Học sinh nhịn tiểu vì nhà vệ sinh quá hôi

Nguyễn Quyên |

Nhà vệ sinh tại một số trường học dù được lau dọn nhưng vì cơ sở vật chất xuống cấp, bị quá tải, lại thiếu lao công nên luôn có mùi khó chịu.

Bên cạnh nhiều nhà vệ sinh (NVS) khang trang , sạch sẽ khiến học sinh thích thú, tại TP.HCM vẫn còn nhiều trường học mà NVS trở thành nỗi ám ảnh khiến học sinh phải luôn nhịn tiểu.

“Con không dám đi vệ sinh”

Có con học tại Trường Tiểu học Phạm Ngũ Lão (quận Gò Vấp), anh H. chia sẻ điều khiến anh cảm thấy không an tâm nhất là NVS ở trường. Con kể mỗi giờ nghỉ giải lao, NVS của trường nườm nượp học sinh nên phải xếp hàng. “Đặc biệt là NVS luôn có mùi khai, khi tiết trời oi nồng, mùi khai trở nên nồng nặc nên con tôi hiếm khi dám đi vệ sinh ở trường” - anh H. bày tỏ.

Nhắc đến NVS ở trường, Anh Thư (học sinh một trường phổ thông ở quận Gò Vấp) cho biết bản thân em hạn chế đi vệ sinh ở trường. Thậm chí ở lớp có nhiều bạn không dám đi vệ sinh. “Bởi thực tế khi sử dụng NVS có nhiều bạn do sợ bẩn, lại không có ý thức nên thay vì ngồi lại đạp cả giày lên bồn cầu. Nhiều bạn đi xong không chịu dội, có bạn còn vứt giấy lung tung. Mặt khác, NVS thỉnh thoảng lại bị nghẹt, bị cúp nước, đặc biệt là có mùi hôi” - Anh Thư nói.

Bên cạnh việc sợ mùi, nhiều bé không dám đi vệ sinh ở trường vì tâm lý sợ “con ma bồn cầu”.

Bé Lan Anh (học sinh một trường tiểu học tại quận 6) cho biết: “Các bạn trong lớp thường dọa con trong NVS có “con ma bồn cầu”. Vì thế con không dám đi vệ sinh một mình vì sợ. Mỗi lần phải đi, con thường rủ bạn đi cùng. Những lúc bạn không đi, con cũng nhịn luôn”. “Hơn nữa, con cũng thường xuyên nhịn uống nước để khỏi đi vệ sinh ở trường” - Lan Anh bày tỏ.

Khảo sát tại một số trường ở quận Bình Thạnh, quận 9, quận Gò Vấp, nhiều học sinh cho rằng NVS luôn có mùi hôi. Cho nên nhiều em cố nhịn, không đi vệ sinh ở trường bởi đã quen sự sạch sẽ ở nhà.

Vì sao?

Chia sẻ về vấn đề trên, bà Lê Thị Hồng Hà (Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phạm Ngũ Lão, quận Gò Vấp ) cho biết trường thành lập vào năm 1990, được xây mới lại từ năm 2003 nên đến nay cơ sở vật chất của trường cũng bắt đầu xuống cấp mặc dù mỗi năm nhà trường đều dành một phần kinh phí để thay đổi, sửa chữa lại những phần đã hư hỏng.

Cũng theo bà Hà, trường có hơn 1.000 học sinh nhưng chỉ có ba cô phục vụ. Vì thế, dù đã cố gắng nhưng không tránh khỏi việc NVS vẫn có mùi. Nhà trường xin ghi nhận và sẽ có những giải pháp để cải thiện tình hình.

Theo bà Hà, việc NVS có mùi có thể xảy ra vào lúc học sinh ra chơi hay trước giờ ăn. Đó là thời gian “cao điểm dẫn đến quá tải” nên các cô khó xử lý kịp. “Nhưng sau thời điểm đó, các cô đã túc trực lau chùi, dọn dẹp. Sắp tới, trường sẽ tăng cường thêm cây xanh, sử dụng thêm quạt gió để làm bay mùi. Đặc biệt, sang năm khi nhận được nguồn kinh phí của Nhà nước, trường sẽ tập trung vào đầu tư xây mới NVS” - bà Hà nhấn mạnh.

Có thâm niên trong việc quản lý nhà trường, ông Huỳnh Thanh Phú (Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, quận 10) nhìn nhận: Có tình trạng NVS không đảm bảo vệ sinh một phần là do cơ sở vật chất đã xuống cấp trong khi nguồn kinh phí để phục vụ cho việc này ở các trường vô cùng hạn hẹp.

Mặt khác, với một ngôi trường hơn 1.000 học sinh mà chỉ có ba cô phục vụ thì đúng là quá tải nên nhiều thời điểm quá đông học sinh, NVS chưa sạch cũng dễ hiểu.

Và cuối cùng, đó là ý thức của các em học sinh trong việc sử dụng NVS. Cho nên việc giáo dục này cần phải diễn ra thường xuyên, theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”. “Việc đi vệ sinh đúng cách và giữ gìn vệ sinh chung tuy tế nhị nhưng nên là một phần học nghiêm túc trong giờ kỹ năng sống. Tôi thấy đây là nội dung còn bỏ ngỏ hiện nay, lẽ ra phải chỉ bảo các em từ lúc nhỏ nhất” - ông nói.

Nhịn tiểu sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe

Theo nguyên tắc, khi bàng quang đầy nước tiểu sẽ gây kích thích muốn đi tiểu. Khi mắc tiểu mà phải nhịn tiểu thì bàng quang sẽ căng lên để giữ lượng nước tiểu, đồng thời kích thích đi tiểu nhiều hơn, ảnh hưởng đến khả năng giữ tập trung làm việc, học tập. Nhịn tiểu nhiều quá có khả năng dẫn đến bí tiểu cấp, muốn đi tiểu nhưng lại không thể tiểu được. Việc đi tiểu bình thường giúp rửa sạch các chất lắng đọng trong đường tiểu, giảm thiểu nguy cơ bị nhiễm trùng tiểu. Thói quen nhịn tiểu còn làm ảnh hưởng đến sức khỏe của thận. Về nguyên tắc, thận lọc chất thải liên tục đẩy xuống bàng quang, bàng quang không thải được nước tiểu sẽ cản trở lượng nước tiểu đi xuống, có khả năng gây trào ngược và làm ứ đọng nước tiểu trên thận, dẫn đến tổn thương thận. Ngoài ra, tâm lý nhịn tiểu dễ dẫn đến thói quen uống ít nước để khỏi phải đi tiểu nhiều lần, lâu dài sẽ gây ra sỏi đường tiết niệu.

BS LƯƠNG MINH TÙNG, khoa Tiết niệu, BV quận Thủ Đức HOÀNG LAN ghi

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại