Học phí và giấc mơ đại học

HỒ HIẾU |

Hơn 765 triệu đồng cho 4 năm học. Mức học phí ngất ngưởng này chẳng phải ở đâu xa mà là tại một trường ĐH công lập trong nước - ĐH Luật TP HCM.

Đây không phải là học phí đại trà mà là của hệ chất lượng cao. Chất lượng cao tới đâu chưa thể hình dung - vì sinh viên khóa này chưa tốt nghiệp - nhưng học phí thì cao thấy rõ.

Học phí nhiều ngành khác của trường này cũng không thấp chút nào. Chẳng hạn, hệ chất lượng cao ngành quản trị - luật có học phí một khóa là hơn 358 triệu đồng, một số ngành đại trà tròm trèm 200 triệu đồng. Còn các trường y - dược công lập, học phí cũng hơn 70 triệu đồng/năm, tùy ngành…

Dù năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản đề nghị giữ nguyên mức học phí như năm học 2021-2022 nhưng nhiều trường ĐH vẫn công bố những con số tăng chóng mặt. Nói chung, khi bắt đầu chương trình tự chủ ĐH thì học phí tăng và mức hiện nay chỉ là một chặng của quá trình này. Những năm tiếp theo, đà tăng học phí lại tiếp tục và sẽ có thêm nhiều ngành chất lượng cao khác ra đời tương ứng với mức học phí chót vót.

Nguồn thu chính của các trường ĐH là từ học phí. Một thực tế rất rõ ràng mà đại diện các trường muốn người học phải hiểu và chấp nhận là khi tự chủ để tự trang trải được thì phải tăng học phí. Trường muốn đầu tư phát triển thì phải tăng học phí; muốn mở rộng cơ sở, nâng chất lượng để thu hút người học cũng dựa vào nguồn thu học phí... Điều đó là hợp lý nhưng cách vận hành cần phải làm sao để giáo dục công gắn với mục tiêu là phục vụ.

Lý giải cho việc tăng học phí, chủ tịch hội đồng một số trường ĐH nói rằng học phí ở ta còn rất thấp so với nhiều nước trên thế giới. Không tăng học phí thì sẽ không thể cạnh tranh được với họ.

Nói như vậy chưa hẳn thuyết phục. Mức học phí của một số nước như Anh, Mỹ, Úc… rất cao, song đừng quên rằng mức sống của họ vốn cao, thu nhập đầu người vượt trội và cơ chế tài chính cho vay học tập rất mở. Cơ chế học bổng của họ cũng phong phú, đơn giản và phổ biến. Đó là chưa kể chất lượng đào tạo của các trường này ở tầm vóc khác mà không ít lãnh đạo các trường ĐH của ta phải sang tham khảo, học tập.

Ở Phần Lan - quốc gia có nền giáo dục hàng đầu thế giới hiện nay, hầu hết các trường ĐH công đều miễn phí, chỉ thu phí học sinh quốc tế. Hàng loạt trường công ở Đức, Thụy Điển, Na Uy, Áo… cũng không thu học phí. Về mặt chất lượng, chúng ta hẳn không có gì phải nghi ngờ hệ thống trường công ở các quốc gia này.

Vài trăm triệu hoặc hơn nửa tỉ đồng chi cho 4 năm học có lớn không? Với gia đình có điều kiện thì số tiền đó bình thường. Tuy nhiên, với đại đa số gia đình làm công ăn lương, gia đình nông dân (nước ta có tới trên 60% dân số ở nông thôn) thì mức chi phí trên quá cao. Nhà nào có vài người con vào ĐH thì sẽ lo không nổi.

Cải cách giáo dục có đột phá đến đâu, có tiến bộ đến mức nào đi nữa thì cũng phải hướng đến nguyên tắc công bằng trong cơ hội học tập, công bằng trong điều kiện phát triển cá nhân. Cần phải làm sao đừng để học phí trở thành rào cản khiến giấc mơ học tập của nhiều người đành gác lại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại