Học giả TQ: Nga-Ấn ủng hộ Bắc Kinh về biển Đông là "một vở kịch"

Hải Võ |

Nhà bình luận quân sự người Trung Quốc Phùng Thiện Trí mới đây gọi thái độ ủng hộ Bắc Kinh về vấn đề biển Đông từ Nga và Ấn Độ là "một vở kịch".

Truyền thông Trung Quốc ngày 20/4 đưa tin, Nga và Ấn Độ đã thể hiện "sự ủng hộ mạnh mẽ với Trung Quốc" trong tuyên bố chung của hội nghị ngoại trưởng ba bên, tổ chức tại Moscow hôm 18/4.

Đồng thời, báo chí nước này nhấn mạnh Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tái khẳng định trong cuộc gặp với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị rằng Moscow "phản đối quốc tế hóa tranh chấp ở biển Đông, ủng hộ các bên giải quyết mâu thuẫn bằng đàm phán trực tiếp".

Tại một số diễn đàn quốc tế lớn trước đây, Nga cũng nêu những quan điểm tương tự.

Học giả TQ: Nga-Ấn ủng hộ Bắc Kinh về biển Đông là một vở kịch - Ảnh 1.

Từ trái qua: Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj dự hội nghị ngoại trưởng ba bên lần thứ 14 tại Moscow hôm 18/4. (Ảnh: Xinhua)

Theo Báo Thanh niên Trung Quốc, tuyên bố chung của hội nghị ngoại trưởng ba bên đề cập, Nga-Trung-Ấn cam kết gìn giữ trật tự luật pháp trên biển căn cứ theo nguyên tắc của luật pháp quốc tế, được thể hiện rõ trong Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982.

Tuyên bố chung nói rằng "các tranh chấp trên biển Đông cần được giải quyết thông qua đàm phán và thỏa thuận giữa các bên liên quan".

Ba ngoại trưởng kêu gọi tuân thủ toàn diện UNCLOS, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và hoàn thiện thiết lập Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Trang quân sự của Mạng phương Đông (Eastday), Trung Quốc, ngày 21/4 dẫn bài phân tích của nhà bình luận quân sự Phùng Thiện Trí, nói rằng thái độ của Nga-Ấn giống như "một vở kịch".

Theo ông Phùng, mặc dù Lavrov không thể hiện rõ thái độ ủng hộ Trung Quốc như báo chí nước này "tung hô", nhưng chí ít, tuyên bố của Ngoại trưởng Nga cũng là chỗ để Bắc Kinh "bấu víu" trong tình thế bị cô lập hoàn toàn trong vấn đề biển Đông.

Ông này đánh giá, chính sách ngoại giao của mỗi nước đều dựa trên cơ sở lợi ích quốc gia của nước đó và cái gọi là "Nga-Ấn lần đầu công khai chống đỡ" cho Trung Quốc như truyền thông nước này tuyên truyền hoàn toàn không chứng minh Moscow và New Delhi "thực sự ủng hộ Trung Quốc".

"Đối với Nga và Ấn Độ, việc ủng hộ Philippines hay Việt Nam còn dễ đem lại lợi ích hơn so với hỗ trợ Trung Quốc.

Trong tình hình biển Đông từ trước đến nay, Ấn Độ và Nga không thể hiện vai trò nổi bật, mặc dù thái độ của Ấn có phần rõ ràng hơn sự 'âm thầm' của Nga. Hai nước đều có những mối liên hệ mật thiết với Việt Nam về vấn đề biển Đông.

Có thể nói, Mỹ và Nhật Bản nghiêng về ủng hộ Philippines, trong khi Nga, Ấn ủng hộ nhiều hơn đối với Việt Nam.

Chiến lược của Mỹ, Nhật, Nga và Ấn Độ tại biển Đông gần như tương đồng, chỉ là chiến thuật và hành động của các bên không giống nhau," ông Phùng viết.

Học giả TQ: Nga-Ấn ủng hộ Bắc Kinh về biển Đông là một vở kịch - Ảnh 3.

Nga, Ấn Độ không ủng hộ tất cả lập trường của Trung Quốc về biển Đông

Theo nhà bình luận này, tuyên bố chung ba nước hôm 18 không đồng nghĩa Nga và Ấn Độ ủng hộ lập trường của Bắc Kinh trong mọi vấn đề về biển Đông, mà chỉ là vụ kiện ở Tòa trọng tài thường trực The Hague mà Philippines là nguyên đơn chống lại Trung Quốc.

"Nga, Ấn cùng Philippines không có quan hệ về lợi ích nên hai nước này ủng hộ Trung Quốc cũng không có gì lạ. Nhưng nếu đổi lại là Việt Nam thì Moscow và New Delhi chắc chắn không đứng về phía Trung Quốc," ông Phùng nhận định.

Cùng với việc Bắc Kinh ngông cuồng đẩy nhanh hoạt động bồi lấp, xây đảo nhân tạo và bố trí cơ sở hạ tầng quân sự, dân sự trái phép ở biển Đông, không chỉ Mỹ/đồng minh cảm thấy mối đe dọa mà chính Nga cùng Ấn Độ cũng cảnh giác với Trung Quốc.

Trước kiến nghị sớm khởi kiện Trung Quốc của cử tri được Ban Dân nguyện của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tập hợp, Bộ ngoại giao ngày 20/4 có văn bản trả lời cho biết, các bộ, ngành liên quan của Việt Nam đang nghiên cứu kỹ lưỡng và tích cực chuẩn bị để trình lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ xem xét, cân nhắc giải pháp pháp lý.

Đồng thời, Việt Nam đã và đang theo dõi sát diễn biến vụ kiện Trung Quốc của Philippines để có ứng xử phù hợp nhằm bảo vệ những lợi ích chính đáng của Việt Nam.

Phùng Thiện Trí cho rằng, các cường quốc đều nhận thấy nếu Bắc Kinh giành được quyền kiểm soát thực tế trên biển Đông thì mọi mục tiêu của các nước này sẽ đổ bể.

Chính vì vậy, Mỹ, Nhật Bản, Australia đã phản ứng quyết liệt bằng hành động tuần tra tuyên bố tự do hàng hải trên biển Đông nhằm gây sức ép lên Trung Quốc. Đồng thời, xã hội quốc tế ngày càng có nhiều tiếng nói ủng hộ vụ kiện biển Đông ở PCA.

Trong khi đó, học giả Trung Quốc đánh giá hành động của Nga và Ấn Độ chủ yếu ở lĩnh vực hỗ trợ các nước trong khu vực, làm trì hoãn và cản trở Bắc Kinh đạt mục đích của mình.

"So với động thái can thiệp trực tiếp bằng quân sự của Mỹ và đồng minh, việc Nga-Ấn lên tiếng ủng hộ bề ngoài nhưng lại có hành động khác sau lưng mới là điều Trung Quốc cần phải cảnh giác hơn."

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại