Học giả TQ nói về Chiến tranh biên giới 1979 và thói nực cười của người TQ khi bàn chuyện lịch sử

Hải Võ |

"Năm 1979 khi quân ta tấn công sang lãnh thổ Việt Nam, thì trong con mắt người dân Việt Nam, chúng ta chính là kẻ xâm lược..." - học giả Trung Quốc Phùng Học Vinh.

LTS: Phùng Học Vinh, sinh năm 1979, người Dương Giang, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Ông được đánh giá là tác giả ưu tú của Trung Quốc, tốt nghiệp Học viện Luật trường Đại học ngoại ngữ ngoại thương Quảng Đông; hiện sinh sống tại Hồng Kông.

Ngày 9/4/2015, Phùng Học Vinh đăng tải một bài luận tựa đề "Mấy điều nực cười về cách nhìn lịch sử của người Trung Quốc". Bài viết thách thức lịch sử quan thông thường của đại bộ phận quần chúng và xã hội Trung Quốc nói chung, gây ra các cuộc tranh cãi quyết liệt trên mạng xã hội nước này.

Một số tác phẩm của ông xuất bản tại Trung Quốc đại lục được hoan nghênh như "Lịch sử thực ra rất kinh người", "Từ Cộng hòa đến nội chiến: Chứng kiến 17 năm Bắc Dương"...

Dưới đây, chúng tôi xin gửi tới độc giả bài viết "gây bão" trên.

Học giả TQ nói về Chiến tranh biên giới 1979 và thói nực cười của người TQ khi bàn chuyện lịch sử - Ảnh 2.

Bởi [tôi] là người viết sử, thường đàm luận lịch sử với bạn hữu nên đương nhiên không tránh khỏi những lúc cãi nhau"đỏ mặt tía tai". Ban đầu cho là việc tiếp nhận thông tin lịch sử của các bạn có vấn đề, nhưng lâu dần tôi nhận thấy vấn đề không chỉ nằm ở tiếp thu thông tin, mà do bản thân phương thức tư duy có vấn đề.

Tối nay nhàn rỗi viết mấy lời bàn về việc này. Cái gọi là bằng hữu dám nói thẳng, không có gì biết mà không nói ra. Hy vọng giúp quốc dân (ở đây chỉ người dân Trung Quốc - ND) mở mang đầu óc, thông minh hơn và đừng tự dối mình, dối người nữa.

Điều nực cười thứ nhất:

Học giả TQ nói về Chiến tranh biên giới 1979 và thói nực cười của người TQ khi bàn chuyện lịch sử - Ảnh 3.

Trung Quốc có rất nhiều người được gọi là nhà văn hóa, người yêu thích lịch sử. Mỗi khi bàn đến giai đoạn lịch sử mà Mông Cổ giành độc lập thì thường "tư tưởng lớn gặp nhau" mà phát biểu hai quan điểm thế này:

1. Chính phủ Quốc dân (chính phủ Trung Hoa Dân Quốc - ND) bất lực, để mất Ngoại Mông Cổ.

2. Nước Trung Quốc mới (CHND Trung Hoa - ND) vì sao lại đi ủng hộ Ngoại Mông Cổ độc lập.

Những người được gọi là "nhà văn hóa" này, khi họ nói những điều như vậy, rõ ràng là có một giả thiết tiền đề: Mông Cổ từ thời cổ đến nay thuộc về Trung Quốc, sự độc lập của nhân dân Mông Cổ là bất hợp pháp.

Vậy sự thực như thế nào?

Sự thực là, Ngoại Mông dưới triều Minh và cả thời kỳ trước đó đều không phải địa bàn của người Trung Quốc. Ngoại Mông quy thuận đế quốc Đại Thanh do e sợ sức mạnh của Thanh.

Khi hoàng đế nhà Thanh thông qua "Chiếu thư Thanh đế thoái vị" năm 1912 và đem Ngoại Mông "chuyển nhượng" cho Trung Hoa Dân Quốc, thì sự kiện này cũng không được sự đồng thuận của người dân Ngoại Mông. Nhân dân Ngoại Mông hiển nhiên có quyền không chấp nhận. Nói cách khác, người dân Ngoại Mông có quyền độc lập. Lập luận này rất thuyết phục.

Học giả TQ nói về Chiến tranh biên giới 1979 và thói nực cười của người TQ khi bàn chuyện lịch sử - Ảnh 4.

Trong dòng người tản cư về hướng Bắc Kạn, Thái Nguyên sau khi bị quân Trung Quốc tấn công bất ngờ, có hai chị em cõng nhau chạy nạn. Dù đói và mệt, hai em cũng không dám nghỉ ngơi. Ảnh: NAG Trần Mạnh Thường

Một chủ đề chính trong lịch sử Trung Quốc cận đại là: Chống đế quốc cứu nước, độc lập tự chủ. Người Trung Quốc phải phản đối thực dân, phải đấu tranh giành độc lập. Có đúng hay không? Rất đúng.

Nhưng hễ bàn đến nhân dân Ngoại Mông muốn giành độc lập thì những thanh niên "ái quốc" của chúng ta lập tức trở mặt. Tại sao trở mặt? Bời vì những người trẻ "yêu nước" này cho rằng: Chỉ có người Trung Quốc chúng ta mới có thể độc lập. Người Ngoại Mông các anh cũng muốn độc lập? Nằm mơ đi.

Tôi có thể chống đế quốc, anh thì không thể độc lập. Quan có thể phóng hỏa, dân thì thắp đèn cũng không được. Đây chính là luận điệu của một số người "ái quốc" yêu lịch sử.

Người Ngoại Mông từ trước là người Ngoại Mông, sau này thì là người Thanh, nhưng họ chưa bao giờ là người Trung Quốc. Họ cũng có quyền chọn lựa không làm người Trung Quốc. Nhân dân Trung Quốc có quyền đấu tranh giành độc lập, nhân dân Ngoại Mông cũng có quyền đấu tranh giành độc lập. Mọi người cùng là người, người người bình đẳng.

"Tôi có thể chống đế quốc, anh không được độc lập" là một kiểu tiêu chuẩn "kép", là logic cường đạo. Cần phải tỉnh táo nhìn nhận vấn đề này, bằng không người Trung Quốc hễ không cẩn trọng sẽ rơi vào tình thế giống như chủ nghĩa đế quốc mà mình vẫn phê phán.

Một số nhà văn hóa "ái quốc" nếu có thời gian thì nên soi lại mình, nhìn xem người ở trong gương có giống phát xít Nhật năm xưa hay không? Cả hai [nhóm] đều theo chủ nghĩa bành trướng, nhưng kẻ chạy 50 bước cười người chạy 100 bước. Có vậy mà thôi.

Điều nực cười thứ hai:

Học giả TQ nói về Chiến tranh biên giới 1979 và thói nực cười của người TQ khi bàn chuyện lịch sử - Ảnh 5.

Nghiên cứu Chiến tranh nha phiến (1840-1843 và 1856-1860, ND) khó tránh bàn đến một vấn đề: Các biện pháp cấm thuốc phiện của Lâm Tắc Từ (quan triều Thanh, được vua Đạo Quang giao chức Khâm sai đại thần kiêm Tiết độ thủy sư tỉnh Quảng Đông năm 1838, phụ trách chống thuốc phiện - ND) có chỗ nào bất hợp lý?

Nhưng khi bàn đến đây, thường một số người "ái quốc" yêu lịch sử sẽ nhảy dựng lên mà phản đối rằng: "Điều này có gì phải bàn? Người Anh đem quân đánh vào biên giới nước ta là họ sai. Dù với bất cứ lý do nào cũng không được tấn công vào. Một khi đánh vào nghĩa là họ trở thành kẻ xâm lược."

Mỗi khi luận điệu như sau xuất hiện thì một số người không đủ kiến thức sẽ bị chèn ép đến "phát khùng": Nước A không được đưa quân đánh nước B, nếu không thì nước A chính là kẻ xâm lược.

Nhưng khi phản bác lại họ rằng "Nếu căn cứ lập luận của anh thì năm 1979 Trung Quốc đưa quân sang đánh Việt Nam. Như thế Trung Quốc có phải là kẻ xâm lược hay không?", thì đối phương sẽ đổ mồ hôi, không biết đối đáp thế nào, tay chân quýnh quáng, ngượng ngùng trăm bề.

Học giả TQ nói về Chiến tranh biên giới 1979 và thói nực cười của người TQ khi bàn chuyện lịch sử - Ảnh 6.

Hình ảnh thị xã Cao Bằng tan hoang sau khi bị quân Trung Quốc bắn phá. Ảnh: NAG Trần Mạnh Thường

Nếu theo lý luận của nhóm "yêu nước" này, bất kể vì lý do gì nước A cũng không được điều binh tới nước B, nếu không sẽ trở thành kẻ xâm lược, thì rõ ràng trong lịch sử Trung Quốc từng đóng vai "kẻ xâm lược" tới n lần.

Năm 1918, chính phủ Bắc Dương (chính phủ trung ương của Trung Hoa Dân Quốc giai đoạn đầu, mà phái Bắc Dương Mãn Thanh do Viên Thế Khải đứng đầu chiếm vai trò chủ đạo trong cục diện chính trị - ND) điều quân sang Nga, tấn công vào lãnh thổ Nga, vậy có phải là xâm lược không?

Năm 1950, Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc vượt sông Áp Lục (trong cuộc chiến mà Bắc Kinh gọi là "kháng Mỹ viện Triều": hỗ trợ Triều Tiên chống Mỹ - ND), khiến dân tộc của người ta bị phân tách thì gọi là gì?

Năm 1979, trong [cái mà Trung Quốc gọi là] tự vệ phản kích, quân đội đánh sâu vào lãnh thổ Việt Nam thì gọi là gì?

Học giả TQ nói về Chiến tranh biên giới 1979 và thói nực cười của người TQ khi bàn chuyện lịch sử - Ảnh 7.

Cầu sông Bằng (Cao Bằng) bị quân Trung Quốc đánh sập trên đường rút quân (giai đoạn 17/2/1979 - 18/3/1979). Nhà cửa, bệnh viện, trường học, cầu cống bị phá hủy, người dân bị giết hại. Ảnh: NAG Trần Mạnh Thường

Đừng quên rằng trong cả hai lần điều binh "xuất ngoại" 1950, 1979, dư luận quốc tế ngập tràn lời chỉ trích. Nếu không tin? Cứ tìm tư liệu xem.

Mọi người có biết không? Trung Quốc-Hàn Quốc xây dựng quan hệ ngoại giao vào năm 1992. Trong cuộc họp báo ở Seoul, Đại sứ Trung Quốc nhiệm kỳ đầu tiên đã vấp phải câu hỏi khó từ phóng viên Hàn khi bị yêu cầu xin lỗi về "hành vi xâm lược" năm 1950. Vậy thử hỏi trong mắt người Hàn Quốc, hành động của Trung Quốc năm 1950 mang tính chất gì?

Năm 1979 khi quân ta tấn công sang lãnh thổ Việt Nam, thì trong con mắt người dân Việt Nam, chúng ta chính là "kẻ xâm lược". Vào năm ấy, người Trung Quốc chúng ta là "giặc phương Bắc". Chúng ta bị người Việt Nam xem như quân xâm lược. Vì chúng ta đã tấn công vào lãnh thổ của họ.

Học giả TQ nói về Chiến tranh biên giới 1979 và thói nực cười của người TQ khi bàn chuyện lịch sử - Ảnh 8.

Hình ảnh thanh niên Việt Nam hừng hực khí thế ra trận, bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979. Ảnh: NAG Thomas Billhardt

Trong lịch sử cận đại, Trung Quốc đúng là chủ yếu đóng vai trò người bị hại. Nhưng ở một số thời khắc của lịch sử, chúng ta cũng đóng vai kẻ xâm hại. Chỉ có điều anh không hiểu, không thừa nhận, không dám đối diện mà thôi.

Khi đàm đạo về lịch sử, chúng ta hoàn toàn có thể chỉ trích đế quốc xâm lược, nhưng luận điểm "nước A đưa quân sang nước B thì là kẻ xâm lược" không thành lập. Bởi vì chúng ta cũng từng đưa quân sang quốc gia khác đánh người ta. Tảng đá này nếu không cẩn thận thì sẽ tự đập vào chân mình (ý nói lập luận không thận trọng sẽ bị "gậy ông đập lưng ông" - ND).

Không phải tôi muốn nói mọi người đừng lên tiếng, mà tôi khuyên hãy nói một cách thông minh. Trên thế giới này thực ra không có ai trong sạch hoàn toàn, không bao giờ được nhận định người khác là lang sói, còn chỉ có bản thân là thiên thần.

Điều nực cười thứ ba:

Học giả TQ nói về Chiến tranh biên giới 1979 và thói nực cười của người TQ khi bàn chuyện lịch sử - Ảnh 9.

Một số nhà văn hóa "yêu nước" của Trung Quốc mỗi khi bàn về vấn đề lãnh thổ thì thường dùng một câu nói là "thuộc về Trung Quốc tự cổ đến nay". Thế nào gọi là "tự cổ"? Phải "cổ" đến mức nào mới xem là "cổ"?

Còn khái niệm "Trung Quốc" xuất hiện từ khi nào? Hàm nghĩa của "Trung Quốc" là động hay tĩnh"? Thực ra ở đây còn rất nhiều chuyện phải bàn.

Tôi lấy ví dụ về đảo Đài Loan. Các thanh niên "ái quốc" của chúng ta thích nói nhất là "Đài Loan từ cổ đến nay thuộc về Trung Quốc".

Vấn đề ở chỗ đây là một câu nói dối. Đảo Đài Loan vốn không phải thuộc Trung Quốc từ thời cổ. Có thông tin vào thời kỳ Tam Quốc, quân đội của Tôn Quyền từng tới Đài Loan, nhưng điều này cũng không chứng minh được Đài Loan thuộc về Trung Quốc. Marco Polo còn từng tới Trung Quốc, như vậy cũng chứng tỏ Trung Quốc thuộc về Italia hay sao?

Ngoài ra, thời kỳ triều Minh có lập ra Ti tuần kiểm Bành Hồ nhưng phạm vi chỉ bao phủ quần đảo Bành Hồ, chứ chưa thể bao phủ chính đảo Đài Loan. Người Trung Quốc thi hành biện pháp thống trị hiệu quả trên đảo Đài Loan trên thực tế phải từ thời vua Khang Hy triều Thanh. Trước Khang Hy, người Trung Quốc chưa hề cai trị Đài Loan.

Vậy câu chuyện là thế nào?

Thì ra, đảo Đài Loan trong lịch sử vốn dĩ thuộc địa bàn của dân bản địa. Trên đảo này từng tồn tại các quốc gia kiểu bộ lạc như "Vương quốc Đại Đỗ". Sau này thực dân Hà Lan tới đây và lập chính phủ thực dân. Sau đó nữa thì Trịnh Thành Công (nhà quân sự nổi tiếng cuối triều Minh đầu triều Thanh, sử Trung Quốc ghi nhận là "danh tướng kháng Thanh, anh hùng dân tộc" - ND) chiến thắng người Hà Lan giành lại Đài Loan. Tiếp sau này mới là nhà Thanh đánh bại vương triều họ Trịnh, chính thức thu nạp đảo Đài Loan vào bản đồ Trung Quốc.

Nói cách khác, đảo Đài Loan hoàn toàn không phải là "thuộc về Trung Quốc từ thời cổ" mà do người Trung Quốc chủ động đánh chiếm lấy, thậm chí nói khó nghe một chút là cướp lấy.

Nếu cứ nhất định nói Đài Loan tự cổ thuộc về ai, vậy thì đầu tiên nó phải thuộc về người bản địa trên đảo, sau đó đến người Hà Lan, cuối cùng mới đến người Trung Quốc.

Lịch sử đảo Đài Loan thực ra là một ví dụ rất hay. Nó làm rõ một sự thật lịch sử chính xác nhưng cũng tàn khốc: Trên thế giới này, không có bất kỳ địa bàn nào là thuộc về một quốc gia nào từ thời cổ. Địa bàn của người Trung Quốc cũng như các dân tộc khác trên thế giới đều giống nhau, phải do họ tự chiếm về.

Trong lịch sử, người Trung Quốc vì muốn bành trướng địa bàn của mình đã không ngừng phát động chiến tranh, không ngừng làm diệt vong nước khác, ví dụ như Đại Lý (tỉnh Vân Nam), Nam Việt (địa phận Quảng Đông, Quảng Tây... do Triệu Đà lập nên - ND), Hãn quốc Zunghar (vùng Tây Nam Trung Quốc ngày nay), Trung Sơn (tình Hà Bắc, Trung Quốc), Ba Quốc (tỉnh Hồ Bắc, Hồ Nam)...

Danh sách các quốc gia bị Trung Quốc xóa sổ vẫn còn rất dài. Người Trung Quốc, trong công cuộc bành trướng không ngừng bằng vũ lực, từng bước làm lớn mạnh không gian sinh tồn của mình.

