Tràn lan clip học sinh đánh hội đồng
Ngày 24/10, trên các trang mạng xã hội lan truyền một clip dài hơn 1 phút ghi lại cảnh một nhóm nữ sinh Trường THCS Nguyễn Du (phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk) dùng mũ bảo hiểm đánh tới tấp một nữ sinh.
Đáng nói, trong lúc nữ sinh đeo khăn quàng bị đánh thì có một học sinh cầm điện thoại đưa gần lại mặt của nạn nhân. Không chỉ vậy, thời điểm xảy ra sự việc, có rất nhiều học sinh khác có mặt tại đây nhưng không có bất kỳ ai chạy tới can ngăn hành vi đánh đập bạn của nhóm nữ sinh. Thậm chí, còn có tiếng reo hò, cổ vũ.
Nhóm nữ sinh ở tỉnh Đắk Lắk dùng mũ bảo hiểm đánh tới tấp bạn học. Ảnh cắt từ clip.
Nhiều người xem đoạn clip trên đã lên án hành vi đánh người dã man, côn đồ của nhóm nữ sinh trên, đồng thời phê phán những người chứng kiến sự việc nhưng không can ngăn, lại còn xúi dục đánh tiếp.
Về vụ việc này, ngày 25/10, ông Trần Ngọc Cẩm - Trưởng Phòng GDĐT thị xã Buôn Hồ (tỉnh Đắk Lắk) cho biết đã nắm được thông tin việc một học sinh bị nhóm bạn tấn công bằng mũ bảo hiểm. Hiện đơn vị đang xuống làm việc với Ban Giám hiệu Trường THCS Nguyễn Du.
Cùng ngày 25/10, đoạn clip một nữ sinh lớp 9 tỉnh Bình Định bị đánh hội đồng cũng xuất hiện trên các trang mạng xã hội Facebook, Tik Tok… Trong clip, một nữ sinh mặc áo thun trắng đang ở nhà thì bị các nữ sinh khác kéo đến đánh, đá, chửi thề...
Clip nói trên được chia sẻ trên mạng xã hội thu hút nhiều lượt chia sẻ, bình luận. Hầu hết các ý kiến đều rất bức xúc vì các nữ sinh còn nhỏ nhưng rất manh động.
Theo xác minh ban đầu của công an huyện Phù Mỹ (Bình Định), sự việc trên xảy ra vào ngày Chủ nhật 23/10. Một nhóm học sinh lớp 7 và 8 đang học tại Trường THCS Thị trấn Phù Mỹ (huyện Phù Mỹ) đến nhà của em T.L.T.M. (học sinh lớp 9 Trường THCS Thị trấn Phù Mỹ) rồi đánh đập M. ngay tại nhà. Nguyên nhân là nhóm nữ sinh này và M. chơi với nhau và có xảy ra mâu thuẫn từ trước.
Trên đây chỉ là hai trong số nhiều vụ việc học sinh đánh bạn, rồi quay clip tung lên mạng xã hội. Trước đó, hàng loạt vụ việc đau lòng đã xảy ra gây bất bình dư luận.
Trước đó ít ngày, một nữ sinh đang học lớp 10 tại trường tư thục ở TP Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) bị nhóm nam nữ lạ mặt vây đánh dã man bằng mũ bảo hiểm, kéo lê trên đường, sau khi chơi thể thao ra về. Ngày 21/10, clip dài hơn 6 phút lan truyền trên mạng xã hội, cho thấy nữ học sinh mặc đồng phục thể dục của 1 trường THCS tại huyện Bình Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) đã bị bạn đánh hội đồng.
Đình chỉ học tập có nhẹ tay?
Có thể thấy, phần lớn các vụ học sinh xô xát, đánh nhau xảy ra gần đây xuất phát từ những mâu thuẫn nhỏ nhặt trên lớp, trong cuộc sống, nói xấu nhau trên mạng xã hội hay xuất phát từ sự kích động của bạn bè… Hậu quả của các vụ việc đánh nhau gây thương tích cho cơ thể, còn hành vi quay video và đưa lên mạng xã hội để làm nhục người khác gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng về tinh thần của nạn nhân.
Hiện tượng này đã diễn ra trong nhiều năm nay nhưng thời gian gần đây có chiều hướng gia tăng, đây là nỗi trăn trở của nhiều gia đình và là nỗi bức xúc của toàn xã hội. Với những vụ việc xảy ra, trường học đưa ra hình thức kỷ luật học sinh là tạm đình chỉ học tập tùy theo mức độ vi phạm. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, hình thức kỷ luật này đang quá “nhẹ tay”.
Trao đổi với phóng viên, chuyên gia phương pháp học Nguyễn Đình Sơn - Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, việc đình chỉ học tập với học sinh vi phạm như hình thức xử phạt hành chính. Mức phạt chỉ có tác dụng tạm thời trong thời điểm xảy ra sự việc chứ không có tác dụng lâu dài.
Theo ông Sơn, hiện nay, nhà trường quá tập trung vào thành tích, thi cử mà không dành nhiều thời gian cho việc giáo dục thể chất, tâm lý học sinh. Trong khi đó, học sinh ở giai đoạn từ 9 tuổi đến 23 tuổi - đây là học sinh cuối tiểu học và THCS, các em có tâm lý thích nổi trội để khẳng định bản thân nên tình trạng bạo lực thể hiện dưới 5 hình thức: Trêu chọc, cô lập, lan tin đồn, bắt nạt và băng nhóm.
Để phòng chống bạo lực học đường, về phía nhà trường, ông Sơn cho rằng cần giáo dục học sinh ở độ tuổi này về tránh xung đột qua các bài tập tình huống đầu năm học như những buổi thảo luận mở dưới dạng trò chơi về 5 hình thức bạo lực thường dễ xảy ra để giúp các em nhận thức hành vi của mình chính là bạo lực với bạn. Từ những buổi thảo luận các con sẽ xây dựng được các chuẩn mực trong cách ứng xử với bạn bè của mình để phòng tránh hiệu quả.
Dưới góc độ chuyên gia văn hóa, PGS. TS Lê Quý Đức - nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, bạo lực học đường không dừng lại ở chuyện học sinh đánh nhau mà còn liên quan tới rất nhiều vấn đề của học đường như đạo đức, văn hóa, trách nhiệm xã hội…
Qua hàng loạt vụ việc bạo lực học đường xảy ra trong thời gian gần đây cho thấy giáo dục nhân sinh trong trường học của chúng ta hiện nay đang có vấn đề. Việc đó gắn liền với triết lý giáo dục của chúng ta, nhà trường chỉ dạy chữ hay còn giáo dục đạo đức, cách ứng xử giữa con người với con người?
Tuy nhiên, PGS.TS Lê Quý Đức nhìn nhận, một số gia đình đang buông lỏng giáo dục, phó mặc cho nhà trường. Như vậy, việc kết hợp giáo dục học sinh giữa nhà trường và gia đình đang lỏng lẻo. Còn suy rộng ra là trách nhiệm của các cơ quan lớn hơn.
“Chúng ta có chủ trương xây dựng văn hóa, con người Việt Nam tốt đẹp, nhân văn nhưng có điều những biện pháp, cách thức giáo dục của chúng ta hiện nay như thế nào? Đây là vấn đề của cả xã hội chứ không chỉ còn nằm ở phạm vi nhà trường và gia đình”, PGS.TS Lê Quý Đức nêu quan điểm.