Sputnik News ngày 12/9 dẫn lời chuyên gia quân sự Ivan Konovalov, Giám đốc Trung tâm diễn biến chiến lược Nga, cho rằng cuộc tập trận chung trên biển Đông giữa Nga-Trung Quốc từ 12-19/9 là động thái thúc đẩy ủng hộ song phương trong lĩnh vực chính trị, quân sự.
Người phát ngôn Hải quân Trung Quốc Lương Dương ngày 11/9 thông báo, địa điểm tổ chức cuộc tập trận mang tên "Joint Sea 2016" sẽ nằm ở vùng biển ngoài khơi tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Ông này tuyên bố vị trí trên "không thuộc khu vực tranh chấp trên biển Đông".
Giai đoạn "quyết liệt nhất" của hoạt động sẽ diễn ra từ 15-19/9.
Theo ông Konovalov, mục đích trước tiên của những cuộc tập như thế này là nhằm thể hiện mối quan hệ hợp tác tốt giữa hải quân hai nước. Địa điểm tập trận cũng cho thấy thái độ ủng hộ của hai bên đối với nhau.
"Cuộc tập trận Joint Sea năm ngoái đã tổ chức ở Địa Trung Hải, vào thời điểm đó có thể xem là Trung Quốc ủng hộ Nga. Hiện nay Nga thể hiện sự ủng hộ với Trung Quốc ở biển Đông," ông nói.
Konovalov cho rằng, sức ép mạnh mẽ mà Mỹ tạo ra đối với Trung Quốc ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã khiến tình trạng đối đầu giữa hai nước nóng dần và chưa có dấu hiệu hòa dịu.
Cuộc tập trận chung ở biển Đông đối với Nga mà nói "là một động thái chính trị quan trọng".
Chuyên gia này nói: "Trên thực tế, quy mô những cuộc tập trận như vậy không lớn, số lượng tàu của chúng ta (Nga) cũng giới hạn. Đây không phải hoạt động phô trương về quy mô, nhưng Washington vẫn nhận được 'thông điệp' nào đó".
Ông này dự đoán phản ứng của phía Mỹ "sẽ có một chút nhạy cảm về thần kinh".
Trước đó, khi lần đầu xác nhận tổ chức "Joint Sea 2016" ở biển Đông vào đầu tháng 8, Bộ quốc phòng Trung Quốc khẳng định cuộc tập trận này "không nhằm vào bên thứ 3".
Trả lời phỏng vấn chuyên san "Xuyên suốt nước Nga" của tờ Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) hôm 10/9, Viện trưởng Viện Đông phương học của Nga, ông Alexey Maslov đánh giá, Moscow và Bắc Kinh hợp tác với nhau ở lĩnh vực quân sự tốt hơn nhiều so với các dự án về kinh tế.
"Hoạt động tập trận lần này nhằm kiểm nghiệm năng lực xử lý các nguy cơ chung của hải quân hai nước ở Đông Á và Đông Nam Á," ông cho hay.
Đồng quan điểm với Konovalov, ông Maslov tin rằng Nga và Trung Quốc đang nghiên cứu hình thành một liên minh về chính trị-quân sự trong tương lai, nhưng sẽ không chính thức thành lập một tổ chức về mặt pháp lý như NATO.
Đối với vấn đề Biển Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nhiều lần nhấn mạnh: "Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là không thể tranh cãi".
Việt Nam "kiên quyết phản đối những hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam và yêu cầu Trung Quốc có những lời nói, hành động trách nhiệm và mang tính xây dựng trong việc duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực cũng như trên thế giới trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)".