Do đó, các nhà văn hóa "yêu nước" của chúng ta xin đừng cho rằng người khác đều là lang sói, còn chỉ có ta là thiên thần. Tất cả mọi quốc gia và dân tộc trên thế giới này, về bản chất đều ích kỷ. Người Trung Quốc cũng không ngoại lệ. Lời nói tuy trần trụi nhưng rất thực tế.

Không có cái gì gọi là "từ thời cổ đến nay". Địa bàn sinh tồn của loài người trong lịch sử luôn ở trạng thái biến động. Hôm nay của anh, ngày mai là của tôi. Diễn biến lịch sử của bất kỳ vùng địa bàn nào đều có dấu vết để tìm lại.

"Từ cổ đến nay" không phải là chân lý gì, mà chỉ là chốn tị nạn của những kẻ lưu manh. Chỉ thế mà thôi.

Điều nực cười thứ tư:

Học giả TQ nói về Chiến tranh biên giới 1979 và thói nực cười của người TQ khi bàn chuyện lịch sử - Ảnh 10.

Giáo dục lịch sử cận đại của Trung Quốc tuân theo việc nhồi nhét cho con trẻ quan niệm như thế này: Trong lịch sử cận đại, Trung Quốc là một quốc gia yêu chuộng hòa bình, đồng thời là một nước bị hiếp đáp.

Học giả TQ nói về Chiến tranh biên giới 1979 và thói nực cười của người TQ khi bàn chuyện lịch sử - Ảnh 11.

Vũ khí của quân Trung Quốc, gồm súng chống tăng, đạn B41, súng trung liên, đại liên bị bộ đội Việt Nam thu giữ vào tháng 2/1979. Ảnh: NAG Trần Mạnh Thường

Hôm nay, xin cho phép tôi nói một câu thật lòng: Sự thật là bắt đầu từ cuối triều Thanh, Trung Quốc đã bước lên con đường chủ nghĩa đế quốc. Sở dĩ bước không thành chỉ do vấn đề nội loạn, do không nỗ lực. Tôi lấy ví dụ:

Ví dụ thứ nhất: Năm 1882, nhận thấy người Nhật hiện diện ngày càng nhiều ở thuộc quốc Triều Tiên (Joseon - ND) của mình, đế quốc Đại Thanh cảm thấy địa vị vượt trội ở Triều Tiên bị đe dọa bởi đế quốc Nhật Bản nên đã gia tăng kiểm soát đối với Triều Tiên.

Nhà Thanh yêu cầu Triều Tiên ký kết điều ước bất bình đẳng "Chương trình mậu dịch thủy lục giữa thương dân Trung-Triều", trong đó quy định người Trung Quốc ở Triều Tiên được hưởng trị ngoại pháp quyền (quyền được miễn trừ trách nhiệm trước cơ quan tư pháp bản địa, thường là kết quả đàm phán ngoại giao - ND).

Ngay sau đó Thanh triều lại đòi Triều Tiên thành lập một loạt tô giới của nước Thanh tại Incheon, Busan, Wonsan... Đồng thời, đế quốc Thanh tăng quân đồn trú ở Triều Tiên.

Trị ngoại pháp quyền, tô giới, quân đội đồn trú... là những hành vi điển hình của "chủ nghĩa đế quốc". Đừng nói với tôi rằng hành động của Đại Thanh có khác biệt gì về bản chất so với chủ nghĩa đế quốc ở Anh, Nhật Bản.

Ví dụ thứ hai: Năm 1911, tại Mexico bùng phát sự kiện bài xích người Hoa. Triều đình Thanh lập tức ra lệnh tàu tuần dương Hai Chi của Hải quân tới Mexico bảo vệ kiều dân Thanh. Chính phủ Mexico đã chọn thỏa hiệp trước sự uy hiếp từ súng pháo của đế quốc Thanh, sau đó nhận lỗi và bồi thường cho Bắc Kinh.

Vậy, việc lập tức điều quân đội đe dọa nước khác khi kiều dân của mình bị "bắt nạt" trên nước họ là hành động gì? Đây là hành vi điển hình của chủ nghĩa đế quốc. Xin đừng nói với tôi rằng hành động của Đại Thanh có khác biệt gì về bản chất so với chủ nghĩa đế quốc ở Anh, Nhật Bản.

Ví dụ thứ ba: Cách mạng tháng Mười bùng nổ ở Nga năm 1917, nước Nga Xô Viết thành lập. Các cường quốc theo chủ nghĩa đế quốc ở phương Tây quyết định động binh can thiệp.

Năm 1918, chính phủ Bắc Dương của Trung Hoa Dân Quốc điều binh tham gia chiến dịch tấn công Nga của các đế quốc, can thiệp quân sự vào nước Nga Xô Viết. Sự kiện này được lịch sử gọi là "vụ can thiệp Siberia". Mọi người không hề nhìn nhầm, Trung Quốc từng đưa quân vượt qua biên giới Nga, can thiệp vũ trang vào nội chính của Nga. Đó chính là sự thật lịch sử được ghi chép giấy trắng mực đen, chỉ là nó đã bị lãng quên.

Đưa quân sang nước khác, can thiệp hoạt động nội bộ của họ chính là hành vi điển hình của chủ nghĩa đế quốc. Xin đừng nói với tôi là không phải.

Còn có một sự kiện lịch sử mà ai ai cũng biết: Hải chiến Giáp Ngọ (1894). Khác với nhận thức của chúng ta, trận Giáp Ngọ thực tế không phải một cuộc chiến tranh bảo vệ đất nước, mà là xung đột bùng phát giữa đế quốc Đại Thanh và đế quốc Nhật Bản do tranh chấp quyền kiểm soát ở Triều Tiên.

Chí ít trong mắt người dân Triều Tiên, hải chiến Giáp Ngọ chỉ là một cuộc chiến "chó cắn chó" giữa đế quốc chủ nghĩa Thanh và Nhật Bản. Nhật kiểm soát Triều Tiên là sai, nhưng Thanh kiểm soát Triều Tiên có đúng hay không? Đổi góc độ tư duy sẽ thấy ngay.

Học giả TQ nói về Chiến tranh biên giới 1979 và thói nực cười của người TQ khi bàn chuyện lịch sử - Ảnh 12.

Anh Nông Văn Ất ở xã Hưng Đạo (Cao Bằng) bật khóc khi trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài về cái chết của vợ con. Năm 1979, chị Nguyễn Thị Hải, vợ anh đang mang bầu 6 tháng cùng bốn đứa con, lớn nhất 10 tuổi, nhỏ nhất 3 tuổi đều bị lính Trung Quốc giết chết rồi ném xuống giếng. Ảnh: NAG Trần Mạnh Thường

Nói thêm một sự thực ít người biết: Khi chiến tranh Giáp Ngọ bùng nổ, mọi người có biết dư luận quốc tế nghiêng về bên nào không? Đáp án sẽ khiến anh phải tròn mắt: Dư luận quốc tế thời điểm ấy ngả theo Nhật Bản. Đa số người phương Tây nhận định đế quốc Thanh vô lý. Thật bất ngờ phải không?

Những ví dụ như trên còn có thể nêu ra rất nhiều. Từ các ví dụ này chúng ta thấy được trong trào lưu chủ nghĩa đế quốc thời kỳ đó, chính phủ Trung Quốc giai đoạn cuối Thanh đầu Dân Quốc đã gia nhập hàng ngũ đế quốc, đồng thời bước lên con đường chủ nghĩa đế quốc.

Những hành động ức hiếp người mà đế quốc thực hiện ở Trung Quốc thì chính phủ Thanh hay chính phủ Bắc Dương đều đã bắt đầu làm, thậm chí còn hành động "ra trò".

Lịch sử nói cho chúng ta biết: Người Trung Quốc "không ăn chay". Đừng bao giờ cho rằng người Trung Quốc đều là "dì Tường Lâm" đầy bạc nhược (nhân vật trong tiểu thuyết "Chúc phúc" của Lỗ Tấn - ND). Người Trung Quốc không phải là không muốn đi con đường đế quốc chủ nghĩa, chỉ là nội loạn nên bất thành mà thôi.

Trong lịch sử, dù là ngay thời cận đại, việc người Trung Quốc ức hiếp người khác là một sự thật lịch sử. Không phải là không có, mà chỉ là anh không biết thôi.

Điều nực cười thứ năm:

Học giả TQ nói về Chiến tranh biên giới 1979 và thói nực cười của người TQ khi bàn chuyện lịch sử - Ảnh 13.

Tôi từng bàn luận với một tài xế taxi ở Thâm Quyến về vấn đề đảo Điếu Ngư (Nhật Bản gọi là Senkaku - ND). Tài xế nói với tôi rằng Điếu Ngư là của Trung Quốc, phải giết sạch đám "tiểu Nhật Bản".

Tôi nửa đùa nửa thật hỏi lại: Vì sao đảo Điếu Ngư là của Trung Quốc? Anh lái xe bị tôi hỏi vậy thì sững lại một chút, rồi đáp: Đương nhiên là của Trung Quốc, còn phải hỏi sao?

Tôi tiếp tục truy vấn: Đúng là tôi không biết, xin được chỉ giáo. Tài xế im lặng rất lâu mới bật ra một câu: Tôi cũng không biết là tại sao, tóm lại [Điếu Ngư/Senkaku] là của chúng ta.

Câu chuyện này đã nhiều năm. Mỗi lần nhớ lại anh taxi Thâm Quyến nọ là tôi lại thấy buồn cười. Anh ta hoàn toàn không phải trường hợp cá biệt.

Nhớ lại những thanh niên "yêu nước" đập phá xe (sự kiện tháng 9/2012, sau khi Nhật quốc hữu hóa quần đảo Senkaku/Điếu Ngư - ND) năm nào, nếu hỏi họ "vì sao đảo Điếu Ngư thuộc về Trung Quốc", tôi tin 99% người được hỏi không đáp được. Cứ đập xe đã rồi tính, đừng hỏi tôi tại sao.

Anh tin rằng tiền trong ví anh là của anh. Tại sao vậy? Bởi vì anh vừa được phát lương. Anh tin rằng căn nhà của anh thuộc về anh bởi vì anh bỏ tiền ra mua nó. Anh tin rằng vợ anh là của anh, bởi vì anh và cô ấy có giấy đăng ký kết hôn.

Khi anh tin rằng bất kỳ một sự vật nào thuộc về mình, anh tất nhiên sẽ nói ra được lý do. Nếu như anh không nêu được lý do, chứng minh anh cũng không dám chắc vật đó thuộc về anh. Mà nếu anh không biết một sự vật vì sao lại thuộc về mình, nhưng trong ngôn hành lại khăng khăng tuyên bố nó thuộc về anh, thì chứng minh tư duy của anh có vấn đề. Đây là bệnh, cần phải chữa trị.

Một trăm năm trước phụ nữ còn bó chân. Người ngoài hỏi vì sao bó chân thì cô cũng không biết, bởi vì mọi người đều nói bó chân là đúng, cho nên cô cảm thấy nó đúng. Khoảng bảy, tám chục năm trước, người dân Nhật Bản xếp hàng tiễn con em rời quê hương đi chinh phục Trung Quốc. Nếu anh hỏi bọn họ vì sao thì họ cũng không biết. Họ chỉ biết rằng "chiến đấu vì quốc gia là đúng". Những hiện tượng này cũng là bệnh, cần được chữa trị.

Học giả TQ nói về Chiến tranh biên giới 1979 và thói nực cười của người TQ khi bàn chuyện lịch sử - Ảnh 14.

Những người lý trí một chút nên biết rằng: Nếu anh không hiểu được vì sao đảo Điếu Ngư thuộc về Trung Quốc thì anh nên im lặng. Còn nếu quả thực anh lo lắng vì nước vì dân, vậy anh nên thu thập ngay các tài liệu lịch sử về đảo Điếu Ngư để hiểu rõ ràng quan điểm và chứng cứ của cả hai bên. Sau khi xác tín "đảo Điếu Ngư thuộc về Trung Quốc" rồi, thì lúc đó anh mới đi khắp nơi tuyên bố "đảo Điếu Ngư của Trung Quốc" được.

Vấn đề là khi anh không hiểu về lịch sử của đảo Điếu Ngư mà khăng khăng nói "đảo Điếu Ngư là của Trung Quốc", nhưng khi người khác hỏi lý do anh lại không trả lời được, thì lúc đó trong mắt người ta anh đã thoái hóa thành một con khỉ rồi.

Một người "đủ tư cách", đầu tiên phải là người thành thực, chính trực. Đối với bất kỳ việc gì, anh biết nghĩa là biết, không biết nghĩa là không biết. Một đồ vật gì, thuộc về anh tức là thuộc về anh, không thuộc về anh tức là không thuộc về anh.

Khi anh không dám chắc một thứ gì có thuộc về mình hay không thì đáp án phù hợp nhất là: Tôi không biết.

Còn nếu anh đã không biết nhưng lại nói chắc như đinh đóng cột rằng món đồ thuộc về mình, thì lúc này xét về phương diện tinh thần, anh đã bị xếp vào hàng trộm cướp.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại