Vừ Y Hoa là học sinh duy nhất của bản Huồi Xái (xã Tri Lễ) đậu vào lớp 10 Trường THPT Quế Phong trong năm học này. Những ngày đầu học trực tuyến, Hoa chưa tìm được điểm có sóng 3G và cũng biết kết nối để vào lớp. Sau nhiều lần được chỉ dẫn, thì đến ngày thứ 3 Hoa mới có thể tìm được điểm có sóng và vào học buổi đầu tiên.

Góc học tập của Hoa là ở đỉnh ngọn đồi cách nhà hơn 1 giờ đồng hồ đi bộ. Những ngày nắng ráo và sóng ổn định thì Hoa có thể suôn sẻ học bài cả buổi. Nhưng có những ngày trời mưa, sóng kém thì điện thoại của Hoa mất mạng liên tục. Có hôm, trời mây âm u, Hoa đi bộ đến điểm học thì hứng mãi cũng không tìm được điểm có sóng để học lại đành quay về.

Học sinh ở bản biên giới leo đỉnh núi, dựng lán hứng sóng để học trực tuyến - Ảnh 6.

Việc học trực tuyến khiến những học sinh miền núi vùng sâu vùng xa gặp khó khăn vất vả. Nhất là với những xã chưa có điện, chưa có sóng điện thoại nên các em phải trèo lên các đỉnh núi để hứng sóng.

Ông Vi Văn Cường - Chủ tịch xã Tri Lễ cho biết, vì xã này là xã biên giới, vùng sâu nhất của huyện nên nhiều bản vẫn chưa có sóng điện thoại hoặc sóng kém, gây khó khăn trong cuộc sống của người dân, đặc biệt là việc học trực tuyến. Nhiều học sinh phải lên núi hoặc xin ở nhà người thân tại các khu vực có sóng để học.

h5

Nhiều học sinh nghèo ở các xã miền núi được tặng điện thoại để phục vụ việc học trực tuyến trong thời gian dịch Covid-19.

Ông Cường cho biết thêm, xã này vừa được giảm giản cách xuống áp dụng Chỉ thị 19. Tuy nhiên dự kiến đến tuần sau thì các học sinh mới có thể đến trường học trực tiếp theo phương án chia đôi lớp học và áp dụng song song với học trực tuyến.

"Hôm nay xã đang tập trung lau dọn, vệ sinh, khử khuẩn các điểm trường trước đây được mượn làm khu cách ly. Dự kiến trong chiều 24/9 sẽ hoàn thành và bàn giao lại trường để tuần tới tổ chức dạy học", Chủ tịch xã Tri Lễ chia sẻ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại